Cảnh báo quan trọng cho các sĩ tử trước kỳ thi tạo nên bước ngoặt đời người

30/06/2021 06:19
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Hoạt động thể chất và dinh dưỡng tốt sẽ làm cho trí não thông suốt", đó là lời khuyên Phó Giáo sư Nguyễn Quang Vinh dành cho các sĩ tử trước kỳ thi.

Mùa thi đến gần đồng nghĩa với áp lực ôn tập với thí sinh tăng lên. Bên cạnh chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, vấn đề sức khỏe cũng được nhiều phụ huynh, thí sinh quan tâm nhằm chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để các em bước vào kỳ thi đạt kết quả như mong đợi.

Việc chuẩn bị đủ sức khỏe để làm hành trang bước vào cuộc chiến của các sĩ tử hầu hết ai cũng biết. Tuy nhiên, trong quá trình ôn tập, vì căng thẳng, lo lắng tập trung chuẩn bị kiến thức mà các học sinh quên rằng để có một kết quả tốt, một kỳ thi trọn vẹn thì bắt buộc chúng ta phải giữ gìn sức khỏe và sở hữu một sức khỏe ổn định.

Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Để có sức khỏe tốt cho các học sinh sẵn sàng bước vào kỳ thi, phụ huynh nên có một số lưu ý về 4 vấn đề gồm: bữa ăn, giấc ngủ, luyện tập và tâm lý.

Chúng ta nên ăn đúng bữa, đủ chất, đặc biệt không được bỏ bữa sáng. Muốn có sức khỏe tốt phải ăn, uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Uống 2 lít nước mỗi ngày, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Cao Kim Anh)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Cao Kim Anh)

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Quang Vinh, nhiều bạn học sinh có thói quen tập trung ôn thi về đêm nên sáng thường dậy muộn và bỏ bữa sáng. Điều này khá nguy hiểm bởi nó gây cảm giác đói cồn cào, tụt huyết áp, người nôn nao không thể tập trung làm việc, gây mệt mỏi trong ngày.

Ngoài ra thói quen bỏ bữa sáng lâu dài sẽ gây những tổn thương nghiêm trọng cho hệ tiêu hóa như đau dạ dày. Dạ dày luôn co bóp, dịch vị tiết ra nhưng không có gì để tiêu hóa, lâu dần dẫn đến viêm loét dạ dày, suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể. Như vậy thì không thể có một sức khỏe tốt bởi ôn tập và thi cử diễn ra trong một quá trình khá lâu dài.

Về giấc ngủ, Phó Giáo sư Nguyễn Quang Vinh lưu ý mỗi học sinh cần ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi ngày.

Giấc ngủ không chỉ đem lại khoảng thời gian cho bạn nghỉ ngơi mà còn là lúc cơ thể tiết ra nhiều hormone quan trọng cho quá trình chuyển hóa và tích lũy năng lượng, là lúc não bộ hệ thống lại thông tin tiếp nhận được mỗi ngày để giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh, một tinh thần tỉnh táo và khả năng ghi nhớ thông tin hiệu quả, giúp việc học tập, sinh hoạt, làm việc trở nên dễ dàng hơn.

Một số học sinh trong quá trình ôn thi thường sử dụng đồ uống kích thích như trà, cà phê để mang đến sự tỉnh táo. Tuy nhiên, lạm dụng đồ uống kích thích quá mức sẽ gây ra ức chế thần kinh, phản tác dụng.

Vận động, luyện tập thể chất hàng ngày cũng được Phó Giáo sư Nguyễn Quang Vinh chú trọng: “Không thể có một cơ thể khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn nếu chúng ta không rèn luyện thể lực hàng ngày. Không thức quá khuya và sáng dậy vận động được xem là liều thuốc để giữ gìn sức khỏe tốt.

Các em hãy cố gắng dậy sớm và thu nạp năng lượng từ những suy nghĩ cùng hoạt động thể lực tích cực vào buổi sáng. Như vậy mới tạo ra sức bền, năng lượng để đáp ứng cho những nhu cầu hoạt động hàng ngày.

Hoạt động thể chất và dinh dưỡng tốt sẽ làm cho trí não thông suốt, đặc biệt vận động sẽ khiến não bộ được hoạt động, giúp máu lưu thông cung cấp oxy cho não như vậy tiếp thu kiến thức sẽ tốt hơn, đầy đủ hơn”.

Vấn đề quan trọng nhất mà phụ huynh và học sinh cần làm là tránh áp lực, căng thẳng quá trước khi bước vào kỳ thi. (Ảnh: Báo Tuyên Quang)

Vấn đề quan trọng nhất mà phụ huynh và học sinh cần làm là tránh áp lực, căng thẳng quá trước khi bước vào kỳ thi. (Ảnh: Báo Tuyên Quang)

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Quang Vinh vấn đề quan trọng nhất mà phụ huynh và học sinh cần làm là tránh áp lực, căng thẳng quá trong thời gian ôn tập bước vào kỳ thi.

“Trên thực tế, rất nhiều học sinh vì quá căng thẳng nên không ăn được, không ngủ được và không vận động được. Điều này là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm học đường, thậm chí tỉ lệ này còn tăng cao mỗi năm vào thời điểm ôn thi khi chưa chính thức bước vào kỳ thi”, ông Vinh cảnh báo.

Phó Giáo sư Nguyễn Quang Vinh cũng nhắc nhở phụ huynh rằng đừng quá áp lực cho các con và chính bản thân mình trước kỳ thi.

“Gia đình phải là chỗ dựa và tạo môi trường học tập thoải mái nhất cho học sinh. Phải có những mục tiêu được đặt ra nhưng không phải vì mục tiêu cao, kỳ vọng lớn mà chúng ta tạo áp lực cho con em mình.

Tâm lý vững vàng, chia sẻ với những người xung quanh và kết hợp ba yếu tố trên về dinh dưỡng và thể chất mới có thể mang đến cho các em một sức khỏe tốt để sẵn sàng bước vào kỳ thi.

Một cơ thể khỏe mạnh mới có thể tiếp thu kiến thức tốt, suy nghĩ tích cực và đạt được kết quả cao trong kỳ thi sắp tới. Đồng thời mỗi gia đình hãy chuẩn bị các phương án dự phòng cần thiết cho con cái của mình, có rất nhiều con đường để đi đến thành công chứ đừng nghĩa rằng không đỗ được vào trường này, trường kia là thất bại”, ông Vinh bày tỏ.

Cao Kim Anh