Kỳ tích cứu sống bé sơ sinh nặng chỉ 500gr

19/04/2011 12:25
Đó là hai bé gái sinh cực non, khi mới 25 và 28 tuần tuổi và chỉ nặng 500g và 700g...

Đó là hai bé gái sinh cực non, khi mới 25 và 28 tuần tuổi và chỉ nặng 500g và 700g. Đây là niềm vui và cũng là sự trải nghiệm đầy kịch tính của các bác sĩ nơi đây khi đối mặt với sự sống và cái chết trong gang tấc của những thiên thần nhỏ này.

Cách đây không lâu, hai bệnh viện lớn ở Hà Nội là Bệnh viện Phụ sản trung ương và Bệnh viện Bạch Mai đã vui mừng thông báo về việc cứu sống hai bé sơ sinh bé nhất Việt Nam. Đó là hai bé gái sinh cực non, khi mới 25 và 28 tuần tuổi và chỉ nặng 500g và 700g. Đây là niềm vui và cũng là sự trải nghiệm đầy kịch tính của các bác sĩ nơi đây khi đối mặt với sự sống và cái chết trong gang tấc của những thiên thần nhỏ này.

Quyết định cứu bé chỉ vì tim vẫn còn đập!


Kể lại thời điểm nhận chăm sóc bé Bùi Thị Gái, sinh non ở tuần thứ 25 và chỉ cân nặng 500g, BS chuyên khoa Nguyễn Thị Thanh Hà, Bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn chưa thể quên một hình hài bé sơ sinh bé xíu và hầu như sự sống không còn hiển diện. “Người ta đưa xuống đây bé đã tím đen hết. Một đứa bé còn thiếu 15 tuần nữa mới chào đời. Lúc đó, trong các bác sĩ cũng có ý kiến này khác, người thì bảo không sống được, người thì gàn không nên phấn đấu làm gì. Nhưng khi ấy tôi nghĩ, mặc dù bé tuy tím đen nhưng tim vẫn còn đập, mình không thể để thế khi trong tay có nhiều phương tiện hiện đại, thuốc men đầy đủ như thuốc trợ phổi. Vậy là quyết định cứu.

Bé Bùi Thị Gái thực sự đã
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Ngay lập tức, bé được dùng máy thở dành riêng cho trẻ sơ sinh, được dùng thuốc trợ phổi. 1 tiếng 30 phút sau, tôi thấy da cháu bắt đầu hồng lên, có đáp ứng với thở máy. Theo dõi các chỉ số trong máu thấy đáp ứng được. Lúc đó tôi chọn ra một ekip gồm 4 cô y tá thành thạo nhất trong khoa, thay nhau chăm sóc, không được sao nhãng. Bé Gái cũng khiến chúng tôi thót tim mấy lần khi nhiều phen bé không ăn được, bụng trướng lên, xuất hiện các cơn ngừng thở. Đây là các bệnh của trẻ sinh non, khi toàn bộ các bộ phận trong cơ thể đều chưa hoàn thiện” - BS Hà kể lại.

Theo dõi thường xuyên, thấy bé Gái đáp ứng tốt với máy thở nhưng không có nghĩa là khó khăn đã hết. Lúc này việc “cai nghiện” máy thở để não của bé tiếp quản công việc điều hành của mình phải cần tiến hành đúng thời điểm và hợp lý, tránh những cơn ngừng thở thường thấy ở trẻ sinh non. Sau 1 tuần, các bác sĩ quyết định thay vì dùng máy thở, sẽ chuyển cho bé Gái sang dùng máy hỗ trợ thở, tiến hành song song với việc tự thở của bé. Dần dần bé Gái cũng chịu đựng được và thở bình thường.

Nhưng nuôi dưỡng bé Gái lại rất khó khăn. Cũng như nhiều trẻ sinh non khác, vì quá bé, nên trong dạ dày của bé Gái có nhiều dịch dạ dày bẩn, cấu tạo hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, dạ dày nhỏ và nằm ngang, ruột thiếu các men tiêu hóa nên dễ bị hoại tử và không hấp thụ được sữa. Và vì thế bé Gái thường bị bụng trướng khi uống sữa. Tuy vậy, không thể không cho bé làm quen với sữa. Do đó, sau hai tuần nuôi đường tĩnh mạch, các bác sĩ đã cho bé ăn sữa, ban đầu là 1ml sữa rồi lại tăng lên 2ml.

“May mắn là bé Bùi Thị Gái tuy mắt bị bệnh võng mạc, nhưng bé đã tự khỏi được, không phải mổ. Bây giờ bé rất tốt. Tôi vẫn theo dõi bé, mặc dù hơi nhỏ (1 năm được 7kg), nhưng rất nhanh nhẹn” - BS Hà vui mừng thông báo.

Ngừng thở, nhiễm trùng huyết, bé 700g vẫn hồi sinh

Một thành tựu tốn không ít bút mực của báo chí là trường hợp bé Mận - Hoàng Thị Hoài Phương (Nghệ An). BS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai xem đây là trường hợp hi hữu trong cuộc đời bác sĩ của mình.

Bé Mận giờ đã biết lẫy, biết cười, biết đòi bố và biết lạ khi có ai đến thăm. Ảnh nguồn Internet
Bé Mận giờ đã biết lẫy, biết cười, biết đòi bố và biết lạ khi có ai đến thăm. Ảnh nguồn Internet

Bé Phương sinh ngày 10/9/2010 khi người mẹ đã và đang bị nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, bị sốt cao liên tục và đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Khi thai được 28 tuần, chị trở dạ và sinh bé Mận, nặng chỉ 700g. Chỉ một ngày sau khi sinh, người mẹ qua đời.

Những năm tháng đầu đời, cứu sống bé Mận là cuộc vật lộn của các bác sĩ. Và khi ra khỏi viện, là cuộc vật lộn của anh Hoàng Ngọc Toả, bố bé Mận, trong cảnh gà trống nuôi con.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, kể lại: “Trường hợp này quá đặc biệt với tôi, là một bệnh nhi mang trên người quá nhiều bệnh, phải nói là bé gần như chết rồi, khi chuyển sang khoa chúng tôi. Lúc đó bé Mận trong tình trạng lây nhiễm trùng huyết từ mẹ, thiếu ôxy, có dấu hiệu suy hô hấp nặng, ngừng thở”.

Tín hiệu duy nhất để các bác sĩ quyết định cứu bé là tim vẫn đập, dù rời rạc: 50 - 60 lần/phút (nhịp tim của trẻ sơ sinh bình thường là 120 lần/phút). Để cứu được bé, tập thể các bác sĩ ở đây đã dùng mọi thao tác cấp cứu như bóp bóng, ép tim lồng ngực, thở oxy. Sau 20 phút, bé đã đáp ứng với những hỗ trợ đó, cơ thể bắt đầu hồng hào, nhịp tim về lại bình thường. Sau 20 ngày bé đã có thể tự thở.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, vẫn còn rất nhiều bé sinh non đang ngày đêm được các y bác sĩ chăm sóc. Ảnh: HL
Vẫn còn rất nhiều bé sinh non đang ngày đêm được các y bác sĩ chăm sóc. Ảnh: HL

Xác định đây là ca khó, chưa từng có ở bệnh viện nên các bác sĩ nơi đây đã lập hẳn kíp trực, túc trực 24/24h, tất cả mọi phác đồ điều trị đều phải được bàn bạc và thống nhất trong toàn bộ êkip lãnh đạo của bệnh viện. Các y tá còn đi xin sữa mẹ của các bà mẹ chăm con tại khoa cho bé Mận ăn, bên cạnh các loại sữa đặc biệt khác. BS Dũng cho biết: “Từ lượng sữa đưa vào đến lượng nước tiểu và phân bé thải ra, chúng tôi đều phải cân đong đo đếm để biết cơ thể bé hấp thụ và đáp ứng với thức ăn như thế nào. Lồng ấp phải đảm bảo đủ độ ẩm và nhiệt độ tránh da bé bị bay hơi, mất nước. Phải tiêm kháng sinh để phòng ngừa các bệnh của trẻ sinh non như xuất huyết não, bệnh phổi mãn tính hay các bệnh liên quan về mắt”

Sau 3 tháng chăm nuôi, bé Mận từ 700g đã được xuất viện với cân nặng 3,1 kg. Đến thời điểm này bé đã được 7 tháng 8 ngày và cân nặng 5,5 kg. Theo anh Hoàng Ngọc Tỏa, bố của bé, Mận vừa tiếp tục trải qua 1 lần phẫu thuật nữa vì giả phồng động mạch trên cánh tay. Tuy vậy, hằng ngày, 2 tiếng một lần, bé đã ăn được 70ml sữa, đã biết lẫy, biết cười với người thân và bố, biết lạ, biết dõi theo bố mỗi khi rời tay…

“Mỗi đêm, tôi vẫn phải thức 3, 4 lần để pha sữa cho cháu. Cháu ăn chậm nhưng đói đã biết khóc đòi ăn. Nhìn cháu phát triển, mắt không có vấn đề gì, tôi cũng đã vui lên phần nào trước nỗi đau mất vợ. Có đôi lúc tôi cũng rơi nước mắt, thấy chán, thấy vất vả quá, muốn bỏ đi nhưng bế con, thương con yếu, tôi lại không đành. Nhưng thời gian tới, chắc tôi phải quay lại đi biển để kiếm tiền nuôi con. Bây giờ phải tập trung nuôi con thật khỏe đã thì mình đi mới yên tâm” -  Anh Tỏa tâm sự.

Nếu như trước đây những trường hợp như bé Gái, bé Mận, vốn được coi là sẩy thai, không được y học can thiệp nhiều, thì giờ đây, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những sinh linh này đã về lại kiếp người với một cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc.

Theo Hiền Lê/VTC News