Chuyên gia mách nước bảo quản thực phẩm, tăng chất lượng bữa ăn để chống dịch

01/09/2021 06:16
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bảo quản thực phẩm như thế nào để đảm bảo an toàn sẽ rất quan trọng góp phần nâng cao sức khỏe gia đình để chống dịch.

Trong những ngày giãn cách xã hội, việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho gia đình là một việc làm vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, việc tích trữ thực phẩm trong khi dịch còn nhiều diễn biến phức tạp, nếu không bảo quản đúng cách sẽ vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe gia đình.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia về công nghệ thực phẩm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh cho rằng trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, tích trữ và bảo quản thực phẩm là một việc cực kỳ quan trọng đảm bảo sức khỏe gia đình để góp phần chống dịch.

“Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, người dân nên chọn cách nấu ăn tại nhà, hạn chế sử dụng những đồ ăn làm sẵn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường sức đề kháng để vượt qua dịch bệnh”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh khuyên.

Thầy Nguyễn Duy Thịnh cho rằng việc tích trữ thực phẩm để dùng dần là một việc làm cần thiết, hạn chế ra ngoài đường và tiếp xúc với nhiều người, tuy nhiên không nên mua hàng quá nhiều và tích trữ quá lâu ngày trong tủ lạnh.

Trước khi hướng dẫn về bảo quản thực phẩm, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh lưu ý với các gia đình rằng thông thường, tủ lạnh gia có hai ngăn là ngăn đá và ngăn mát.

Thực phẩm bỏ vào ngăn đá có thể đặt xuống nhiệt độ -10 độ C, -12 độ C, thậm chí có loại tủ lạnh có thể đạt đến -18 độ C. Ở ngăn đá do nhiệt độ thấp nên việc ức chế vi sinh cao có thể bảo quản đồ ăn trong hàng tuần.

Còn ở ngăn mát thực phẩm được giữ ở nhiệt độ 8-12 độ C, dùng cho bảo quản thực phẩm trong thời gian ngắn tầm khoảng 2-3 ngày cho các loại rau, củ quả.

Bảo quản thực phẩm sách, an toàn sẽ giúp cả gia đình chống dịch tốt. Ảnh minh họa: Sức khỏe đời sống.

Bảo quản thực phẩm sách, an toàn sẽ giúp cả gia đình chống dịch tốt. Ảnh minh họa: Sức khỏe đời sống.

“Nhiều gia đình vì lo lắng dịch bệnh nên tích trữ lương thực thực phẩm quá nhiều trong tủ lạnh và quan niệm cho rằng cứ nhét vào trong tủ lạnh là an toàn là không phải. Thậm chí rất nguy hiểm”, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh nêu.

Thế nhưng, việc bảo quản thực phẩm không phải gia đình nào thực hiện cũng đúng cách, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh đã đưa ra một số hướng dẫn cụ thể:

Trước tiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh cho rằng các gia đình phải thường xuyên chú ý đến việc vệ sinh tủ lạnh.

Bởi theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, trong tủ lạnh gia đình thường có hiện tượng đọng đá, những nước đá đọng này có thể mang những vi khuẩn của những thực phẩm trước vô hình chung khiến thực phẩm bị lây nhiễm vi khuẩn.

Trong tủ lạnh có những thực phẩm tươi sống hoàn toàn như thịt, cá nhưng cũng có những loại thực phẩm đã được nấu chín như giò, chả. Nếu chúng ta để chung cùng một nơi sẽ xảy ra hiện tượng “nhiễm chéo” từ những thực phẩm tươi sống sang thực phẩm chín.

Bên cạnh đó, cần chia nhỏ thực phẩm thành từng phần trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản. Khi nhiệt độ hạ xuống để thực phẩm đông cứng lại, người nấu thường mang ra cả khối thực phẩm và dùng dao chặt nhỏ lấy một phần để sử dụng, thì phần thực phẩm không sử dụng tới sẽ bị tan đá và lại bị nhiễm vi khuẩn.

Vì vậy, nếu sử dụng thực phẩm kích thước lớn chúng ta nên làm sạch sau đó thái thành từng miếng vừa phải cho từng bữa ăn, bọc lại rồi mới bỏ vào trong tủ lạnh để khi ăn chúng ta ăn phần nào lấy ra phần ấy.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh lưu ý các gia đình nên ăn phần nào hết phần đó, không nên bới ra bới vào lẫn lộn thức ăn cũ và mới.

Về rã đông, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh lưu ý, khi lấy thực phẩm từ trong tủ lạnh, chúng ta thường có thói quen cho vào nước nóng để làm tan đá, làm lãng phí chất dinh dưỡng bởi vì tế bào bị vỡ ra, thoát ra ngoài cùng nước, làm giảm chất dinh dưỡng.

Tiến sĩ Thịnh lưu ý việc rã đông bằng cách cho thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn dưới để làm tăng nhiệt độ từ từ sau đó mang ra ngoài thì thực phẩm sẽ tan đá và không bị mất chất dinh dưỡng.

Việc lựa chọn thực phẩm, Tiến sỹ Nguyễn Duy Thịnh cũng lưu ý nên chọn ưu tiên lựa chọn các loại, củ quả để bảo quản được lâu và lưu ý không phải cái gì nhét tủ lạnh cũng là tốt. Ví dụ như khoai tây cần bảo quản bên ngoài…

“Thực tế từ thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, nếu ăn uống đảm bảo sức khỏe sẽ góp phần nâng cao sức đề kháng của cơ thể góp phần chống lại bệnh tật và virut nên bảo quản an toàn thực phẩm cho cả gia đình để chống dịch là rất quan trọng”, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Trần Phương