Lịch tiêm miễn phí vaccine sởi-rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi

15/07/2014 07:41
Hà Anh
(GDVN) - Từ tháng 9/2014 đến tháng 6/2015, ngành y tế sẽ triển khai tiêm vaccin phối hợp sởi-rubella cho toàn bộ trẻ từ 14 tuổi trở xuống trên toàn quốc.

Theo kế hoạch đã được Bộ Y tế phê duyệt, các tỉnh, thành sẽ chọn một huyện triển khai tiêm thí điểm và rút kinh nghiệm.

Chiến dịch được chia thành 3 đợt: Đợt 1 tiêm cho trẻ 1-5 tuổi vào tháng 9-10/2014; đợt 2 dành cho trẻ 6-10 tuổi vào tháng 11-12/2014; Đợt 3 tiêm cho trẻ 11-14 tuổi vào tháng 1-2/2015.

Đối với vùng sâu, vùng nguy cơ cao và địa bàn đi lại khó khăn, khó tiếp cận có thể tiêm chủng đồng thời trong cùng một đợt, triển khai theo phương thức cuốn chiếu từ trường học, trạm y tế đến thôn bản.

Chiến dịch đặt mục tiêu trên 95% trẻ được tiêm. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế và ngành giáo dục... có trách nhiệm điều tra, thống kê số trẻ được tiêm. 

Sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên. Trong đó, Rubella là một bệnh sốt phát ban lành tính, ảnh hưởng tới da và các hạch bạch huyết, có thể truyền từ mẹ sang thai nhi qua đường máu.

Mặc dù đây chỉ là một bệnh nhẹ đối với trẻ em, song nó lại là hiểm họa đối với phụ nữ mang thai, đe dọa gây ra hội chứng rubella bẩm sinh ở bào thai đang phát triển.

Khi người phụ nữ bị nhiễm vi rút rubella trong giai đoạn đầu trong 3 tháng đầu của quá trình mang thai, có tới 90% số trường hợp người mẹ có thể truyền virus sang thai nhi. Hậu quả thai nhi bị chết hoặc có thể gây hội chứng rubella bẩm sinh.

Nếu như ở trẻ nhỏ nhiễm rubella chỉ biểu hiện nhẹ, thì ở trẻ sơ sinh mắc hội chứng rubella bẩm sinh sẽ phải gánh chịu những dị tật nặng nề. Ngoài điếc là dị tật thường gặp, hội chứng rubella bẩm sinh còn có dị tật ở mắt, tim và não. Ước tính hàng năm trên thế giới có 700.000 trẻ em bị chết vì hội chứng rubella bẩm sinh.

Năm 2011, dịch rubella khiến nhiều thai phụ nhiễm bệnh, phải bỏ thai.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch.

Bệnh sởi tuy ít gây tử vong, nhưng biến chứng có thể gặp nhiều biến chứng. Biến chứng đường hô hấp: Gây viêm thanh quả, viêm phế quản, viêm phế quản-phổi. Biến chứng thần kinh: Gây viêm não-màng não-tủy cấp (là biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao, thường gặp ở trẻ lớn); viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa (hay gặp ở tuổi 2-20 tuổi, xuất hiện muộn sau vài năm, điều này nói lên virus sởi có thể sống tiềm tàng nhiều năm trong cơ thể bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bất thường).

Biến chứng đường tiêu hóa: Gây viêm niêm mạc miệng, cam mã tấu, viêm ruột. Biến chứng tai-mũi-họng: Gây viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai-viêm tai xương chũm. Biến chứng do suy giảm miễn dịch: Dễ mắc thêm các bệnh khác như lao, bạch hầu, ho gà…

Vừa qua dịch sởi bùng phát khiến gần 5.000 trường hợp mắc, ít nhất 146 ca tử vong liên quan đến sởi.

Bệnh sởi và rubella có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm phòng.

Hà Anh