Có lúc như kiệt sức, nữ sinh trường y quyết không rời chốt xét nghiệm thần tốc

03/07/2021 08:49
Hữu Đức
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Làm việc trong bộ đồ bảo hộ kín dưới thời tiết nắng nóng nhiều giờ liền, các nữ sinh trường y tại Bình Dương quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chống dịch Covid-19.

Hiện diễn biến dịch covid-19 ở nhiều tỉnh phía Nam đang phức tạp, trong đó có Bình Dương - địa phương có nhiều nhà máy, xí nghiệp, hàng vạn công nhân. Tính đến ngày 2/7, Bình Dương đã ghi nhận hơn 450 ca mắc Covid-19.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trường Cao đẳng y tế Bình Dương đã tổ chức đội tình nguyện gồm hơn 200 giảng viên và sinh viên, phối hợp với các lực lượng của tỉnh nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng dịch, xét nghiệm sàng lọc cho người dân tại Thành phố Thuận An.

“Cả ngày phải căng mình cùng với đội ngũ nhân viên y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm với hơn cả chục ngàn trường hợp ở khu phong tỏa, có lúc mệt nhoài đến mức khuỵ xuống trong nhà vệ sinh. Sau 30 phút được chăm sóc, sức khỏe ổn định, mình lại tiếp tục nhiệm vụ đến tận 10 giờ đêm”, tình nguyện viên Nguyễn Thị Mai Trinh - sinh viên năm cuối lớp Điều dưỡng 11B, Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương chia sẻ.

Có lúc gần như kiệt sức, Mai Trinh quyết tâm trở với tinh thần đầy lạc quan. Ảnh: Hữu Đức

Có lúc gần như kiệt sức, Mai Trinh quyết tâm trở với tinh thần đầy lạc quan. Ảnh: Hữu Đức

Mai Trinh kể lại: "Sau khi vừa mới tỉnh dậy, mọi người trong tổ chuyên môn khuyên mình về nghỉ ngơi, để mọi người làm thay. Lúc đó, mặc dù sức khỏe chưa thực sự tốt, nhưng mình vẫn cố gắng, thực sự lúc ấy còn mệt nhưng phải tỏ ra vui vẻ, khỏe mạnh để mọi người an tâm cho phép mình cùng tiếp tục nhiệm vụ và cũng để tinh thần các bạn khác không bị ảnh hưởng.

Mình biết chỉ cần thiếu một người trong tổ chuyên môn thì công tác xét nghiệm sẽ mất thời gian hơn, không thể duy trì bình thường được, trong khi yêu cầu nhiệm vụ lấy mẫu phải thần tốc. Vì vậy bản thân mình và các bạn tình nguyện rất quyết tâm, rất mệt cũng phải cố gắng vượt qua".

Mai Trinh cho biết thêm: "Khi hay tin tình hình sức khỏe của sinh viên suy giảm, thầy cô ở trường đã quan tâm điều động tổ chuyên môn khác đến thay ca. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh phức tạp, tất cả các tổ khác đều bận nên phải đến tận 10 giờ đêm mới được thay ca, lúc đó tụi em mới về nghỉ ngơi hồi sức cho công việc của ngày mới".

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương đang lấy mẫu xét nghiệm tại khu phong tỏa (phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Hữu Đức

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương đang lấy mẫu xét nghiệm tại khu phong tỏa (phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Hữu Đức

Tại thành phố Thuận An, đội tình nguyện phối hợp cùng với các lực lượng khác lấy mẫu thần tốc cho hơn 40.000 người dân theo lệnh khẩn cấp của cơ quan y tế cấp trên.

Ban giám hiệu nhà trường xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay, vì trường là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ y tế tương lai cho tỉnh nhà và các tỉnh khác, là những chiến sĩ áo trắng có mặt tham gia mọi mặt trận “chống dịch như chống giặc”.

Từ thực tế này, bản thân các em sinh viên sẽ có kinh nghiệm và những hành trang trong tương lai trước khi trở thành cán bộ nhân viên y tế chính thức.

Đáng nói, trong đội tình nguyện, không ít bạn là nữ “chân yếu tay mềm”, nhưng luôn nỗ lực làm việc với cường độ cao trong điều kiện nắng nóng, phải mặc đồ bảo hộ kín.

Nhờ đồng đội canh chừng để được chợp mắt vài phút, trước khi tiếp tục nhiệm vụ. Ảnh: NVCC

Nhờ đồng đội canh chừng để được chợp mắt vài phút, trước khi tiếp tục nhiệm vụ. Ảnh: NVCC

Tình nguyện viên Nguyễn Thị Huệ, lớp Cao đẳng Điều dưỡng 11B, Trường Cao đẳng y tế Bình Dương cho biết, vừa tập huấn xong buổi sáng thì buổi chiều được nhận lệnh đi làm nhiệm vụ luôn.

Ngày đầu tiên ra quân phải đi làm suốt đêm, công việc rất mới mẻ nên có phần lo lắng nhưng rồi cũng nhanh chóng thích nghi và đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

Về khó khăn, nữ sinh viên Nguyễn Thị Huệ cho biết, chỉ riêng việc mặc đồ bảo hộ cũng là rất bất tiện, phải mặc suốt nhiều giờ, ít nhất là 6 tiếng đồng hồ mới thay, hạn chế tối đa việc uống nước, đi vệ sinh… do phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương trắng đêm thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: Hữu Đức.

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương trắng đêm thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: Hữu Đức.

Ngoài việc, tham gia công tác phòng chống dịch tại các khu phong tỏa, nơi bùng phát dịch, lực lượng sinh viên tình nguyện ngành y tế còn được phân công về một vài nơi trong số 34 cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Dương với 4.385 trường hợp đang còn cách ly y tế tập trung.

Tại các khu vực cách ly tập trung, điều kiện làm việc tương đối tốt hơn so với các khu phong tỏa, nhưng trái lại rất tù túng do suốt ngày đêm phải ở duy nhất một chỗ.

Tình nguyện viên Hà Thị Ngọc Châu - sinh viên lớp Hộ sinh, Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương, hiện đang làm nhiệm vụ ở khu cách ly tập trung tại Ban chỉ huy quân sự thành phố Thủ Dầu Một cũ cho hay, nhiệm vụ trong khu cách ly của các tình nguyện viên là buổi sáng đi đo thân nhiệt một lần, buổi chiều 1 lần; phụ trách lấy cơm, nhận các nhu yếu phẩm, khiêng vác đồ đạc phụ giúp bệnh nhân... Khi có ca bệnh nhân mới thì tiếp nhận, khai giấy. Những lúc có xe lấy mẫu, chúng em phụ các anh chị lấy mẫu, cột các mẫu lại theo quy định.

Nữ sinh Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung. Ảnh: Hữu Đức

Nữ sinh Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung. Ảnh: Hữu Đức

"Những ngày đầu vào khu cách ly rất mệt, ban đêm không thể nghỉ ngơi được 1 tí nào, do nửa đêm thường có xe y tế đưa bệnh vào, thậm chí nhiều đêm liền phải thức trắng để nhận bệnh và lấy mẫu xét nghiệm.

Là một người trẻ, chúng em quen với việc đi lại nhiều, giờ phải chôn chân một chỗ cảm thấy rất gò bó, nhưng là nhiệm vụ thì phải cố gắng hoàn thành. Để khắc phục, chúng em sắp xếp thời gian khoảng từ 5 đến 10 phút vào buổi tối, gọi điện cho người thân trò chuyện, rồi phải tranh thủ nghỉ ngơi để đủ sức khỏe tiếp tục công tác", Châu cho biết thêm.

Chia sẻ về một trường hợp khá thương tâm trong khu cách ly, tình nguyện viên Hà Thị Ngọc Châu kể về bé Như Khôi, 3 tuổi, cha mẹ, cô dì, chú bác của bé đều dương tính với virus SARS-Cov-2, bé phải cách ly tập trung cùng với bà nội đã già yếu.

Đối với trường hợp này, tụi em và nhân viên y tế ở đây đều rất thương yêu và quan tâm đặc biệt. Bản thân em, hằng ngày được phân công đo thân nhiệt, theo dõi tình hình sức khỏe của bé, đồng thời cũng thường xuyên trò chuyện, trao đổi để tạo tâm lý thoải mái cho bé. Ngoài ra, mình cũng lưu ý cung cấp thức ăn, thức uống đầy đủ để giúp bé có chế độ dinh dưỡng tốt nhất”, Châu kể.

Nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương thể hiện quyết tâm khi được giao nhiệm vụ ra tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Hữu Đức

Nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương thể hiện quyết tâm khi được giao nhiệm vụ ra tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Hữu Đức

Nói về niềm vui trong công tác tình nguyện, Ngọc Châu rất vui vì các bạn sinh viên và nhân viên y tế trong khu cách ly đều được bà con yêu mến, nhiều người khi hoàn thành cách ly rất xúc động bày tỏ sự tri ân hết sức chân thành.

“Mới đây, có một cô đã hoàn thành cách ly, sau khi về nhà, đã gửi tặng nhân viên y tế chúng em 50 kg cam để bồi dưỡng sức khỏe, món quà giá trị không lớn nhưng quý ở chỗ thể hiện sự quan tâm lo lắng sức khỏe lẫn nhau”, Châu phấn khởi nói.

Chia sẻ thêm về công tác chống dịch, giảng viên Liễu Quốc An - Bí thư đoàn Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương cho biết: “Nhà trường cũng đã dự tính và có sự chuẩn bị chu đáo từ khâu phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ đến quan tâm, theo dõi, giúp đỡ, động viên, hỗ trợ kịp thời đối với sinh viên trong suốt quá trình làm nhiệm vụ, nên 100% các bạn sinh viên tình nguyện vẫn luôn tích cực và hoàn thành rất tốt yêu cầu đề ra, được ngành y tế tỉnh Bình Dương đánh giá cao".

Thạc sĩ - Dược sĩ Lê Thành Phước, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương khẳng định, sắp tới dù nhiệm vụ có khó khăn hơn nhưng nhà trường luôn sẵn sàng tiếp ứng khi tỉnh yêu cầu nhằm góp phần chung sức đẩy lùi dịch bệnh.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Hữu Đức