Tại chức đã hết vai trò, có nên để tồn tại nữa không?

07/11/2016 08:54
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Trong ba giải pháp đề ra thì giải pháp chuẩn hóa chất lượng đầu vào và chuẩn hóa nội dung giảng dạy quan trọng hơn cả.

LTS: Tiếp sau bài viết "Tại chức - chính quy, ai hơn ai?" của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đề cập chất lượng xuống cấp của loại hình đào tạo tại chức, thầy giáo Trần Trí Dũng tiếp tục chỉ ra nguyên nhân, đề ra biện pháp cho loại hình đào tạo này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 26/10 có đăng bài viết: "Tại chức - chính quy, ai hơn ai?" của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc, ngay sau đó đã nhận được phản hồi bình luận của nhiều độc giả.

Điều đó cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi từ lâu loại hình đào tạo Đại học tại chức đã gây nhiều bức xúc trong dư luận, trong bài viết trên đề cập thực trạng và chất lượng của loại hình đào tạo này, vì thế bài viết này xin có thêm sự phân tích và đề xuất những giải pháp thích hợp.

Mô hình đào tạo tại chức đã có từ lâu trong lịch sử, từ những năm 70 của thế kỷ trước. Tiêu chí của loại hình đào tạo này là nhằm nâng cao trình độ, tăng cường chuyên môn cho các cán bộ đang làm việc tại các công sở, doanh nghiệp...

Với tiêu chí đó, loại hình này được xem là mô hình đào tạo vừa học vừa làm, do đó mô hình sẽ có tính ưu việt nhất định vì giúp người học tiếp cận, ứng dụng và liên hệ ngay với thực tiễn.

Vì thế có những người học theo loại hình này đã cho hiệu quả rất cao, tuy nhiên, càng về sau mô hình được mở rộng với tất cả những ai có nhu cầu học Đại học chứ không phải chỉ là những đối tượng "tại chức".

Liệu có thể tin tưởng vào chất lượng những tấm bằng tại chức? (Ảnh: vietnamnet.vn).
Liệu có thể tin tưởng vào chất lượng những tấm bằng tại chức? (Ảnh: vietnamnet.vn).

Và chất lượng của loại hình đào tạo này càng ngày càng không đáp ứng được thực tiễn.

Đâu là căn nguyên của thực trạng này?

Thứ nhất, vấn đề chất lượng đầu vào.

Theo đó, đối tượng đăng ký thi tuyển tại chức đa phần là những người đã thôi học từ lâu, kiến thức mới không được cập nhật thường xuyên nên tạo một lỗ hổng ngay từ đầu vào cho loại hình đào tạo này.

Bên cạnh đó là một số không nhỏ các đối tượng đầu vào là học sinh phổ thông thi không đỗ Đại học hệ chính quy nên chất lượng không cao.

Khâu thi tuyển thiếu sàng lọc, hầu như đã thi là đỗ.

Thứ hai, do loại hình này là vừa học vừa làm, hạn chế về mặt thời gian nên từ đó nảy sinh tình trạng học hộ và thi hộ một cách phổ biến.

Thứ ba, chương trình học rút ngắn về mặt thời gian, không sâu sát với chuyên môn công việc của người học nên có phần dẫn đến nhận thức lệch lạc, không phù hợp với thực tiễn.  

Thứ tư, có những tiêu cực trong quá trình giảng dạy và học tập.

Cụ thể, đến các kỳ thi học viên đóng rất nhiều tiền (thi bằng phong bì) đã diễn ra phổ biến gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục. 

Có lần khi tiếp cận thực tiễn, tôi có hỏi một học viên học theo loại hình này về tình hình học tập thì người này trả lời: "Ôi, học để xóa mù chữ ấy mà!".

Tại chức đã hết vai trò, có nên để tồn tại nữa không? ảnh 2

Vì sao cả danh tiếng, chất lượng đào tạo tại chức đều bị chê là kém?

Với câu trả lời ấy đã phần nào phản ánh tình hình học Đại học tại chức hiện nay, ở một góc độ nào đó có thể xem như đó là loại hình "xóa mù chữ" ở dạng cao cấp.

Và cũng chính từ thực trạng này mà không có gì là ngạc nhiên và cực đoan khi nghe một khẩu ngữ "Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức" được người ta âm thầm truyền miệng nhau.                

Vấn đề đặt ra ở đây là, nếu như mục tiêu phát triển giáo dục mà Đảng và Nhà nước đề ra là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài thì loại hình đào tạo tại chức là phù hợp với mục tiêu đó, nhưng quá trình thực hiện không tốt với những căn nguyên đã phân tích ở trên.

Vậy đâu là giải pháp cho loại hình đào tạo này?                                   

Ở đây tôi xin đề ra ba giải pháp cụ thể.

Một là đối với việc chuẩn hóa điều kiện nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào.

Theo đó, đối tượng được đăng ký dự thi loại hình này phải được tuyển chọn kĩ lưỡng, đó phải là những cá nhân có năng lực thực sự, có thiên hướng phấn đấu và khả năng phát triển nếu tiếp tục được qua đào tạo.

Khi đó, việc tuyển sinh ngoài kiến thức cơ bản chung còn cần có thêm yêu cầu sự hiểu biết về chuyên môn ngành học.   

Hai là chuẩn hóa nội dung giảng dạy.

Theo đó, nội dung giảng dạy phải đảm bảo bổ sung kiến thức chuyên môn, tăng cường khả năng thực tiễn cho người học. Đó phải là những kiến thức cập nhật gắn liền với công việc của người học, tránh sa đà vào những lý thuyết chung mà không ứng dụng cụ thể.

Đặc biệt, cần cung cấp cho người học khả năng phương pháp luận gắn với thực tiễn, phát huy tính sáng tạo từ những kinh nghiệm mà người học đã đúc kết trong quá trình làm việc.

Ba là, cần xóa bỏ cơ chế phân biệt đối với những người học theo loại hình này trong việc sắp xếp nhân sự, đề bạt cán bộ.

Bởi lẽ hiệu quả công việc trong lao động được đánh giá bằng khả năng thích ứng và đáp ứng công việc của một người chứ không phải là bằng cấp hay loại hình đào tạo mà người đó đã trải qua, có như thế mới động viên khích lệ và tạo tư tưởng tốt đối với người học.

Tại chức đã hết vai trò, có nên để tồn tại nữa không? ảnh 3

Gắn mác Tiến sĩ, Thạc sĩ để lấy oai với thiên hạ

Xã hội Việt Nam một thời gian dài chỉ chuộng bằng cấp, đây là một rào cản của đất nước khi hội nhập thế giới.

Mặt khác, nếu chuẩn hóa được chất lượng đào tạo thì việc học theo lại hình Đại học này cũng sẽ không thua kém gì các loại hình đào tạo khác.

Trong ba giải pháp trên thì giải pháp chuẩn hóa chất lượng đầu vào và chuẩn hóa nội dung giảng dạy chiếm vai trò quan trọng.

Khi đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ làm cho chất lượng của loại hình đào tạo này được nâng lên, cùng với đó là siết chặt kỷ luật học tập, thực hiện quy chế thi cử nghiêm túc, khách quan và minh bạch sẽ là những động lực thúc đẩy chất lượng đào tạo, để loại hình này thực sự có hiệu quả như tiêu chí ban đầu và đảm bảo được các mục tiêu cơ bản mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Trần Trí Dũng