7 dấu hiệu bất thường của nước bọt cảnh báo bệnh

13/07/2016 07:23
Thùy Linh (Theo Prevention)
(GDVN) - Nước bọt không chỉ giúp duy trì sức khỏe răng miệng mà còn cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe khác bạn không ngờ tới.

1. Tiết ít

Nếu bạn đang sử dụng loại thuốc nào đó và cảm thấy miệng khô, cần tăng cường vệ sinh để tránh sâu răng. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên đánh răng hàng ngày bằng kem chứa fluorid và khám bác sĩ nha khoa định kỳ.

2. Trắng và vón cục

Tình trạng này có thể là do nấm candida albicans xâm nhập, gây ra nhiễm trùng và nhiệt miệng. 

3. Có những phân tử ARN


Xét nghiệm nước bọt cung cấp cho bạn nhiều thông tin về cấu trúc di truyền, các hoocmon trong cơ thể và chẩn đoán nhiều bệnh giống xét nghiệm máu như tiểu đường, ung thư.

4. Có tính axit

Môi trường trong miệng có pH trung tính (khoảng bằng 7). Độ pH này có thể được xác định bằng que thử hoặc dung dịch thử. Khi độ pH nhỏ hơn 7, vi khuẩn sẽ sinh sôi nhanh chóng và gây bệnh cho răng miệng.

Nước bọt có tính axit cao cũng làm mòn và khiến răng bị sâu. Vì vậy, bạn nên ăn những thực phẩm giàu arginin, như thịt đỏ hoặc thịt gia cầm, có thể làm giảm độ axit của nước bọt.

5. Quá nhiều


Phụ nữ mang thai thường tiết nhiều nước bọt hơn. Vì vậy, nếu xuất hiện dấu hiệu này có thể bạn đã có tin vui. Tình trạng này là do thay đổi nội tiết hoặc tác dụng phụ của cảm giác buồn nôn.

Ngoại trừ việc gây khó chịu, điều này không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Nhai kẹo cao su hoặc kẹo cứng có thể giúp bạn nuốt bớt lượng nước bọt thừa này.

6. Vị đắng hoặc chua

Đó có thể là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Điều đó khiến axit từ dạ dày đi ngược lên họng, gây cảm giác vướng ở cổ. Ngoài vị chua trong miệng và họng, triệu chứng hay gặp nhất của trào ngược là ợ nóng. Bạn cũng có thể gặp phải những vấn đề như hơi thở hôi hoặc buồn nôn.

Nếu mắc bệnh, bạn nên giảm cân, tránh tiêu thụ thức ăn nhiều dầu mỡ và gia vị cay nóng.

7. Lưỡi khô


Khi bạn thở bằng miệng, nước bọt tiết ít hơn, lưỡi và miệng sẽ bị khô. Đây là chất sát trùng tự nhiên, nên nếu khoang miệng không tiết nước bọt, vi khuẩn và sâu răng sẽ tấn công. Do vậy, bạn nên hít thở qua mũi để hạn chế tình trạng này.

Thùy Linh (Theo Prevention)