Bệnh dại luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát

02/03/2012 12:17
Theo ĐĐK
Đây là khẳng định của TS Nguyễn Trần Hiển – Chủ nhiệm Dự án phòng chống bệnh dại-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Đây là khẳng định của TS Nguyễn Trần Hiển – Chủ nhiệm Dự án phòng chống bệnh dại-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Nguyên nhân của tình trạng này là do hầu hết các địa phương chưa quản lý được việc người dân nuôi chó, mèo; tỷ lệ tiêm phòng dại chỉ đạt 30-40%...
Không nên để trẻ tiếp xúc với chó, mèo
Không nên để trẻ tiếp xúc với chó, mèo
Chó, mèo nuôi – nguồn bệnh dại cho người nhiều nhất


Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2012, các tỉnh khu vực Tây Bắc đã có gần 10 người tử vong vì bệnh dại. Các bệnh nhân được xác định chủ yếu ở những địa phương có tập quán thả rông chó, mèo. TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, kết quả giám sát bệnh dại ở động vật và người cho thấy, chó nuôi là nguồn bệnh dại cho người nhiều nhất (khoảng 97%). Được biết, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ và Hà Tây (cũ) vẫn là 4 tỉnh đứng đầu cả nước vì có bệnh dại lưu hành. Năm nay, Lai Châu cũng được đưa vào danh sách này, bởi tập tục nuôi chó thả rông ở đây rất phổ biến, mỗi nhà nuôi 3-4 con, có nhà vài chục con. Huyện Tân Uyên, Tam Đường và biên giới Phong Thổ luôn có nhiều người bị chó cắn nhất. Theo bà Trần Thị Liên – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lai Châu, 2 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh đã có 150 người bị chó dại cắn phải tiêm điều trị dự phòng, chưa có ca tử vong. Tuy nhiên, đây vẫn là dấu hiệu dự báo một năm vất vả đối với việc phòng chống bệnh dại bởi số ca bệnh ở tỉnh này năm nào cũng cao (năm 2011 là hơn 1.500 ca). Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Sơn La cũng vừa thông báo, từ tháng 4- 2011 đến nay đã có 7 người tử vong do bệnh dại vì chó cắn. Gần đây nhất, ngày 15-2- 2012 tại xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai và xã Mường Bú, huyện Mường La đã có 2 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại. Kết quả mẫu bệnh phẩm của 40 con chó bị ốm do nhân viên thú y xã biên giới Mường Cai, huyện Sông Mã (giáp gianh với huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) thực hiện đã xác định, đàn chó này bị mắc bệnh dại và được chính quyền địa phương cùng các hộ gia đình tiêu huỷ. Theo Trung tâm y tế dự phòng Sơn La, từ năm 2011 đến nay, bệnh dại đã xảy ra tại đàn chó nuôi thuộc 16 xã của các huyện Sông Mã, Quỳnh Nhai, Mường La, Mai Sơn. Nguyên nhân của tình trạng này là do các chủ nuôi không tiêm phòng vắc - xin phòng dại cho chó mèo, tập quán nuôi chó thả rông, hoặc bị chó cắn không đi tiêm phòng dại.

Không để thêm người bị tử vong do bệnh dại

PGS-TS Đinh Kim Xuyến – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn sức khỏe cộng đồng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Dự án phòng chống Bệnh dại Quốc Gia khẳng định, tập quán nuôi chó, mèo thả rông khiến cho khả năng lây nhiễm bệnh dại từ chó, mèo sang người luôn có nguy cơ cao. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công văn, chỉ thị chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm các nội dung Thủ tướng giao trong Chỉ thị 92/TTg về tăng cường Phòng chống bệnh dại. Song đến nay vẫn chưa diệt được nguồn truyền bệnh (gần 200 ổ dịch). Đàn chó vẫn tăng nhanh, trên 10 triệu con. Cơ quan thú y không thống kê được số ổ dịch chó dại và số chó chết do bệnh dại, gây cản trở lớn cho việc khống chế bệnh dại ở vật nuôi và người. Với chính quyền địa phương và thú y cơ sở, mỗi năm vẫn có trên nửa triệu người bị chó cắn phải tiêm phòng dại, đã tạo áp lực rất lớn cho ngành y tế. Về vấn đề này, bà Trần Thị Liên, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lai Châu cũng lo lắng, bệnh dại khó có khả năng dập tắt được do hiện nay không quản lý được chó, mèo nuôi thả rông. Do đó việc tiêm phòng triệt để cho đàn chó, mèo là không thực hiện được, nên không thể theo dõi biểu hiện bệnh dịch bất thường của chúng.

Theo TS Đinh Kim Xuyến, với đường lây truyền từ động vật sang người và tỷ lệ tử vong tới 100%, bệnh dại là một trong những vấn đề nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Vì vậy với mục tiêu: Không để thêm người bị tử vong do bệnh dại, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay vẫn là tiêm phòng triệt để cho đàn chó, mèo.
Theo ĐĐK