Ăn lẩu ngày Tết sao cho vừa ngon vừa khỏe!

29/01/2012 08:00
Theo Phunutoday
Lẩu là món ăn được khá nhiều người ưa thích. Nhưng phải ăn thế nào mới là tốt nhất?
Hôm nay chồng đi chúc Tết nhà bạn bè về thì thầm với vợ: “Vợ ơi, mai anh mời bạn bè đến nhà mình ăn uống đấy, em xem có món gì ngon ngon thì chuẩn bị để đãi khách nhé”. Vợ lườm chồng: “Ăn uống, ăn uống, hôm nào cũng ăn uống không chán à. Mệt các ông quá”. Chồng biết vợ chỉ nói thế thôi chứ thế nào mai vợ cũng chuẩn bị nhiều món ăn ngon lành và đẹp mắt cho đám bạn của chồng cho mà xem.

Đến tối, vợ bảo: “Mai vợ làm món lẩu cho chồng lai rai với bạn bè nhé?”. Chồng bảo: “Nghe cũng hay đấy, vừa hợp lý, lại ngon nữa. Những ngày này mà ăn lẩu là nhất. Nhưng nghe nói món lẩu chỉ hợp với một số người thôi, những người có bệnh dạ dày như chồng thì không nên ăn”. Vợ cười: “Không sao, vợ ‘ngâm cứu’ hết rồi, sẽ làm món lẩu phù hợp với mọi người. Mà ăn lẩu đâu có gì quá ghê gớm, chúng ta chỉ cần nhớ một vài lưu ý khi ăn lẩu là được mà”. “Ăn lẩu mà cũng phải lưu ý à, nghe lạ đấy, vợ nói thử chồng nghe xem nào”.

Thế là vợ bắt đầu thao thao kể ra vanh vách những điều cần nhớ khi ăn lẩu, mặc cho chồng đã ngủ từ lúc nào không hay. Trong giấc ngủ chồng con nghe loáng thoáng tiếng vợ…

Anh MH
Ăn lẩu đâu có gì quá ghê gớm, chúng ta chỉ cần nhớ một vài lưu ý khi ăn lẩu là được mà.

Lẩu là món ăn được khá nhiều người ưa thích. Nhưng phải ăn thế nào mới là tốt nhất, cần lưu ý 7 điều sau đây:

1. Nhiệt độ khi ăn

Theo các chuyên gia sức khỏe, nhiệt độ nồi lẩu lên tới 120 độ C, vậy nên nếu đồ ăn vừa lấy ra từ nồi lẩu mà được ăn luôn thì sẽ không tốt cho sức khỏe vì khoang miệng, niêm mạc dạ dày và thực quản chỉ có thể chịu được nhiệt độ cao nhất là 50 - 60 độ C. Để tránh tình trạng này, nên lấy thức ăn từ nòi lẩu cho ra đĩa và để nguội một chút rồi ăn. Người có bệnh dạ dày, bệnh về tiêu hóa thì nên hạn chế ăn quá cay.

2. Ăn chín kĩ tốt hơn là chín tái

Đặc thù của ăn lẩu là ăn chín tái. Thế nhưng, các chuyên gia dinh dưỡng đã cảnh báo chúng ta là nếu ăn nhiều đồ ăn tái rất có thể sẽ ảnh hưởng đến sự tiêu hóa, vì thực phẩm tươi sống khi chín tái vẫn chưa tiêu diệt được hết vi khuẩn và kí sinh trùng nên khi ăn vào người dễ gây nguy hiểm cho sức khỏe. Chỉ trừ rau xanh là không để chín quá lâu, còn các loại thực phẩm khác thì nên cho chín kĩ.

Anh MH
Nếu ăn nhiều đồ ăn tái rất có thể sẽ ảnh hưởng đến sự tiêu hóa, vì thực phẩm tươi sống khi chín tái vẫn chưa tiêu diệt được hết vi khuẩn và kí sinh trùng

3. Nên ăn nhiều rau xanh

Các loại rau như cải chíp, cải xoong, rau muống, mướp đắng… là những loại rau mát, nên  được nhiều người lựa chọn khi ăn lẩu, vừa là để “tiêu trừ” dầu mỡ, vừa là bổ sung vitamin và giảm nóng trong người, giải độc cơ thể…

Trong nồi lẩu nên cho ít ngó sen, đậu phụ vì mục đích không những giúp cân bằng dinh dưỡng mà còn để giải nhiệt, trị khát.

4. Nước lẩu không nên dùng lâu quá 60 phút

Đừng nghĩ rằng, nước lẩu là nhiều chất dinh dưỡng nhất vì nó chứa các dinh dưỡng từ các thực phẩm nhúng chín tiết ra. Ngược lại, khi đun sôi nhiều lần, các vitamin và các lợi chất khác phân hủy tạo thành các yếu tố gây hại, ví dụ như chất béo bão hòa… gây nguy cơ làm tăng các bệnh như xơ vữa động mạch, gout, tiểu đường hoặc một số bệnh khác. Vì vậy, khi ăn lẩu, không nên uống nhiều nước lẩu, nhất là nước đã dùng quá 60 phút. Nếu muốn ăn tiếp, nên thay nồi nước khác.

Anh MH
Đừng nghĩ rằng, nước lẩu là nhiều chất dinh dưỡng nhất vì nó chứa các dinh dưỡng từ các thực phẩm nhúng chín tiết ra.

5. Ăn uống vừa phải

Theo các chuyên gia sức khỏe thì bất kể chúng ta ăn lẩu gì cũng không nên ngồi quá 2 tiếng. Vì ngồi ăn lẩu mấy tiếng đồng hồ sẽ làm cho lượng cholesteron trong máu tăng cao, dạ dày, đường ruột liên tục làm việc, dịch tiêu hoá bài tiết giảm đi dẫn đến rối loạn đường tiêu hóa.

Không nên ăn lẩu một tuần quá một lần và nếu ăn thì cần cân bằng lượng rau và thịt.

6. Ăn thêm cơm, uống thêm nước hoa quả

Khi ăn lẩu, hầu hết chúng ta đều không ăn cơm vì đã ăn thêm mì tôm hoặc bún hoặc mì gạo… Nhưng một điều quan trọng là các món lẩu rất giàu protein và chất béo, vì vậy theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng thì chúng ta nên ăn thêm cơm trong mỗi bữa lẩu sẽ giúp cân bằng dinh dưỡng.

Trước hoặc sau khi ăn lẩu có thể ăn hoa quả hoặc uống một ly nước hoa quả để giải nhiệt chơ cơ thể.

7. Những người nên “kiêng” ăn lẩu

- Những người có dạ dày và lá lách yếu thì chỉ nên ăn lẩu hải sản “thanh đạm” hoặc lẩu nấm.

- Những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu, phong thấp nên ít ăn hoặc không nên ăn lẩu nhiều đạm mỡ.

- Phụ nữ có thai nên hạn chế ăn lẩu.

- Những người mắc bệnh viêm họng mãn tính, viêm miệng, đau dạ dày, loét dạ dày, bệnh ngoài da, bệnh trĩ, thường xuyên chảy máu cam… thì nên tránh ăn lẩu Tứ Xuyên.

- Những người có bệnh tiểu đường, cao huyết áp, lượng cholesterol cao, bệnh gout và dị ứng với hải sản… thì không nên ăn lẩu hải sản.

- Những ai nóng trong người, viêm amiđan cấp tính, viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản cấp tính, bị bệnh gan… thì nên tránh ăn lẩu dê.

- Những người thường hay bị dị ứng, bụng yếu không nên ăn lẩu nấm vì không cẩn thận dễ gây đau bụng.
Theo Phunutoday