Cá nóc - tử thần giấu mặt

27/07/2011 06:04
Thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2010, toàn quốc đã xảy ra 132 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.676 người mắc, 3.281 người nhập viện và 41 trường hợp tử vong.

Thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2010, toàn quốc đã xảy ra 132 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.676 người mắc, 3.281 người nhập viện và 41 trường hợp tử vong. Đáng lưu ý là tình trạng ngộ độc thực phẩm tại gia đình vẫn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ngộ độc cá nóc. Đầu năm 2011, lại thêm nhiều trường hợp bị ngộ độc và tử vong do ăn cá nóc. Điều đó cho thấy những cảnh báo của ngành y tế về nguy cơ tử vong do ăn thịt loài cá "chết người' này người dân vẫn còn "làm ngơ", và các vụ ngộ độc cá nóc vẫn tiếp tục xảy ra.

Tử vong vì thiếu hiểu biết

Ngày 9/2/2011, hai cha con anh Lê Châu Trinh (35 tuổi) và cháu Lê Châu An (6 tuổi) ở tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị lên cơn co giật sau khi ăn cá nóc. Dù được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi ngay sau đó, nhưng anh Trinh đã tử vong do ngộ độc quá nặng. Gia đình nạn nhân cho biết, trong lúc đánh cá, anh Trinh có bắt được một con cá nóc và đã đem về nhà làm thịt ăn.

Cá nóc chứa độc tố gây chết người.
Cá nóc chứa độc tố gây chết người.

Trước đó ngày 26-1, Bệnh viện Đa khoa huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã phải tiếp nhận 9 bệnh nhân ở Rạch Tràm, xã bãi Thơm bị ngộ độc nặng do ăn cá nóc. Khi đưa vào cấp cứu, các bệnh nhân  này trong tình trạng nôn ói, tê cứng các cơ... Sau hơn 3 giờ cấp cứu, 8 người được xuất viện vài giờ sau đó. Một trường hợp còn lại phải thở máy gần 20 giờ mới qua cơn nguy hiểm.

Chất độc giết người

Cá nóc là loài cá có độc. Trong cá có chứa một loại chất độc tetrodotoxin có độc tính với hệ thần kinh, tim mạch. Đây là một trong các chất có độc tính mạnh nhất được con người biết đến, độc gấp 275 lần so với xyanua và gấp 50 lần so với mã tiền. Tất cả các bộ phận của cá đều có chứa tetrodotoxin, đặc biệt là ở các phủ tạng, da và trứng. Độc tố này không bị phân huỷ ở nhiệt độ cao do đó mặc dù cá nóc được nấu chín kỹ nhưng độc tố vẫn không thay đổi. Thịt cá để lâu (ví dụ cá nóc khô) hoặc thậm chí nước mắm cá nóc vẫn chứa chất độc và có thể gây ngộ độc. Con người đặc biệt dễ bị ngộ độc tetrodotoxin hơn so với các động vật khác.

 

Người bị ngộ độc cá nóc (ngộ độc tetrodotoxin) biểu hiện ngộ độc rất nhanh, có thể biểu hiện sau khi ăn 5-15 phút và dễ tử vong (có trường hợp sau khi ăn 17 phút đã tử vong). Hầu hết các triệu chứng ngộ độc biểu hiện rõ sau ăn 6 giờ. Các biểu hiện ngộ độc rất đa dạng, thường là tê môi, lưỡi, chân tay, nôn, yếu mệt, liệt các cơ, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, co giật... Tử vong là do suy hô hấp kết hợp loạn nhịp tim, tụt huyết áp.

Nói không với cá nóc  

 

Ở nước ta hiện nay đã có lệnh cấm buôn bán cá nóc, ngành y tế và các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền về mối nguy hiểm của việc ăn cá nóc nhưng nhiều người vẫn chủ quan, ở một số làng chài ven biển, một bộ phận người dân vẫn còn đánh bắt và ăn thịt cá nóc. Do đó đã dẫn đến nhiều vụ ngộ độc và chết người xảy ra hàng năm. Ngoài ra cá nóc còn được chế biến thành cá khô, làm nước mắm cho nên rất khó nhận dạng. Để đề phòng ngộ độc cá nóc người dân không được ăn thịt cá nóc, chỉ nên sử dụng các loại cá khô, nước mắm rõ nguồn gốc xuất xứ.  

Theo Sức khỏe đời sống