Bác sĩ kể lại ca cấp cứu "báo động đỏ" hai cháu bé bị chém dã man

11/07/2013 15:36
Theo VnExpress
Hơn 16h chiều, kết thúc ca trực trong ngày, bác sĩ Đào Trung Hiếu rời Bệnh viện Nhi Đồng 1. Chạy xe chưa kịp tới nhà, điện thoại ông réo vang phát lệnh "báo động đỏ" cấp cứu, bác sĩ Hiếu quành xe lao về cơ quan.
Ít phút sau, vị bác sĩ Phó giám đốc bệnh viện kiêm trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã có mặt ở phòng mổ. Ê kíp trực chiến đã có mặt, thêm một êkip phẫu thuật khác đang nghỉ tại nhà cũng được huy động. Hai phòng mổ đã được thiết lập xong. 
Hai bệnh nhi nhỏ bé, đứa 6 tuổi, bé 2 tuổi được người nhà đưa vào viện trong tình trạng hết sức nguy kịch. Hai bé vừa bị một người đàn ông cùng chung cư chán đời muốn tìm người chết chung đâm nhiều nhát. Hai gương mặt trẻ thơ lịm đi trên giường cấp cứu, trong đó cháu nhỏ nhất nhận đến 9 nhát dao mạch gần như không đập, huyết áp không đo được, ruột lòi cả ra ngoài. 
"Với tình trạng mất máu ồ ạt, bệnh nhi có lẽ khó cầm cự được nếu không phát lệnh báo động đỏ cho cuộc siêu cấp cứu", bác sĩ Hiếu nhớ lại. Chỉ trong vòng 5 phút sau khi nhập viện, hai bé đã được đưa vào phòng mổ chuẩn bị phẫu thuật khẩn cấp.
Quy trình báo động đỏ đã được Bệnh viện Nhi Đồng 1 triển khai từ 3 năm qua, đảm đương cấp cứu vào thời điểm ngoài giờ làm việc của ca chiều, tập trung đồng thời các êkip gây mê, hồi sức, phẫu thuật, ngân hàng máu... Các bác sĩ trong quy trình phải luôn mở điện thoại 24/24h, khi nhận được tín hiệu báo động, không cần biết là thời gian nào, đang ở đâu, không cần hỏi han dài dòng về tình trạng nhập viện của bệnh nhân, phải ngay lập tức có mặt tại phòng mổ.
Ca mổ kéo dài 5 tiếng đồng hồ kịp thời cứu sống cả hai em bé, diễn ra chiều 25/6. Các cháu đã khỏe mạnh trở lại và vừa xuất viện, về nhà chơi đùa hồn nhiên như chưa từng có lúc chỉ cách ranh giới giữa sự sống và cái chết trong gang tấc.   
Bé Phụng và bé Lợi hiện đã xuất viện, sức khỏe ổn định, có thể chơi đùa trở lại tại nhà. Đến giờ, người thân vẫn không thể tin được là 2 bé có thể thoát chết thần kỳ sau khi bị người đàn ông chán đời đâm nhiều nhát. Ảnh: Lê Phương.
Bé Phụng và bé Lợi hiện đã xuất viện, sức khỏe ổn định, có thể chơi đùa trở lại tại nhà. Đến giờ, người thân vẫn không thể tin được là 2 bé có thể thoát chết thần kỳ sau khi bị người đàn ông chán đời đâm nhiều nhát. Ảnh: Lê Phương.
Đây là trường hợp điển hình bệnh nhân được cứu sống nhờ quy trình cấp cứu báo động đỏ tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Là quy trình xử trí đặc biệt trong những trường hợp "siêu khẩn cấp", bệnh viện đã từng giành lại sự sống thần kỳ cho nhiều ca chấn thương nghiêm trọng, đặc biệt là các ca đa chấn thương, tai nạn, mất máu dữ dội... 
Với những ca cấp cứu, tính mạng bệnh nhân thường được tính bằng phút, thậm chí bằng giây. Các bác sĩ luôn phải nỗ lực hết sức, đảm bảo tất cả các ca mổ đều chạy đua với thời gian để xử trí nhanh nhất, cứu sống bệnh nhân với khả năng cao nhất có thể. Riêng những trường hợp "báo động đỏ" thì có sự ưu tiên tuyệt đối.
Theo bác sĩ Hiếu, "báo động đỏ" cho phép bác sĩ bỏ qua các giai đoạn như hội chẩn, các xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh... mà chuyển thẳng bệnh nhân từ phòng cấp cứu lên phòng mổ. Các công đoạn này nếu tiến hành nhanh nhất cũng mất khoảng 20 phút. Trong khi đó, phát lệnh báo động, huy động tốc lực tối đa thì trong vòng chưa tới 5 phút chỉ cần bệnh nhân được đẩy thẳng lên phòng mổ là tất cả đã sẵn sàng. 
Cha đẻ của quy trình này là Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 Tăng Chí Thượng, học hỏi từ bệnh viện bạn nhân một chuyến đi nước ngoài công tác. Từ trăn trở "giá như sớm hơn vài phút, giá như có thêm một chút thời gian nữa" khi chứng kiến những bệnh nhi không giữ được mạng sống vì cấp cứu trễ, ông Thượng triển khai mô hình này vào bệnh viện của mình và nhanh chóng được các bác sĩ ứng dụng, củng cố, hiện đã đi vào khuôn khổ ổn định. 
"Trước đây trong những ca nghiêm trọng, chúng tôi vẫn chú trọng cách thức cấp cứu gấp rút nhất có thể. Từ khi dùng thuật ngữ 'báo động đỏ' thì tính hiệu quả cao hơn rất nhiều. Chỉ cần 3 từ đó phát ra, mọi người sẽ không cần hỏi nhiều mà thoăn thoắt nhập cuộc", bác sĩ Hiếu đánh giá.
Mới đây, hình thức này cũng đã phát huy tác dụng, giúp các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 cứu sống bé trai 10 tuổi ở Long An bị té vỡ gan, máu chảy dữ dội.
Theo VnExpress