SV sư phạm mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ, địa phương băn khoăn việc thu hồi theo NĐ116

11/11/2022 06:47
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù bước sang năm thứ 2 triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP nhưng nhiều địa phương vẫn chưa cấp kinh phí hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm.

Nghị định 116/2020 Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm bắt đầu được triển khai từ năm học 2021-2022. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn nhiều trường đào tạo giáo viên vẫn gặp khó trong việc chi trả tiền hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên.

Theo quy định của Nghị định 116, các địa phương xác định nhu cầu để giao nhiệm vụ, đấu thầu, đặt hàng đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm. Tuy nhiên, thông tin từ một số trường sư phạm cung cấp, số lượng đơn đặt hàng qua hai năm triển khai còn rất ít, thậm chí có cơ sở đào tạo không nhận được một đơn đặt hàng nào. Và các trường chủ yếu vẫn đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Nhiều trường đào tạo giáo viên vẫn gặp khó trong việc chi trả tiền hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên. (Ảnh minh hoạ: Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị)

Nhiều trường đào tạo giáo viên vẫn gặp khó trong việc chi trả tiền hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên. (Ảnh minh hoạ: Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị)

Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là nhiều địa phương vẫn chưa cấp kinh phí để hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí (3,63 triệu đồng/tháng) cho sinh viên sư phạm. Do đó, các trường cũng rơi vào bế tắc, trong khi sinh viên mòn mỏi đợi chờ.

Địa phương còn chờ hướng dẫn bồi hoàn kinh phí

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Ngọc Thành – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk cho biết, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận kinh phí hỗ trợ cho sinh viên năm học 2021 – 2022 nhưng chưa tiến hành chi trả, lý do tỉnh đang làm văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị Bộ hướng dẫn thêm trong trường hợp sinh viên tốt nghiệp không công tác trong ngành giáo dục thì hình thức thu hồi kinh phí như thế nào?

Tuy nhiên, đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có câu trả lời nên tỉnh đang tiếp tục chờ đợi. Địa phương vẫn còn băn khoăn trong khâu bồi hoàn lại kinh phí.

Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng tiếp tục có một văn bản đề nghị giao cho Sở Tài chính và Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có ý kiến với Bộ Giáo dục và Đào tạo phản hồi công văn trước đó.

Năm nay, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk được giao 83 chỉ tiêu và trường thực hiện tuyển được 79 chỉ tiêu.

Năm học 2021 – 2022, nhà trường được giao 300 chỉ tiêu và thực hiện tuyển được 180 chỉ tiêu. Đến nay, các sinh viên này vẫn đang chờ để được hưởng hỗ trợ sinh hoạt phí. Lẽ ra, khoản hỗ trợ này các em bắt đầu được nhận từ tháng 10/2021.

Thầy Nguyễn Ngọc Thành cho rằng, việc bắt đầu thực hiện một chính sách sẽ có những vướng mắc, khó khăn, tuy nhiên, cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn cho việc triển khai để đưa Nghị định đi vào cuộc sống. Nếu không có văn bản hướng dẫn sẽ gây khó khăn cho các địa phương.

"Hiện nay đang xảy ra tình trạng mỗi tỉnh thực hiện một kiểu, sinh viên có nơi đã được cấp sinh hoạt phí còn có nơi thì không, mỗi cơ sở đào tạo gặp phải những vướng mắc riêng.

Ngay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Trường Đại học Tây Nguyên sát bên Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk thì đã thực hiện được việc chi trả hỗ trợ cho sinh viên vì trường này thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong khi trường chúng tôi lại chưa thực hiện được.

Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự phối hợp với nhau để việc triển khai thực hiện Nghị định 116 đi vào thực tiễn. Liên quan đến vấn đề kinh phí, nếu chỉ có Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sẽ còn khó thực hiện.

Các bộ ngành phải liên kết với nhau, có văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương sớm triển khai thực hiện", thầy Thành nêu quan điểm.

Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Yến – Quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình cho biết, hiện nay, tỉnh Thái Bình cũng đang tập trung giải quyết vấn đề hỗ trợ tiền sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm.

Sở Giáo dục và Đào tạo đang báo cáo với Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh để giải quyết việc thực hiện Nghị định 116.

Đối với sinh viên sư phạm trúng tuyển vào trường từ năm học 2021-2022, nhà trường cũng đang chờ giải quyết từ tỉnh.

"Năm nay, nhà trường vẫn đào tạo theo chỉ tiêu mà tỉnh giao với 450 chỉ tiêu. Và chắc chắn, địa phương sẽ giải quyết việc chi trả hỗ trợ cho sinh viên sư phạm", cô Yến khẳng định.

Cần làm rõ lý do các địa phương e dè trong việc cấp kinh phí

Chia sẻ về câu chuyện này, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nói rằng, đây là một trường hợp điển hình về việc đưa chính sách vào thực tiễn cuộc sống.

Chúng ta cần phải đặt vấn đề, việc thực hiện chi trả sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm bị trễ và tại sao lại bị trễ lâu như vậy? Liệu có phải chính sách này khi đi vào cuộc sống nhưng lại không phù hợp với quy luật thực tiễn?

Hơn nữa, tại sao các trường thuộc trung ương lại triển khai việc này dễ dàng hơn, vậy mà đa số các trường thuộc các tỉnh/ thành lại gặp nhiều khó khăn như vậy?

Việc triển khai thực hiện Nghị định 116 đang có những nút thắt về học phí, sinh hoạt phí hỗ trợ sinh viên và cả nút thắt về việc đào tạo theo giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu hay đào tạo theo nhu cầu xã hội. Những khái niệm này đã triển khai trong thực tiễn như thế nào, kể cả ở các trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện ra sao?

Các địa phương còn e dè gì trong việc cấp kinh phí? Liệu có phải do chưa rõ cơ chế thu lại kinh phí nếu người học ra trường không tham gia công tác trong ngành giáo dục? Đây là những nội dung cần phải làm rõ.

Nguyên Phương