Tai nạn trẻ em - đừng suy nghĩ… chậm hơn trẻ

11/04/2012 07:37
Theo PNO
Xét “trách nhiệm” người lớn, đa phần do bất cẩn, lắm khi do “ẩu”. Cái “ẩu” kinh điển là đựng thuốc trừ sâu trong chai nước ngọt.
Tai nạn trong sinh hoạt của trẻ em luôn là mối quan tâm lớn của mọi phụ huynh. Tiếc nuối, tự trách, thanh minh sau khi trẻ bị tai nạn đều vô ích. Hay nhất, nên xắn tay áo lên với các biện pháp phòng tránh từ sớm, có khi phải chi li kiểu bù loong con tán...
Tựu trung, tai nạn sinh hoạt của trẻ em thường xoay quanh: điện giật, ngạt nước, chấn thương, ngộ độc và nhiễm độc…

Xét “trách nhiệm” người lớn, đa phần do bất cẩn, lắm khi do “ẩu”. Cái “ẩu” kinh điển là đựng dầu hôi, thuốc trừ sâu trong chai nước ngọt, hộp sữa cũ và đặt tất cả trong tầm mắt, tầm tay trẻ…
Nhiều vị có con gặp nạn thường thanh minh “ai ngờ!”. Mẹ đang tắm con, có điện thoại gọi, đinh ninh chỉ vắng mặt chốc lát, ai ngờ quay lại, thấy con úp mặt vào chậu nước. Nhiều người chủ quan cho rằng chỉ vài giây, ít phút không đủ để trẻ nghĩ và thực hiện động tác nguy hiểm. Đừng quên, trong thời gian bị “kềm kẹp”, có thể trẻ đã âm thầm vạch sẵn trong đầu một kế hoạch nghịch phá và chỉ chờ cơ hội “giờ G” đến, lúc người lớn vừa rời đi là “a lê hấp”. Cậu bé từ lâu thèm được trèo lên lan can tầng ba ngắm phố, trong tích tắc bà mẹ bước xuống tầng dưới, cậu lập tức nhổm dậy …
Cả khi đã sắp đặt “ tận răng” các yếu tố an toàn trong nhà thì tai nạn vẫn có thể xảy ra nếu thiếu kiểm tra. Ông bố rất tâm đắc với thiết kế điện an toàn trong nhà, nhưng “ngủ quên trên chiến thắng” quá lâu, ông không biết một đoạn dây điện đã bị hở do gió thổi đẩy tấm tôn nghiến vào vỏ nhựa…

Một kiểu sơ sẩy khác là quên điều chỉnh các biện pháp phù hợp với trẻ. Trẻ con ngày nay lớn phổng rất nhanh, vài tháng trước còn vô phương với tới kệ bếp, nay đã có thể nhón gót thò tay bật bếp gas…
Nhiều phụ huynh cho rằng, con mình là con gái hoặc con trai “đặt đâu ngồi đó” nên chủ quan, lơ là trông chừng trẻ, mà quên rằng trẻ có thể bươu đầu sứt trán vì sự hiếu động của bạn chơi. Nhiều cậu bé toét máu đầu vì đá bóng với đứa hàng xóm chơi quá “rắn”.
Trẻ có thể học những hành động nguy hiểm từ sách truyện, phim ảnh. Một cậu bé tin mình có thể bay như siêu nhân sẽ không ngần ngại làm việc đó từ trên bàn ăn. Những trẻ dễ bị kích động cũng dễ chuốc họa vào thân. Một cậu bé nóng mặt vì bị “chiến hữu” thách thức có thể liều mình như chẳng có, trèo lên cây trứng cá trước nhà …
Còn có một loại tai nạn khác mà nhiều phụ huynh không để ý: trẻ tự gây tổn thương vì… tò mò cơ thể. Cô bé tò mò chọc ngón tay vào “cửa mình” xem nước tiểu từ đâu ra. Cậu bé ham hiểu biết xé toạc bao quy đầu để nhìn rõ đầu “trái ớt”…
Đồ chơi luôn là “mảnh đất màu mỡ” với tai nạn trẻ em. Nhiều phụ huynh cảnh giác loại đồ chơi sắc nhọn, chi tiết nhỏ, nhưng hay bị qua mặt với loại đồ chơi “biến hình”. Đơn cử, nhóm đồ chơi “transformers” ăn khách với trẻ con, khi biến hình xong, trông lành hiền, nhưng khi trẻ tháo ra từng bộ phận lại thòi ra chi tiết sắc nhọn hoặc ốc vít bong tróc.
Tất nhiên, một lúc khó điểm mặt hết thủ phạm gây tai nạn cho trẻ. Trừ những phụ huynh quá “vô tâm”, đa phần lỗi do người lớn bất cẩn. Không ai học được chữ ngờ, nhưng ai cũng có thể trang bị cho mình cách không bị… bất ngờ trước chữ ngờ. Việc này có lẽ nên bắt đầu bằng cách nghĩ: “trẻ không an toàn trong chính ngôi nhà của bạn”, “trẻ vẫn có thể mắc nạn ngay trong hoạt động mà trẻ có thế mạnh như chạy nhảy, leo trèo, lớn xác, khôn ngoan”. Đừng suy nghĩ... “thấp tầm” hơn trẻ,  rằng trẻ không thể thực hiện được việc này, không dám làm việc kia. Trẻ con ngày nay sống trong không gian nhiều tiện nghi mới, vì vậy, tai nạn sinh hoạt cũng “tiến hóa” theo. Nếu phụ huynh không bám sát thực tiễn, kém cập nhật tình hình, thì có khi trở tay không kịp.
Theo PNO