Tách hay nhập trường lớp, cần lấy ý kiến dân và cơ sở

27/08/2017 06:31
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Công tác chuẩn bị, quy hoạch và dân vận là hai mắt xích quan trọng nhất của việc giải thể và sáp nhập trường lớp.

LTS: Từ câu chuyện thực tế về việc giải thể và sáp nhập trường lớp ở 3 địa phương (Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Nghệ An), tác giả Sông Trà đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết nhằm đưa ra quan điểm, suy nghĩ và những hệ lụy của vấn đề này.

Đồng thời, theo tác giả, việc giải thể và sáp nhập trường lớp nếu làm không đến nơi đến chốn thì đừng trách người dân, phụ huynh và nhà trường, tại sao lại bức xúc, “ nổi giận” như thế.  

Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết. Nội dung và văn phong bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mới đây, báo chí đồng loạt phản ánh, từ ngày 23/8 đến nay, hàng trăm người dân xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã tụ tập trước trụ sở Ủy ban nhân dân xã để phản đối việc Trường trung học cơ sở Quảng Phúc được chuyển về sáp nhập với Trường trung học cơ sở xã Quảng Vọng, huyện Quảng Xương. 

Hàng trăm người dân kéo lên Ủy ban nhân dân xã để phản đối sáp nhập trường (Ảnh nguồn: vietnamnet.vn).
Hàng trăm người dân kéo lên Ủy ban nhân dân xã để phản đối sáp nhập trường (Ảnh nguồn: vietnamnet.vn).

Người dân địa phương phản ánh, việc chuyển Trường trung học cơ sở Quảng Phúc về sáp nhập với Trường trung học cơ sở Quảng Vọng sẽ khiến cho con em mình phải đi xa, trong đó có nơi xa nhất là 4km.

Phụ huynh cho rằng, việc đi xa như thế sẽ khiến con em họ vất vả, lo sợ về an ninh trật tự, an toàn giao thông và phải đóng góp tiền xây dựng cơ sở vật chất.…

Về chính quyền, ông Mai Đình Thủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Phúc khẳng định, việc sáp nhập trường học nằm trong kế hoạch của tỉnh và huyện đã lên phương án từ trước. 

Hiện Trường trung học cơ sở Quảng Phúc chỉ có 6 lớp, với 145 học sinh, do đó huyện có kế hoạch sáp nhập về Trường trung học cơ sở Quảng Vọng để thành lập trường mới mang tên Phúc Vọng. 

Trước khi thực hiện, huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường mới khang trang, đầy đủ tiện nghi, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. 

Trước đó, ngày 23/7/2017, ở thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Hai Bà Trưng, ngôi trường 25 năm tuổi với bề dày thành tích dạy học đang đứng trước nguy cơ bị chia tách, sáp nhập, gây bức xúc cho người dân. 

Vào thời điểm cuối tuần nhưng vẫn có rất nhiều phụ huynh có mặt tại đây để chờ đợi thông tin chính thức về chủ trương của tỉnh liên quan đến việc tái cơ cấu trường này.  

Tách hay nhập trường lớp, cần lấy ý kiến dân và cơ sở ảnh 2

Hơn 50 học sinh thất học 1 năm vì phụ huynh phản đối sáp nhập trường

Theo dự kiến, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tách bậc trung học cơ sở của trường Hai Bà Trưng thành 1 trường trung học cơ sở mới. Còn với bậc trung học phổ thông sẽ sáp nhập vào 1 trong 2 trường gần đó. 

Nhưng, điều đáng nói là cả 2 trường này đều có điểm tuyển đầu vào và chất lượng đầu ra thấp hơn hẳn trường Hai Bà Trưng. 

Đặc biệt là Trường trung học phổ thông Phúc Yên mới thành lập vài năm nay, điểm chuẩn đầu vào có năm thấp hơn Hai Bà Trưng tới 14 điểm. 

Điều này cho thấy, sự chênh lệch về chất lượng giữa các trường đã không được ưu tiên tính toán đến trong quá trình quy hoạch.

Đại diện Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Hai Bà Trưng cho biết, tập thể nhà trường chưa từng được lãnh đạo cấp trên thông báo công khai, hỏi ý kiến hay bàn bạc, thống nhất về chủ trương này.

Công tác tuyển sinh năm học mới vẫn diễn ra bình thường cho đến khi trường đột ngột bị yêu cầu tạm dừng tuyển sinh lớp 6, còn số phận học sinh khối trung học phổ thông của trường cho đến nay chưa biết sẽ thế nào. 

Cách đây gần hai năm, nhiều ngày liên tiếp hàng trăm người dân và học sinh Trường trung học cơ sở Nghi Thiết cũng từng kéo lên trụ sở Ủy ban nhân dân xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) để phản đối.

Họ phản đối việc sáp nhập Trường trung học cơ sở Nghi Thiết với Trường trung học cơ sở Nghi Tiến (thành Trường trung học cơ sở Tiến Thiết theo đề án sáp nhập của ngành giáo dục Nghệ An từ năm 2008).

Họ cho rằng sáp nhập trường không đúng, học sinh đi học xa, nguy hiểm và thậm chí bị các em xã khác đánh nên khoảng 230 em học sinh Trường trung học cơ sở xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) nghỉ học sau buổi khai giảng năm học mới. 

Trên đây là 3 vụ việc tiêu biểu liên quan đến việc giải thể và sáp nhập trường học ở 3 địa phương (Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Nghệ An) gây bức xúc trong nhân dân, phụ huynh và nhà trường, thầy cô giáo. 

Tách hay nhập trường lớp, cần lấy ý kiến dân và cơ sở ảnh 3

Để trường không thành cái "chuồng trâu" thì phải giải thể và sáp nhập

Các bậc phụ huynh thì luôn mong mỏi con em được học tập trong một môi trường giáo dục an toàn, thuận lợi, gần nhà. 

Tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của các nhà trường, thầy cô giáo cần được các cấp quản lý lắng nghe, tôn trọng để có được những phương án, kế hoạch giải thể và sáp nhập phù hợp, tối ưu, thỏa được nguyện vọng của phụ huynh, học sinh và nhà trường, giáo viên.

Trước thực tế số lượng, quy mô học sinh, trường lớp ở nhiều vùng, miền, nhất là ở nông thôn, miền núi ngày càng giảm thì chủ trương, đề án giải thể và sáp nhập đã được các địa phương phê duyệt và triển khai thực hiện từ nhiều năm nay.

Với mục đích, quy hoạch lại hệ thống trường học, tinh giản biên chế, tiết kiệm nguồn lực, đầu tư tốt hơn cho cơ sở vật chất nhà trường nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục phổ thông là hoàn toàn xác đáng, không thể không làm. 

Quy hoạch lại mạng lưới trường lớp trên toàn quốc hiện cũng được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo. 

Bên cạnh những địa phương thực hiện tốt, được nhân dân, phụ huynh, học sinh và nhà trường đồng tình, ủng hộ thì vẫn còn một số nơi (đã minh chứng ở phần trên) làm chưa tốt.

Từ khâu chuẩn bị, lên kế hoạch đến khâu tuyên truyền, giải thích, động viên cho nhân dân, phụ huynh, học sinh và giáo viên bị ảnh hưởng thấu hiểu, yên tâm học tập và công tác.

Thậm chí có biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh hành chính, thiếu bàn bạc, tôn trọng ý kiến của người dân và giáo viên. 

Công tác chuẩn bị, quy hoạch và dân vận là hai mắt xích quan trọng nhất của việc giải thể và sáp nhập trường lớp. Nếu làm không đến nơi đến chốn thì đừng trách người dân, phụ huynh và nhà trường, giáo viên, tại sao lại bức xúc, “ nổi giận” như thế.  

Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà.

Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước.

Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử 

toasoan@giaoduc.net.vn

Ngoài ra, vui lòng cung cấp thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng.

Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước.

Trân trọng cảm ơn!

SÔNG TRÀ