Tại sao “bầu Kiên” bị khởi tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"?

22/08/2013 07:21
Phong Vũ
(GDVN) - Sau khi nhận được số tiền 264 tỷ đồng từ Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh ký ủy nhiệm chi, chứng từ dùng số tiền này để chi trả cho các khoản nợ và sử dụng riêng. Trong khi đó, Kiên không bàn giao được số 20 triệu cổ phiếu cho đối tác như nội dung hợp đồng đã ký.
Như đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất điều tra, ra quyết định khởi tố Nguyễn Đức Kiên về 4 tội danh, trong đó có tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vậy tại sao “Bầu Kiên” lại bị khởi tố về tội danh này?

Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, vào ngày 5/11/2012, đơn vị này nhận được đơn của Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát với nội dung: Ngày 21/5/2012, Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát (có 100% vốn của Tập đoàn Hòa Phát) do ông Kiều Chí Công là Giám đốc đại diện đã ký hợp đồng số 01.05/HĐCN/CPTHP với Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội.

Hợp đồng này có nội dung Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát mua lại 20 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (Công ty ACB Hà Nội) tại Công ty CP Thép Hòa Phát với giá 264 tỷ đồng.

Sau khi ký hợp đồng, Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát đã trích số tiền từ nguồn vốn tự có từ doanh thu hàng tháng của Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát chuyển cho Công ty ACB Hà Nội tại Ngân hàng ACB làm 3 đợt. Đợt 1, ngày 19/6/2012 với số tiền là 100 tỷ đồng. Đợt 2, ngày 26/6/2012 số tiền là 95 tỷ đồng. Đợt 3, ngày 27/6/2012, số tiền là 69 tỷ đồng.

Việc thanh toán 264 tỷ đồng này được thực hiện đầy đủ sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay (ngày 5/11/2012), Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát vẫn chưa nắm quyền sở hữu số cổ phần nói trên và được Công ty TNHH Chứng khoán ACB thông báo 20 triệu cổ phần này đang là tài sản đảm bảo, thế chấp tại Ngân hàng ACB và Công ty TNHH Chứng khoán ACB cho khoản vay 800 tỷ đồng trái phiếu do Công ty ACB Hà Nội phát hành.

Cơ quan CSĐT kết luận hành vi của Nguyễn Đức Kiên đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò là người chủ mưu.
Cơ quan CSĐT kết luận hành vi của Nguyễn Đức Kiên đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò là người chủ mưu.

Sau khi vào cuộc điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định được, vào ngày 11/5/2012, Nguyễn Đức Kiên với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty ACBI đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh đại diện cho Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội ký hợp đồng thế chấp 22,497 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát vào Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng.

Đầu tháng 4/2012, thông qua ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT và ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Nguyễn Đức Kiên biết được Tập đoàn Hòa Phát có chủ trương tăng sở hữu của Tập đoàn này tại một số công ty thành viên, trong đó có Công ty CP Thép Hòa Phát mà Công ty ACBI do Kiên làm Chủ tịch HĐQT đang sở hữu 22.497.000 cổ phần.

Theo đề nghị của ông Trần Đình Long và ông Trần Tuấn Dương, Kiên đã đồng ý bán lại 20 triệu cổ phiếu Công ty CP Thép Hòa phát với giá 13.200 đồng/cổ phiếu, tương đương với tổng số tiền là 264 tỷ đồng.  

Ngày 5/5/2012, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến (Kế toán trưởng Công ty ACBI) soạn thảo văn bản số 050512/CV để Trần Ngọc Thanh ký gửi Ngân hàng ACB và Công ty TNHH Chứng khoán ACB (Công ty ACBS) đề nghị xem xét cho giải tỏa 20 triệu cổ phiếu trong tổng số 22,497 cổ phiếu Công ty CP Thép Hòa Phát đang thế chấp tại Ngân hàng ACB cho khoản trái phiếu 800 tỷ đồng mà Công ty ACBI phát hành và bổ sung bằng 7.413.606 cổ phiếu Ngân hàng Eximbank, tương đương mệnh giá 74.136.060.000 đồng.  

Sau khi nhận được văn bản số 050512/CV của Công ty ACBI, Công ty ACBS đã có văn bản số 79.2/CV-ACBS.12 ngày 10/5/2012 gửi Ngân hàng ACB để xem xét. Sau đó, trong các ngày 14 và 23/5/2012, đại diện Công ty ACBS đã trả lời cho Công ty ACBI Hà Nội thông qua Nguyễn Thị Hải Yến bằng thư điện tử với nội dung giá trị đảm bảo tài sản còn thiếu sau khi Công ty ACBI rút 20 triệu cổ phiếu Công ty CP Thép Hòa Phát và bổ sung 7.413.606 cổ phiếu Ngân hàng Eximbank, đề nghị Công ty ACBI có phương án, kế hoạch bổ sung tài sản bảo đảm còn thiếu để có hướng xử lý. Sau khi nhận được phản hồi của Công ty ACBS, Nguyễn Thị Hải Yến đã báo lại cho Nguyễn Đức Kiên, nhưng Kiên không có ý kiến chỉ đạo hay hướng giải quyết.

Đến ngày 12/9/2012, lãnh đạo Ngân hàng ACB và các thành viên ban tín dụng Ngân hàng ACB đã họp bàn, kết luận không đồng ý giải chấp theo đề nghị của Công ty ACBI, đồng thời khẳng định 29.996.000 cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát (trong đó có 22.497.000 cổ phần thế chấp cho trái phiếu và 7.499.000 cổ phiếu thế chấp cho khoản vay) vẫn đang thế chấp tại Ngân hàng ACB và Ngân hàng ACB chưa có bất cứ văn bản nào đồng ý giải chấp số cổ phiếu này.

Mặc dù chưa được Ngân hàng ACB và Công ty ACBS chấp thuận giải tỏa 20 triệu cổ phiếu trong tổng số 22,497 triệu cổ phiếu Công ty CP Thép Hòa Phát, nhưng ngày 15/5/2012, dù không tổ chức họp HĐQT Công ty ACBI, Nguyễn Đức Kiên lại chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến soạn thảo Quyết định của HĐQT để Kiên ký và Biên bản họp HĐQT để Kiên cùng Thanh, Yến và ông Huỳnh Vân Sơn – thành viên HĐQT ký thể hiện chủ trương, thống nhất của các thành viên trong HĐQT đồng ý để chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu Công ty CP Thép Hòa Phát.

Sau đó, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến chuyển Quyết định và Biên bản họp HĐQT cho phía Tập đoàn Hòa Phát và nhận bản dự thảo Hợp đồng từ Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát. Kiên đã kiểm tra nội dung và đồng ý rồi ký nháy vào hợp đồng, sau đó giao lại cho Trần Ngọc Thanh ký, đóng dấu để thực hiện.

Ngày 21/5/2012, Trần Ngọc Thanh ký hợp đồng số 01.05/HĐCN/CPTHP với Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát do ông Kiều Chí Công - Giám đốc đại diện và ông Trần Tuấn Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Hòa Phát về việc Công ty ACBI Hà Nội bán lại 20 triệu cổ phần trong tổng số 22,497 triệu cổ phần Công ty Thép Hòa Phát, tương ứng với số tiền 264 tỷ đồng cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát.

Tại Điều 1, Khoản 5 của hợp đồng này, Công ty ACBI Hà Nội cam kết: “Đảm bảo số cổ phần và quyền tiếp tục góp vốn, các quyền và lợi ích khác có liên quan được chuyển nhượng, chuyển giao cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát đầy đủ theo Hợp đồng này thuộc sở hữu hợp pháp của Công ty ACBI, chưa chuyển nhượng và không có tranh chấp hoặc thực hiện bất kỳ nghĩa vụ đảm bảo với bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào.”

Sau khi ký hợp đồng, Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát đã chuyển 264 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty ACBI tại Ngân hàng ACB làm 3 đợt với thời gian và số tiền giống như nội dung mà Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát đã trình bày trong đơn gửi Cơ quan CSĐT.

Sau khi nhận được số tiền 264 tỷ đồng nói trên, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh ký ủy nhiệm chi, chứng từ dùng số tiền này để chi trả cho các khoản nợ và sử dụng riêng như: Trả lãi trái phiếu cho Ngân hàng ACB; Góp vốn vào Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và Đầu tư Liên Á Châu; Trã lãi vay phát sinh trong giao dịch vàng trạng thái cho Ngân hàng ACB. Đặc biệt, Nguyễn Đức Kiên đã trực tiếp lấy 72,5 tỷ đồng tiền mặt để sử dụng riêng. Ông “bầu” này còn chỉ đạo chuyển 53,4 tỷ đồng sang tiền gửi kỳ hạn tại Ngân hàng ACB.

Đến khi “Bầu Kiên” bị Cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội Kinh Doanh trái phép vào ngày 20/8/2012, Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát vẫn chưa nhận được 20 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát như hợp đồng đã ký với Công ty ACBI.

Như vậy, căn cứ vào tài liệu chứng cứ đã thu thập được, Cơ quan CSĐT có đủ cơ sở xác định Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch HĐQT Công ty ACBI đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh Giám đốc Công ty ACBI ký hợp đồng thế chấp 22,497 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát vào ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc Công ty ACB phát hành trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng tại Ngân hàng ACB.

Mặc dù chưa được sự đồng ý giải chấp của Ngân hàng ACB và Công ty ACBS nhưng Nguyễn Đức Kiên lại chỉ đạo Trần Ngọc Thanh (Giám đốc) và Nguyễn Thì Hải Yến (Kế toán trưởng) lập khống biên bản họp HĐQT, lập khống quyết định của HĐQT và chỉnh sửa sai lệch thông tin về thời gian trên các văn bản của HĐQT thể hiện chủ trương Công ty ACBI bán 20 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát cung cấp cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát, làm cho công ty này tin tưởng là Công ty ACBI đang quản lý và sở hữu 20 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát, chưa chuyển nhượng và không có tranh chấp hoặc thực hiện bất kỳ nghĩa vụ đảm bảo với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Vì vậy, ngày 21/5/2012, ông Kiều Chí Công (Giám đốc) đã đại diện Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát ký hợp đồng mua 20 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát do Công ty ABCI sở hữu, ký chuyển đủ 264 tỷ đồng cho Công ty ACBI.

Lợi dụng việc làm đó, Nguyễn Đức Kiên đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền 264 tỷ đồng của Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát. Hành vi của Nguyễn Đức Kiên, Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến đã đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được quy định tại Điều 139 Bộ Luật Hình sự. Trong đó Kiên là chủ mưu, Thanh và Yến là đồng phạm giúp sức cho Kiên chiếm đoạt 264 tỷ đồng.

Còn nữa...

Phong Vũ