Nữ sinh trường y và những ngày tháng ý nghĩa trên mặt trận chống dịch

24/08/2021 06:29
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thuỳ Dương rất tự hào khi được góp sức mình vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài học về sự sẻ chia

Những ngày qua, tình hình diễn biến dịch bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh rất căng thẳng, tất cả đều tập trung nhân lực, vật lực, với tinh thần và quyết thắng dịch bệnh Covid-19.

Đã có hàng nghìn sinh viên các trường đại học, cao đẳng của ngành y tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch.

Lê Thùy Dương, sinh viên khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (bên trái) lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại Bình Tân. (Ảnh NVCC)

Lê Thùy Dương, sinh viên khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (bên trái) lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại Bình Tân. (Ảnh NVCC)

Trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nữ sinh Lê Thùy Dương, sinh viên khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Hôm nay thời tiết dễ chịu hơn hôm qua một chút nên tụi em đỡ vất vả, chủ yếu là nóng quá mà phải mặc đồ bảo hộ cả ngày.

Thời gian này dịch Covid vẫn còn căng thẳng và diễn biến phức tạp khó lường. Hiện tại trong trung tâm sơ cấp cứu người bệnh Covid-19 C30-HB nơi em đang tham gia tình nguyện thì một vài ngày gần đây có xu hướng giảm hơn.

Hôm nay, em có ca trực đêm từ 21h đến 7h sáng hôm sau nên đang tranh thủ nghỉ ngơi, làm vệ sinh phòng ở và coi qua tài liệu một chút. Đi chống dịch dù có vất vả nhưng tụi em luôn động viên nhau cùng cố gắng, mong tới ngày chiến thắng".

Cũng như phần lớn các sinh viên, thanh niên tình nguyện tham gia chống dịch, Lê Thùy Dương chứng kiến dịch bệnh hoành hành một thời gian dài. Trên các phương tiện đại chúng, Thùy Dương thấy được những hình ảnh, biết được nhiều câu chuyện cảm động về những chiến sĩ áo trắng ngày đêm chống dịch.

“Những câu chuyện về các anh chị phải túc trực làm liên tục do thiếu nhân lực trầm trọng hay làm việc với cường độ cao dẫn đến choáng. Nhiều anh chị, thầy cô ngành y đã hi sinh thời gian dành cho gia đình, chăm sóc người thân để lên đường làm nhiệm vụ nhiều ngày mà không thể về nhà.

Lượng bệnh nhân ngày một tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại mà sức người có hạn. Bản thân em là sinh viên năm cuối của ngành Điều dưỡng, thuộc khối ngành y tế. Mặc dù chưa có kinh nghiệm dày dặn như thầy cô, các anh chị khoá trước, nhưng cơ bản đã có đủ kiến thức và kỹ năng nên em đăng ký xin đi tình nguyện.

Tham gia tình nguyện vừa là thử thách, vừa là cơ hội để học hỏi, rèn luyện bản thân, có thể góp sức nhỏ của mình trong công cuộc chống dịch ngay tại thành phố mình sinh sống và học tập”, Dương cho biết.

Thùy Dương cùng các bạn tình nguyện viên chăm sóc người bệnh trong trung tâm sơ cấp cứu người bệnh nhiễm Covid-19. (Ảnh NVCC)

Thùy Dương cùng các bạn tình nguyện viên chăm sóc người bệnh trong trung tâm sơ cấp cứu người bệnh nhiễm Covid-19. (Ảnh NVCC)

Mặc dù đã được các thầy cô tập huấn kỹ càng, từ việc thực hành cách mặc đồ bảo hộ, giải đáp thắc mắc đến việc chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trước khi ra trận. Thế nhưng thời gian đầu mới tham gia Thùy Dương cũng lo lắng bản thân không may bị nhiễm rồi ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Sau những lần test định kỳ với kết quả âm tính Thùy Dương càng tự tin hơn vào khả năng kiểm soát nhiễm khuẩn và không còn lo lắng nữa. Cô gái nhỏ luôn nhắc bản thân tuân thủ 5K và làm đúng theo quy trình những gì mình đã được học.

Thùy Dương quê ở Bình Phước! Từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, Dương chưa thể về nhà.

Dương cho biết: "Khi em tham gia đoàn tình nguyện, bố mẹ rất lo lắng, nhưng sau một thời gian thấy được con gái luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và tự bảo vệ bản thân nên bố mẹ tin tưởng và an tâm hơn".

Gia đình, bạn bè, người thân luôn quan tâm, khích lệ, ủng hộ và cũng là động lực để Thùy Dương quyết tâm cùng mọi người chiến thắng dịch bệnh.

Thấm đẫm tình người mùa dịch

Những vất vả, khó chịu khi thực hiện công việc chăm sóc người bệnh dưới thời tiết nắng nóng, mặc bộ đồ bảo hộ trong thời gian dài khiến Thùy Dương và các bạn khá tốn sức, nhanh mệt vì mất nước do ra nhiều mồ hôi.

Với số lượng ngày càng đông người bệnh thì cường độ làm việc trong một ngày nhiều hơn và mọi người phải thay phiên nhau phân bổ thời gian, lịch trực hợp lý để vừa đảm bảo được công việc chăm sóc người bệnh, vừa đảm bảo được an toàn sức khỏe cho bản thân.

Với Thùy Dương chống dịch có phần vất vả nhưng đổi lại là chuỗi ngày vô cùng ý nghĩa và quý giá. Qua những ngày này, Dương chứng kiến và cảm nhận được tình người cao đẹp, gắn bó hơn bao giờ hết.

Thùy Dương cho rằng, những bài học về cách san sẻ, giúp đỡ nhau, cùng nhau vượt qua đại dịch trở thành nguồn động lực giúp bản thân kiên định, vững vàng hơn với lựa chọn của mình.

Thùy Dương cùng thầy cô và các bạn trong đoàn tình nguyện. (Ảnh NVCC)

Thùy Dương cùng thầy cô và các bạn trong đoàn tình nguyện. (Ảnh NVCC)

“Em nhớ có lần đút cháo cho người bệnh. Cụ bà gần 70 tuổi! Thấy mắt bà ngân ngấn nước, em hỏi bà có chuyện gì buồn? Bà bảo, chồng bà vừa mất cách đây 3 ngày, ở nhà người thân cũng bị nhiễm Covid hết rồi. Bà buồn, lo lắng và bật khóc.

Bà cảm ơn em vì chăm sóc tốt cho bà. Em cũng động viên, an ủi bà cố gắng điều trị tốt để về với gia đình. Thật sự lúc đó em thấy rất buồn, dịch bệnh quá tàn khốc!

Qua đó em thấy mình cần phải quan tâm, lắng nghe người bệnh chia sẻ nhiều hơn nữa để tâm lý, tinh thần người bệnh được ổn định cũng như tình trạng sức khỏe sẽ ngày càng tốt hơn”, Dương nhớ lại.

Cũng không ít ca bệnh mà người bệnh chuyển biến nặng dần, dù mọi người đã cố gắng hết sức nhưng không thể giúp được gì hơn. Điều đó lại khiến những người làm công tác chăm sóc người bệnh như Thùy Dương thêm phần trăn trở và quyết tâm chống dịch hết khả năng của mình.

Thùy Dương chọn theo ngành điều dưỡng vì mong muốn sẽ được đóng góp vào việc chăm sóc sức khoẻ nhiều người, mỗi ngày đi qua phải thật ý nghĩa.

Vì xác định được mục tiêu, lý tưởng như vậy nên khi theo học Dương luôn cố gắng trau dồi kiến thức và kỹ năng để sau này trở thành một điều dưỡng giỏi.

Thùy Dương cảm thấy thật sự may mắn vì đã được tham gia đoàn tình nguyện, góp một phần sức lực nhỏ bé vào công tác phòng chống dịch, bảo vệ người dân, thành phố được bình an.

Dương chia sẻ: "Khi đi vào tâm dịch, chứng kiến sự khốc liệt nơi đây, em muốn gửi lời cảm ơn và biết ơn sâu sắc tới những người đang tham gia chống dịch, những người đang là hậu phương vững chắc luôn theo sát, ủng hộ cho công tác chống dịch được diễn ra thuận lợi.

Bên cạnh đó, vẫn cần lắm sự chung tay, góp sức từ tất cả mọi người, cần lắm những trái tim, những tấm lòng nhiệt huyết, đặc biệt từ những bạn sinh viên đang tràn đầy sức trẻ để cùng nhau đồng hành giúp đỡ thêm thật nhiều người hơn nữa.

Rất mong mọi người luôn tuân thủ 5K, tuân thủ theo chỉ thị của nhà nước để bảo vệ bản thân, gia đình, những người xung quanh. Chính những điều đó đã tạo nên sức mạnh để chiến thắng dịch bệnh Covid-19".

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Cao Kim Anh