“Bác sĩ”... Google: Lợi bất cập hại

12/12/2012 11:50
Theo An ninh thủ đô
Những thông tin liên quan đến sức khỏe của con người vốn vô cùng quan trọng nhưng trong thời đại Internet, nó lại dễ dàng được đưa lên mạng để hỏi, để trao đổi kinh nghiệm và vận dụng vào thực tế. Tiện thì có tiện, nhưng nó cũng có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Người khác hiệu quả, mình… cứ thế mà dùng

Chị Lê Thị Hương (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) có 2 con nhỏ nhưng nhà lại neo người trông nom, chỉ có 2 vợ chồng nên hai bé phải đi trẻ sớm. Lúc giao mùa, hai đứa thường xuyên bị ốm, thường là ho, sốt, chảy mũi kéo dài.

Những lần đầu con ốm mà chưa có “kinh nghiệm” nên lần nào anh chị cũng phải xin nghỉ để đưa con đến viện khám. Mỗi lần như thế, hai vợ chồng mất đứt một buổi sáng, có hôm phải chiếu chụp, xét nghiệm còn phải đợi đến chiều, mệt mỏi rồi tiền khám, tiền thuốc thang đến mấy trăm nghìn đồng. Sau chị lên mạng tìm hiểu, thấy rất nhiều người than con hay bị như vậy và cũng có nhiều người chia sẻ “bài thuốc” chữa bệnh. 
Tuy 9 người 10 ý, nhưng sau nhiều ngày miệt mài đọc hết các thông tin trên các diễn đàn, các website y học, chị đã tổng kết cho mình một công thức phổ biến để áp dụng cho những triệu trứng bệnh của con mình, đó là: Kháng sinh, chống viêm, giảm ho long đờm và có thể kết hợp thuốc xịt mũi nếu chảy nhiều mũi. Thế là những lần sau đó, cứ ho, sốt, chảy mũi… là chị bê nguyên công thức đó mang ra hiệu thuốc. Chị còn tự tin, nhiệt tình tư vấn cho không ít phụ huynh cả hàng xóm, đồng nghiệp lẫn trên mạng về các loại thuốc.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 
Cách đây ít hôm, thằng nhỏ nhà chị lại bị ốm, nhưng dùng công thức cũ thấy con không đỡ mà chuyển sang ho có đờm và sốt cao hơn. Lúc này chị mới đưa con vào viện và kết quả là bé bị viêm phổi do điều trị viêm phế quản lâu ngày không đúng cách. Bác sĩ cho biết, do trước đó cháu bé đã dùng nhiều loại kháng sinh mạnh, lần này thuốc không phát huy hiệu quả do cơ thể bị kháng kháng sinh dẫn đến bệnh nặng thêm. 
Tại các bệnh viện, việc bệnh nhân tự ý dùng thuốc trước đó đến khi bệnh không khỏi hoặc nặng thêm mới tìm đến bệnh viện  rất phổ biến, trong đó đa phần bệnh nhân dùng thuốc theo tư vấn của nhà thuốc, người quen hoặc tự tìm hiểu trên mạng Internet. Đặc biệt đối với trẻ em, các loại bệnh viêm đường hô hấp và bệnh tiêu hóa thường xuyên được các mẹ tự ý điều trị nhất.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Đặng Thị Thanh Hòa (Mê Linh, Hà Nội) cho biết: con chị bị tiêu chảy nhiều ngày, chị lên diễn đàn hỏi thì nhiều người mách cho một loại thuốc cầm tiêu chảy rất hiệu quả. Chị liền mua về cho con uống, bé có đỡ tiêu chảy một chút nhưng bụng lại chướng, nôn trớ và sốt. Đưa con đến viện, chị Hòa bị bác sĩ “mắng” cho một trận vì tội tự ý dùng thuốc.

Bác sĩ cho biết trường hợp con chị bị nhiễm Rota virus nên tuyệt đối không được dùng thuốc cầm tiêu chảy vì nó không có tác dụng tiêu diệu virus mà còn làm giảm nhu động ruột khiến phân không được thải ra ngoài. Do trẻ vẫn bị tiêu chảy mà phân không được bài xuất ra ngoài, ứ đọng lại trong ruột gây chướng bụng, thậm chí nếu cho trẻ uống lâu ngày còn có nguy cơ thủng ruột, tắc ruột, thậm chí dẫn đến tử vong.
Tự ý dùng thuốc cho trẻ em đặc biệt nguy hiểm vì theo các bác sĩ nhi khoa, trẻ em có sức đề kháng kém, các biểu hiện bệnh lại không rõ ràng, dễ nhầm lẫn giữa các bệnh với nhau, nếu cha mẹ tự ý chữa bệnh cho con theo kiểu “lướt mạng” thì chưa chắc đã đúng bệnh. Hơn nữa, ngay cả khi đúng bệnh thì tùy tình trạng bệnh từng trẻ sẽ có đơn thuốc khác nhau. 
Mỗi đơn thuốc chỉ áp dụng cho một người
Tự dùng thuốc luôn hàm chứa mối đe dọa nguy hiểm vì nó có thể dẫn đến nhiều hậu quả như bệnh nhẹ trở thành nặng vì không được chữa trị bằng thuốc đúng có những trường hợp phải cấp cứu ngoại khoa nhưng bệnh nhân lại dùng thuốc… Còn dùng đơn thuốc của người khác (nhất là đơn thuốc tham khảo trên mạng) để tự chữa bệnh cũng là việc làm sai và nguy hiểm. Bởi vì, một đơn thuốc luôn có nghĩa là nó chỉ dành cho một cá nhân cụ thể và được dùng trong một thời điểm cụ thể. Bệnh của người này có vẻ na ná giống người kia nhưng cách và thuốc dùng chữa trị lại hoàn toàn khác nhau, dùng nhầm có khi là nguy hiểm.
Chẳng hạn với biểu hiện sốt, lạnh run, sổ mũi nhiều người nghĩ ngay đến cúm thông thường và tự mua thuốc uống đến khi rơi vào tình trạng hôn mê sâu, vàng da chuyển đến bệnh viện chẩn đoán là bị sốt rét ác tính thì đã muộn vì đã có biểu hiện của biến chứng não và tổn thương gan mật. Hay như những biểu hiện thông thường như nghẹt mũi, nhiều người cũng tự ý mua thuốc về nhỏ mũi.

Tuy nhiên, theo BS Tuấn Anh, BV đa khoa Xanh Pon thì một số loại thuốc nhỏ mũi phải có chỉ định của bác sĩ và chỉ được điều trị ngắn ngày. Chẳng hạn, dùng thuốc nhỏ mũi có chứa dược chất có tác dụng cường giao cảm thần kinh (hay trực giao cảm thần kinh) có tác dụng làm co mạch và giảm sung huyết ở niêm mạc mũi, làm nước mũi hết chảy ràn rụa. Người bệnh thấy như thế thì rất thích, nhưng với nhiều đối tượng thì các chất này có thể gây nguy hại.

Như đối với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi, tác dụng gây co mạch của thuốc không chỉ khu trú ở niêm mạc mũi mà gây co mạch toàn thân, tức co mạch ở cả tim, gan, thận... đưa đến tai biến gây tím tái, vã mồ hôi, choáng... phải được cấp cứu tại bệnh viện. Hay có một số thuốc chỉ nên dùng hạn chế như thuốc dòng corticoid… nếu dùng bừa bãi theo đơn thuốc cũ hoặc theo kinh nghiệm sẽ rất nguy hiểm về lâu dài, vì thuốc này cho hiệu quả điều trị cao nhưng tác dụng phụ cũng rất lớn…
“Nhiễu” vì thông tin quảng cáo
Một khảo sát mới đây của các chuyên gia Mỹ về thông tin y tế trên mạng cho thấy, đa phân các website cung cấp thông tin không chính xác hoặc không thỏa đáng. Theo đó các chuyên gia đã khảo sát 1.300 kết quả tìm kiếm trên trang Google liên quan đến sự an toàn của trẻ sơ sinh khi ngủ và kết quả là chỉ có  43,5% website cung cấp thông tin chính xác.

Theo nghiên cứu thì các website chính xác nhất thường là của các tổ chức chính phủ, với độ chính xác là 80,1%, theo nghiên cứu. Các thông tin kém tin cậy nhất đến từ các blog, với độ chính xác chỉ là 30,9%. Thực ra, vấn đề ngủ của trẻ cũng chỉ là một trong vô số các chủ đề không chính xác trên mạng và có độ nguy hiểm chưa cao. Còn hàng loạt các biểu hiện bệnh khác mà người dân vẫn thường xuyên tìm thông tin trên mạng như đau đầu, đau lưng, đau bụng, bệnh hô hấp và các bệnh mạn tính khác.
Theo một bác sĩ lâu năm thì không ít thông tin về y tế, sức khỏe trên mạng bị “nhiễu” vì mục đích kinh doanh của các công ty dược hay phòng khám tư. Trên mạng, thông tin mở, nhiều khi không được kiểm soát nên nhiều công ty dược lợi dụng các trang thông tin, trang diễn đàn để quảng cáo một cách “kín đáo” sản phẩm của mình khiến người tiêu dùng lầm tưởng đó là thông tin y tế chính thống. Các công ty dược cũng quảng cáo rất khéo léo, khiến người tiếp nhận “hiểu thế nào cũng đúng” và cuối cùng có thể ngầm chỉ đến một loại thuốc nào đó.
Vì vậy, dù đến phòng khám, bệnh viện chẳng phải việc dễ dàng gì, nhưng lời khuyên của các chuyên gia vẫn là cần có chỉ định của bác sĩ trước khi dùng thuốc. Nếu có thể, bạn hãy chọn cho mình một bác sĩ uy tín để tham khảo mỗi khi cần.
Theo An ninh thủ đô