Sự nỗ lực của ngành y tạo nên nhiều kỳ tích

05/11/2020 10:19
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không chỉ là cơ sở vật chất, trang thiết bị khang trang, hiện đại mà hơn hết là sự nhiệt tình của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế với từng bệnh nhân.

Mỗi ngày, hệ thống cơ sở y tế các tuyến trong cả nước đón tiếp khám và điều trị cho hàng trăm nghìn lượt người bệnh.

Để người bệnh ngày càng hài lòng hơn, tại các cơ sở y tế không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng khám, điều trị mà việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh, người nhà bệnh nhân ngày càng được triển khai sâu rộng...

Đang chăm sóc bố nằm điều trị tích cực tại phòng cấp cứu của Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Hữu Nghị, anh Tú người nhà bệnh nhân N.Q.H rất xúc động trước sự tận tình cứu chữa người thân của các y bác sĩ tại đây anh Tú cho biết: “Bố tôi đã cao tuổi, vào cấp cứu trong tình trạng mạch yếu, nhịp tim không ổn định và hôn mê nhưng nhờ sự khẩn trương cứu chữa của các y bác sĩ nên hiện nay bố tôi đã qua cơ nguy kịch. Tôi biết những ngày qua, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng đều rất vất vả cứu chữa và chăm sóc cho bố tôi. Chúng tôi rất biết ơn vì điều đó”.

Đang nằm điều trị tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, bà N.N.D ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Tôi phải vào đây điều trị mấy năm nay rồi nên biết hết các y bác sỹ ở khoa này, họ nhiệt tình và tận tâm với bệnh nhân lắm.

Họ thăm khám theo dõi thường xuyên khi tôi nằm tại đây và khi về bao giờ các y bác sỹ cũng dặn dò tôi phải chú ý cẩn thận từ bữa ăn, viên thuốc để làm sao cho cơ thể nhanh bình phục.

Có những đêm tôi phải vào đây cấp cứu vì bệnh tái phát nhưng dù rất muộn nhưng các y bác sỹ vẫn tận tình để các chỉ số cơ thể tôi trở lại mức bình thường.

Tôi cảm ơn các y bác sỹ tại khoa này nhiều lắm, nếu không có họ thì có lẽ tôi không còn cơ hội để ngồi đây, có thể lực mạnh khỏe để nói chuyện này với chú rồi. Cảm ơn các y bác sỹ nhiều lắm”.

Ðội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và có thêm vai trò của đội ngũ nhân viên công tác xã hội giờ đây như là người đồng hành, thường xuyên thăm hỏi, động viên... giúp người bệnh vững tin trong hành trình chiến đấu với những căn bệnh trong mình. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Ðội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và có thêm vai trò của đội ngũ nhân viên công tác xã hội giờ đây như là người đồng hành, thường xuyên thăm hỏi, động viên... giúp người bệnh vững tin trong hành trình chiến đấu với những căn bệnh trong mình. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Gần 81% người bệnh nội trú hài lòng

Có dịp trò chuyện với không ít người bệnh đến khám hoặc đang điều trị nội trú tại các bệnh viện đầu ngành như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết trung ương, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Việt Đức...

Rồi nhiều Bệnh viện tuyến tỉnh, quận, huyện tại nhiều địa phương trên cả nước khi tham gia các đoàn công tác của Bộ Y tế, chúng tôi đều nhận được câu trả lời cho rằng, ngành y đã có sự thay đổi trên nhiều phương diện.

Ðó không chỉ là cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng khang trang, hiện đại mà hơn hết là sự nhiệt tình của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế.

Ðội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và có thêm vai trò của đội ngũ nhân viên công tác xã hội giờ đây như là người đồng hành, thường xuyên thăm hỏi, động viên... giúp người bệnh vững tin trong hành trình chiến đấu với những căn bệnh trong mình.

Theo công bố kết quả chỉ số hài lòng của người bệnh Việt Nam do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Việt Nam tổ chức cách đây không lâu, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Chỉ số hài lòng của người bệnh Việt Nam năm đã tăng từ 3,98/5 lên 4,04/5 so với những năm trước, tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh nội trú đạt mức 80,8%.

Yếu tố được hài lòng nhiều nhất là thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế (4,13/5) trong khi chi phí khám chữa bệnh là yếu tố có mức độ hài lòng thấp nhất (3,78/5).

Gần một nửa người bệnh và gia đình được phỏng vấn cảm nhận mức độ chi trả thêm bằng tiền túi là ít (45%) trong khi 59% cho biết không phải trả thêm từ tiền túi do được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ”.

Nhiều yếu tố để có sự hài lòng người bệnh

Tại khoa khám bệnh của Bệnh viện E, chúng tôi đã có khảo sát nhanh một số bệnh nhân nơi đây và đa số người bệnh cũng rất hài lòng về cơ sở vật chất khu nhà chờ có đầy đủ quạt, ghế ngồi chờ cho người bệnh đến khám và điều trị.

Bệnh viện đã thực hiện cải cách các thủ tục hành chính trong quy trình khám bệnh ngoại trú, đón tiếp người bệnh, chỉ dẫn, hướng dẫn rõràng, đã làm giảm thời gian khám chữa bệnh và nâng cao mức độ hài lòng.

Bác Hoàn 82 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội đang ngồi đợi khám bệnh ở đây cho biết: “Các bàn tiếp đón và hướng dẫn được bố trí ở vị trí thuận tiện cho người bệnh dễ tiếp cận, có biển hiệu rõ ràng.

Tôi thấy đội ngũ nhân viên hướng dẫn thành thạo thông tin về bệnh viện, đảm bảo về chuyên môn, hỗ trợ tận tình và giúp đỡ chỉ dẫn cho người bệnh.

Tôi thấy người bệnh được hỗ trợ và được vận chuyển một cách phù hợp với mức độ và tình trạng bệnh lý của người bệnh trong suốt quá trình sử dụng dịch vụ y tế tại bệnh viện.

Bệnh viện có đầy đủ hệ thống các phương tiện vận chuyển để tại khu vực phòng chờ hoặc khu vực người bệnh cần được hỗ trợ bằng các phương tiện vận chuyển phù hợp.

Tôi thấy bệnh viện còn phân công và bố trí nhân viên hỗ trợ, dẫn người bệnh như chũng tôi đi làm các xét nghiệm cũng như khám bệnh, như vậy tôi thấy nhanh và thoải mới hơn khi vào đây.

Trên thực tế, không có một bệnh viện nào có thể đáp ứng được 100% kỳ vọng của người bệnh. Tỷ lệ chưa hài lòng còn lại (gần 20%) chủ yếu là về cơ sở vật chất của các bệnh viện chưa bảo đảm; quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm, thanh toán viện phí, ra viện, nhập viện rườm rà khiến người bệnh vất vả mới hoàn thành... Chỉ số tham nhũng vặt ở bệnh viện tuyến huyện giảm còn 0,4%.

Ngoài ra, một số bệnh viện chưa thật sự sâu sát trong giữ gìn nhà vệ sinh, để xảy ra tình trạng nhà vệ sinh bừa bãi, bẩn, bốc mùi... Tuy nhiên, để có được kết quả của sự hài lòng người bệnh như vừa công bố là một quá trình thực hiện tổng hợp rất nhiều giải pháp.

Bộ Y tế ban hành bộ 83 tiêu chí về chất lượng bệnh viện gồm thái độ, chất lượng khám chữa bệnh, quy trình khám chữa bệnh, phòng chống nhiễm khuẩn, an toàn người bệnh. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Bộ Y tế ban hành bộ 83 tiêu chí về chất lượng bệnh viện gồm thái độ, chất lượng khám chữa bệnh, quy trình khám chữa bệnh, phòng chống nhiễm khuẩn, an toàn người bệnh. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Bộ Y tế đã phải ban hành 7 Thông tư, thứ nhất là Thông tư về đổi mới, rút ngắn quy trình khám chữa bệnh, đơn giản và giảm thời gian chờ đợi.

Thông tư về trang phục của các nhân viên y tế khác nhau trong Bệnh viện; Thông tư về đường dây nóng; Thông tư về hòm thư góp ý; Thông tư về phòng Công tác xã hội để hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh khi họ gặp khó khăn trong lúc đến bệnh viện thăm khám, điều trị.

Thông tư về ứng xử, khen thưởng và kỷ luật cán bộ y tế. Và một Thông tư nữa có ý nghĩa quyết định dẫn đến những thay đổi chất lượng là Thông tư về đổi mới tài chính là tính đến những chi phí trực tiếp, trong đó có chi phí tiền lương tính vào giá dịch vụ y tế do Bảo hiểm Y tế chi trả cho những bệnh nhân có Bảo hiểm Y tế.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến các Quyết định/Nghị quyết của Chính phủ như Quyết định 92 về Đề án giảm tải bệnh viện bởi nếu không giảm tải, cứ để người bệnh nằm 2-3 người/giường bệnh thì không thể nào có sự hài lòng.

Nhờ thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh nên trong thời gian qua, nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối đã chuyển giao hàng trăm kỹ thuật xuống bệnh viện tỉnh, huyện.

Vì vậy, hiện nay, nhiều Bệnh viện tuyến dưới đã làm chủ được các kỹ thuật cao, chữa trị nhiều ca bệnh khó mà trước kia bắt buộc phải chuyển lên tuyến trên.

Và một Thông tư nữa là xây dựng Bệnh viện xanh-sạch-đẹp bởi nếu bệnh viện không xanh-sạch- đẹp; nhà vệ sinh không sạch và kém chất lượng thì không thể nào bệnh nhân hài lòng được.

Tiếp đến là việc Bộ Y tế ban hành bộ 83 tiêu chí về chất lượng bệnh viện gồm thái độ, chất lượng khám chữa bệnh, quy trình khám chữa bệnh, phòng chống nhiễm khuẩn, an toàn người bệnh...

Từ 83 tiêu chí này, Bộ Y tế đã chấm điểm bệnh viện độc lập để làm cơ sở xếp hạng bệnh viện. Đây được coi là quy định có ý nghĩa rất lớn thay đổi chất lượng bệnh viện toàn diện, sâu sắc trong thời gian qua.

Phát triển y tế chuyên sâu, thực hiện hiệu quả

Nhìn lại những năm qua có thể thấy, đi liền với y tế cơ sở, các trung tâm y tế chuyên sâu cũng từng bước được hình thành và phát triển tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng; đồng thời xây dựng một số bệnh viện đa khoa tỉnh làm nhiệm vụ vùng.

Các trung tâm y tế chuyên sâu cũng từng bước mở rộng các chuyên khoa đầu ngành để chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, trong đó có nhiều kỹ thuật cả về chẩn đoán và điều trị ngang tầm với các nước trong khu vực.

Cùng với xây dựng cơ sở khang trang, nhiều bệnh viện đã trang bị được những thiết bị y tế hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh như hệ thống Robot Da Vinci Xi hiện đại nhất trên thế giới hiện nay được Bệnh viện K trang bị để phục vụ điều trị bệnh ung thư.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo của Robot Modus V Synaptive trong phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Nhân dân 115... đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Bộ Y tế cho biết, các thầy thuốc của Việt Nam hiện nay đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao không thua các nước khác, điển hình là các kỹ thuật làm răng, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ, ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán...

Sự phát triển về kỹ thuật y tế này đã thu hút rất nhiều Việt kiều về nước điều trị, một trong những thế mạnh của y tế nước ta là chi phí thấp hơn các nước trong khi chất lượng lại không thua kém.

“Kết quả khảo sát nhanh do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thực hiện tháng 8/2019 tại 329 bệnh viện, tổng số 6 tháng đầu năm có 88.983 lượt người nước ngoài khám bệnh và 10.170 người nước ngoài điều trị nội trú tại các bệnh viện các tuyến”, Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê cho biết.

Các bệnh viện tuyến trung ương được người nước ngoài tìm đến khám chữa bệnh nhiều nhất gồm Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện đa khoa trung ương Huế cơ sở 1, Bệnh viện Phổi trung ương, Bệnh viện đa khoa trung ương Quảng Nam...

Bệnh nhân nước ngoài chủ yếu điều trị các bệnh về da, viêm phổi, viêm phế quản, chấn thương do tai nạn giao thông, gãy xương, khám sức khỏe, sản phụ khoa, ung bướu, tim mạch...

Với sự chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện tuyến trên, sự nỗ lực học hỏi của chính các bệnh viện tuyến dưới, hiện nay nhiều bệnh viện tuyến dưới đã thực hiện thành công các ca phẫu thuật phức tạp đòi hỏi chuyên môn sâu như điều trị ung thư, phẫu thuật robot, ghép tạng...

Thành công này đã tạo niềm tin cho người dân vào y tế tuyến dưới, góp phần thực hiện hiệu quả đề án “sợi dây rút ngược” của ngành y tế... Năm 2019, nhờ sự chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ của bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ trở thành bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên thực hiện ghép thận không cùng huyết thống và nhóm máu.

Còn Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình đã đủ khả năng phát triển thành nhiều khoa độc lập và nhiều kỹ thuật ngoại khoa đã trở thành thế mạnh như phẫu thuật nội soi tiêu hóa, nội soi tiết niệu, thay khớp háng, phẫu thuật cột sống...

Tùng Dương