Hoang mang sữa ngọt, sữa nhạt

07/01/2016 07:33
Thảo Nguyên
(GDVN) - Sao lại có sữa ngọt, sữa nhạt? Cho con uống sữa ngọt hay sữa nhạt tốt hơn? Hàng loạt câu hỏi trên được các bà mẹ đưa ra nhưng không phải ai cũng lý giải được.

Sao lại có sữa ngọt, sữa nhạt?

Sau hơn một tháng cho con trai hơn 1 tuổi uống sữa bột công thức, chị Hoàng Nga (Ba Đình, Hà Nội) vui mừng vì con chị nhanh chóng thích nghi và tỏ ra thích thú với sữa mới. 

Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như trong một lần cho con đến nhà bạn chơi, chị Nga phát hiện loại sữa công thức mà bạn đang cho con uống nhạt hơn hẳn sữa của cu Bi nhà chị. Pha thử sữa đấy cho cu Bi uống, cu cậu lắc đầu nguầy nguậy. 

Từ lúc đó, chị Nga luôn băn khoăn phải chăng trong loại sữa con chị đang uống chứa nhiều đường hơn hẳn các loại khác. Nếu là thế thì việc cho con uống sữa có nhiều đường trong thời gian dài có hại gì không? 

Không ít ông bố, bà mẹ đang băn khoăn "Cho con uống sữa ngọt hay sữa nhạt tốt hơn?". Ảnh minh họa.
Không ít ông bố, bà mẹ đang băn khoăn "Cho con uống sữa ngọt hay sữa nhạt tốt hơn?". Ảnh minh họa.  

Mang câu hỏi này trao đổi với bà mẹ khác, chị Nga càng hoang mang hơn vì mỗi người nói một kiểu. Chung quy lại, các mẹ khác cũng đang chọn sữa bột công thức theo hướng cho con thử nghiệm hết loại này đến loại khác đến khi tìm được loại thích hợp (tức là con uống sữa tăng cân, tiêu hóa tốt)… thì dừng, kể cả sữa đó có ngọt một chút cũng không sao.

Hầu như nhiều mẹ chỉ quan tâm đến lượng đạm, vitamin, chất béo, khoáng chất, DHA, ARA… khi đọc thành phần hộp sữa mà ít khi để ý đến lượng đường, nên khi nghe chị thắc mắc, nhiều người cũng không khỏi hoang mang: Sao lại có sữa ngọt, sữa nhạt? Có phải sữa ngọt là sữa có nhiều đường hơn? Đường trong sữa là đường gì, đường tự nhiên hay hóa học? Cho con uống sữa ngọt hay sữa nhạt tốt hơn?  

Đặt ra hàng loạt câu hỏi, nhưng theo chị Nga không phải ai cũng có được câu trả lời vì đọc lại thành phần trên nhãn sữa, hầu như thông tin về lượng đường không thể hiện cụ thể và nhiều bà mẹ cũng không nắm rõ, với độ tuổi của con mình, cho ăn bao nhiêu đường là đủ?

40% lượng đường bé ăn vào cơ thể đến từ sữa?

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên về thói quen mua sữa bột công thức cho con trẻ, chị Ngọc Thanh – chủ một đại lý sữa trên đường Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Hầu như các bố, mẹ mua sữa cho con chỉ hỏi về các thành phần chính của sữa mà không đề cập đến lượng đường trong sữa. Cũng có người nêu thắc mắc sao sữa này ngọt, sữa kia nhạt nhưng một khi con họ đã hợp với loại sữa nào rồi thì dẫu có ngọt, khách vẫn mua mà không thắc mắc gì. 

Lý giải điều này, chị Thanh cho rằng: Tôi nghĩ, đã là sữa công thức thì công thức ấy đã được nghiên cứu cho phù hợp với từng độ tuổi của bé. Nên lượng đường trong sữa cũng có thể đã phù hợp.

Ths. Bác sĩ Lê Thị Hải – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, sản phẩm sữa bột công thức từ sữa bò tỷ lệ đường trong sữa tự nhiên không cao nhưng nhà sản xuất lại pha trộn thêm đường sucrose..
Ths. Bác sĩ Lê Thị Hải – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, sản phẩm sữa bột công thức từ sữa bò tỷ lệ đường trong sữa tự nhiên không cao nhưng nhà sản xuất lại pha trộn thêm đường sucrose..

Nhưng khi được hỏi: Nếu đã là công thức phù hợp thì tại sao có sữa ngọt hơn, sữa nhạt hơn, chị Thanh lại tỏ ra khá lúng túng: “Có thể để phù hợp với khẩu vị của trẻ, giúp các bố mẹ có nhiều sự lựa chọn hơn”. 

Cách lý giải của chị Thanh – chủ đại lý sữa cũng là suy nghĩ của đa số các ông bố, bà mẹ cho con uống sữa bột công thức hiện nay: “Đã là sữa công thức tức là được nghiên cứu, được chứng nhận từ các cơ quan chức năng có uy tín hoàn toàn tin tưởng vào thành phần của sữa”. 

Quan trọng hơn, khi con họ đã quen khẩu vị sữa ngọt để thay đổi qua một loại sữa khác nhạt hơn là không dễ. Vì thế nhiều người đã “tặc lưỡi” dùng sữa cho con dù biết sữa có hơi ngọt. 

Trong khi đó, trao đổi về lo lắng lượng đường trong sữa công thức, Ths. Bác sĩ Lê Thị Hải – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Trong sữa tự nhiên thành phần đường có nhưng ít. Ví dụ sữa mẹ có đường nhưng đường lactose ngọt nhạt khô gắt. Tương tự sản phẩm sữa bột công thức từ sữa bò tỷ lệ đường trong sữa tự nhiên không cao nhưng nhà sản xuất lại pha trộn thêm đường sucrose..

“Một số loại sữa công thức hiện nay cho thêm đường sucrose (đường mía, đường củ cải) vào nên rất ngọt, độ ngọt càng cao lại càng không tốt cho trẻ”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.

PGS Lê Bạch Mai – Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đánh giá, người Việt rất thích ăn đường, thói quen háo đường từ thời xa xưa. Trong đó, theo nghiên cứu đường của trẻ em ăn vào có tới 40% đường đến từ sữa. Các loại sữa ở nước ta ngọt hơn hẳn các nước khác.

PGS Lê Bạch Mai lo ngại nếu cứ sử dụng đường như hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng “chai sạn” đường của người Việt. Người Việt sẽ không còn cảm nhận được vị ngọt từ đường truyền thống.

Còn theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đường rất cần thiết cho cơ thể nhưng tiêu thụ quá nhiều đường có thể gây béo phì, sâu răng và các nguy cơ mắc các bệnh không lây truyền khác. 

Bé ăn bao nhiêu đường mỗi ngày là đủ?

Hiệp hội tim mạch Hoa Kì khuyến cáo trẻ nên ăn ít hơn 6,5 thìa tức 100 calo từ đường mỗi ngày. Nhưng theo điều tra gần đây thì trung bình mỗi trẻ ăn đến 34 thìa đường tức 500 calo mỗi ngày. 

Nguyên nhân khiến nhiều bố mẹ không kiểm soát được lượng đường sử dụng cho con trẻ từ chính những thông tin ghi thành phần thức ăn không rõ ràng, khiến nhiều người không biết được có bao nhiêu đường trong thức ăn của trẻ. 

Do đó, Để kiểm soát việc hấp thụ đường của con, bố mẹ cần đọc kỹ thông tin trên bao bì sản phẩm.

Thành phần dinh dưỡng in trên bao bì sẽ cung cấp cho ta biết lượng calo, lượng đường trong sản phẩm nhưng lại không nói rõ số đường đó chiếm bao nhiêu calo. Để biết được, bạn cần nhân trọng lượng đường với 4.

Tức là nếu trong khẩu phần ăn của con có 11 g đường thì có nghĩa là con hấp thụ vào người 44 calo từ đường, bằng gần một nửa lượng đường cho phép hàng ngày.

Thảo Nguyên