Tại sao quốc tế cấm vận, Mỹ-Trung-Nga cùng ép không khuất phục nổi Triều Tiên?

27/12/2017 09:15
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Mọi nỗ lực đều không đem lại kết quả, bởi Triều Tiên vẫn cho thấy sức chịu đựng dẻo dai để tiếp tục đạt được những bước tiến vượt bậc trong chương trình...

Những đột phá trong chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân

Vài năm trước đây, kho vũ khí của Triều Tiên từng bị xem là không đủ khả năng đe dọa lục địa Hoa Kỳ.

Thế nhưng năm 2017 Bình Nhưỡng đã cho cộng đồng quốc tế thấy một góc nhìn hoàn toàn khác về năng lực tên lửa và hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á này.

Sự chuyển hướng góc nhìn này không phải ở sự gia tăng đột biến số vụ thử nghiệm tên lửa hoặc hạt nhân của Triều Tiên và cũng không phải sự thay đổi trong lập trường của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Mà sự thay đổi đó đến từ việc thế giới đã phải thừa nhận Triều Tiên đang tiệm cận đến khả năng hoàn thiện chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của họ.

Thực tế trong năm 2017, Triều Tiên chỉ tiến hành thử nghiệm khoảng 20 vụ tên lửa, trong đó có 7 vụ tên lửa đạn đạo và duy nhất một lần thử vũ khí hạt nhân.

So với năm 2016, thì số vụ thử tên lửa năm 2017 là tương đương, trong khi số vụ thử hạt nhân ít hơn một vụ.

Một cuộc diễu hành của lực lượng tên lửa Triều Tiên qua Quảng Trường Kim Nhật Thành (Ảnh: KCNA)
Một cuộc diễu hành của lực lượng tên lửa Triều Tiên qua Quảng Trường Kim Nhật Thành (Ảnh: KCNA)

Tuy nhiên, các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc ở cả tầm bay cao và bay xa, trong khi quả bom hạt nhân duy nhất mà nước này thử nghiệm hôm 3/9 lại có sức công phá mạnh khủng khiếp.

Ngoài ra, trong năm 2017, Triều Tiên còn cho ra mắt đến 6 hệ thống tên lửa mới - một con số gây sốc.

Bởi cha ông Triều Tiên Kim Jong-un, cố Chủ tịch Kim Jong-il trong cả sự nghiệp của mình mới giới thiệu được 2 hệ thống tên lửa mới, con số này dưới thời ông Kim Nhật Thành là 3 hệ thống.

Nói về những tiến bộ đạt được của hệ thống tên lửa Triều Tiên, nếu thống kê theo tính toán của các chuyên gia, có thể thấy năng lực tên lửa của nước này phát triển nhanh chóng mặt.

Chỉ đơn cử về hai vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa gần nhất đã thấy được khoảng cách rõ rệt về tiến bộ công nghệ giữa lần thử trước và lần thử sau.

Vụ thử tên lửa Hwasong-14 mà Triều Tiên tiến hành hồi giữa tháng 9 bay qua lãnh thổ Nhật Bản trước khi rơi xuống Thái Bình Dương, có độ cao 770 km và bay xa khoảng 3.700 km;

Vụ thử tên lửa Hwasong-15 hôm 28/11 có độ bay cao lên tới 4.500 km và bay được 1.000 km trong khoảng 50 phút trước khi rơi xuống biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. [1], [2]

Nhà vật lý học David Wright, Giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu của Liên hiệp các nhà khoa học Hoa Kỳ, đánh giá:

Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên nếu bay theo quỹ đạo tiêu chuẩn có thể đạt tầm bắn lên tới trên 13.000 km và thừa khả năng bay tới bất cứ địa điểm nào trên lục địa Hoa Kỳ.

Những con số thống kê này cho thấy, Triều Tiên đã từng bước tạo ra những đột phá quan trọng trong chương trình phát triển tên lửa của nước này.

Bên cạnh đó, vụ thử hạt nhân duy nhất trong năm 2017 cũng cho thấy Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ vũ khí hạt nhân mà nước này theo đuổi.

Nếu như năm 2006, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên có sức công phá chỉ tương đương với một vụ nổ của 2 kiloton TNT, thì lần thử nghiệm sau đó vào năm 2009 đã đạt mức 8 kiloton và vụ thử vào tháng 9/2016 đã lên đến 20 kiloton. [3]

Tên lửa Hawsong-15 của Triều Tiên (Ảnh: AP)
Tên lửa Hawsong-15 của Triều Tiên (Ảnh: AP)

Thế nhưng, vụ thử hạt nhân vào ngày 3/9 năm nay đã khiến cả thế giới bị “sốc”.

Bởi sức công phá của quả bom hạt nhân này lên tới 250 kiloton, gấp 13 lần vụ thử năm 2016 và gấp 17 lần so với quả bom nguyên tử mà Hoa Kỳ đã từng thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945. [4]

Hiện vẫn chưa rõ Triều Tiên đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân để gắn trên tên lửa mới nhất của nước này hay chưa.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, Bình Nhưỡng sẽ sớm thành công và sẽ tiếp tục tiến xa hơn trong chương trình phát triển vũ khí của nước này.

Để có được những bước tiến vượt bậc về công nghệ tên lửa và hạt nhân, Triều Tiên đã dành cho các nhà khoa học một sự tôn trọng và quan tâm đặc biệt.

Đồng thời cũng luôn biết cách gây áp lực cực lớn đối với đội ngũ này nhằm tạo ra những kết quả ngày càng tốt hơn và nhanh hơn.

Các nhà khoa học của Triều Triên đã biết cách kế thừa và phát triển các công nghệ chế tạo tên lửa và hạt nhân mà nước này tiếp nhận được từ thời Liên Xô.

Đồng thời Bình Nhưỡng cũng như mua lại các công nghệ từ Trung Quốc, Iran, Pakistan và một số nước khác, mà chủ yếu thông qua giao dịch chợ đen, để chế tạo ra những tính năng ưu việt và ngày càng tinh vi hơn.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một đơn vị quân đội nước này (Ảnh: AP)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một đơn vị quân đội nước này (Ảnh: AP)

Biết cách vượt qua mọi áp lực của lệnh trừng phạt

Trước sự phát triển nhanh chóng về tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, trong suốt hơn 20 năm qua, cộng đồng quốc tế, mà đặc biệt là Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt về kinh tế và cô lập về chính trị nhằm ngăn chặn tham vọng của Bình Nhưỡng.

Tính riêng trong năm 2017, Liên Hợp Quốc đã đưa ra hai lệnh trừng phạt nặng nề đối với Triều Tiên, sau các vụ thử hạt nhân lần sáu và tên lửa đạn đạo Hwasong-15.

Thế nhưng, xem ra mọi nỗ lực đều không đem lại kết quả, bởi Triều Tiên vẫn cho thấy sức chịu đựng dẻo dai để tiếp tục đạt được những bước tiến vượt bậc trong chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của họ.

Lý do là bởi Triều Tiên luôn biết cách vượt qua mọi thách thức của lệnh trừng phạt mà Liên Hợp Quốc áp đặt đối với nước này.

Đầu tiên, phải kể đến việc Triều Tiên biết cách tự bù đắp sự thiếu hụt năng lượng do lệnh cấm vận tạo ra.

Hiện nay, mặc dù vẫn phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ viện trợ, chủ yếu là từ Trung Quốc, chảy theo đường ống dẫn qua sông Áp Lục, nhưng không vì thế mà Bình Nhưỡng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn năng lượng từ bên ngoài.

Theo một báo cáo từ hãng tin GeoExPro - một tạp chí địa chất về dầu mỏ, thì Triều Tiên có tiềm năng thăm dò dầu khí “tuyệt vời” cả ở trên bờ và ngoài khơi với trữ lượng ước tính vào khoảng từ 60 - 90 tỷ thùng - một con số khổng lồ.

Thực tế, từ năm 1998, công ty SOCO International PLC của Anh đã khoan một giếng dầu sâu 4.300 mét tại một trong những mỏ dầu tiềm năng của Triều Tiên.

Ngoài ra, các công ty khác của Anh, Mông Cổ cũng đã thăm dò và phát hiện ra trữ lượng dầu rất lớn ở các khu vực khác của Triều Tiên.

Điều đáng chú ý là, Triều Tiên chỉ để các công ty nước ngoài hỗ trợ thăm dò dầu khí, còn khi xác định được khả năng có giếng dầu thì Bình Nhưỡng sẽ tự khai thác.

Công nhân dầu khí Triều Tiên đang tiến hành các hoạt động dò tìm và khai thác (Ảnh: Getty)
Công nhân dầu khí Triều Tiên đang tiến hành các hoạt động dò tìm và khai thác (Ảnh: Getty)

Theo Cục Quản lý Thông tin Năng lượng (EIA), hiện tại Triều Tiên nắm trong tay các thiết bị khoan tiêu chuẩn của Liên Xô cũ và tự chế tạo mới dựa trên công nghệ có sẵn để khai thác dầu, với sản lượng tinh chế khoảng 64.000 thùng dầu mỗi ngày, đủ để đáp ứng cho nhu cầu trong nước.

Do đó, lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, với việc áp đặt hạn ngạch nhập khẩu dầu mỏ đối với Triều Tiên cũng khó làm cho nước này từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân như Hoa Kỳ mong đợi. [5]

Thứ hai, Triều Tiên vẫn biết cách tạo ra các đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù Triều Tiên thuộc nước nghèo, nhưng trong năm 2016 GDP vẫn tăng 3,9%.

Đây là mức tăng trưởng GDP cao nhất trong 17 năm qua của nước này. Năm 2017 nền kinh tế Triều Tiên vẫn tiếp đà tăng trưởng như vậy. [6]

Nếu tính theo GDP bình quân đầu người, thì Triều Tiên hiện đang ngang bằng với Rwanda - một nền kinh tế kiểu mẫu ở châu Phi.

Sự tăng trưởng này đến từ việc Triều Tiên đã nỗ lực trong thực hiện cải cách kinh tế từ năm 2011, khi cho phép các doanh nghiệp tự chủ hơn trong sản xuất kinh doanh và chuyển đổi cách quản lý nông nghiệp từ mô hình hợp tác xã sang quản lý theo hộ gia đình.

Nhờ đó mà sản lượng của cả công nghiệp và nông nghiệp của nước này đã được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh đó, Triều Tiên còn biết cách sử dụng các đòn bẩy kinh tế từ Trung Quốc và Nga.

Hiện tại cả Trung Quốc và Nga đều đồng ý với các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, nhưng hai nước này chưa khi nào cắt đứt được hoàn toàn giao thương với Bình Nhưỡng.

Lý do là bởi Triều Tiên luôn được coi như “phiên dậu” đối với an ninh của Trung Quốc, trong khi Nga đang muốn thiết lập thêm đồng minh nhằm gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và còn những lợi ích kinh tế khác đang tạo dựng ở Triều Tiên.

Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể mang đầu đạn hạt nhân (Ảnh: AP)
Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể mang đầu đạn hạt nhân (Ảnh: AP)

Thứ ba, Triều Tiên biết cách khai thác thị trường xây dựng hạ tầng cơ sở và buôn bán vũ khí ở châu Phi để thu ngoại tệ.

Trong nhiều năm qua, Triều Tiên đã coi các quốc gia châu Phi là nguồn cung cấp tiền quan trọng cho chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân, bằng cách đấu thầu xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở và bán vũ khí cho các nước ở khu vực này.

Kể từ năm 1960, Triều Tiên đã hỗ trợ cả về tài chính, vũ khí và huấn luyện quân sự cho nhiều quốc gia châu Phi trong cuộc chiến chống lại thực dân châu Âu.

Bởi vậy từ quan hệ chính trị khăng khít này đã nhanh chóng chuyển thành mối quan hệ kinh tế bền chặt.

Theo báo cáo cáo của hãng tin CNN, hiện Triều Tiên đang có quan hệ kinh tế với ít nhất 14 quốc gia châu Phi, trong đó Nam Phi được coi là nơi giữ vị trí trung chuyển cho các giao dịch. [7]

Ngoài hợp tác kinh tế, Triều Tiên cũng đã thúc đẩy các hoạt động hợp tác quân sự với khoảng 11 nước châu Phi, bao gồm:

Tanzania, Uganda, Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Eritrea, Mozambique, Namibia, Benin, Botswana, Mali và Zimbabwe.

Trong đó, chủ yếu là các hoạt động buôn bán vũ khí từ Triều Tiên sang các quốc gia châu Phi thông qua các công ty tư nhân, và giúp đỡ huấn luyện quân sự cho các quốc gia này. [8]

Tại sao quốc tế cấm vận, Mỹ-Trung-Nga cùng ép không khuất phục nổi Triều Tiên? ảnh 6

Những toan tính của Mỹ đằng sau cuộc khủng hoảng Triều Tiên

Do đó, các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên tuy đã tạo ra sức ép với các quốc gia châu Phi trong việc giải quyết mối quan hệ kinh tế, chính trị, quân sự với Triều Tiên, nhưng cũng không thể kiềm chế và ngăn chặn được sự hợp tác giữa các nước này với Bình Nhưỡng.

Đây cũng là bài toán nan giải mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn chưa tìm ra được cách nào giải quyết triệt để.

Điều này cũng cho thấy chỉ dấu về một dự báo đối với lệnh cấm vận mới mà Liên Hợp Quốc vừa áp đặt với Triều Tiên hôm 22/12 cũng sẽ khó mang lại kết quả như mong muốn.

Không có triển vọng nào khả dĩ hơn

Lệnh trừng phạt mới sẽ cấm gần 90% sản lượng xăng dầu xuất khẩu sang Triều Tiên khi đặt ra mức trần đối với dầu tinh chế là 500.000 thùng một năm và dầu thô chỉ còn 4 triệu thùng một năm.

Đồng thời các quyết định đình chỉ lao động của Triều Tiên ở nước ngoài trong vòng 24 tháng tới, được xem là có thể ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của Triều Tiên. [9]

Tuy nhiên, cũng khó mà có thể ngăn chặn được chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, bởi Bình Nhưỡng luôn coi chương trình này là “vấn đề sống còn” của đất nước.

Mặt khác, với những tiến bộ vượt bậc về công nghệ tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên trong năm 2017, cùng khả năng “miễn nhiễm” với mọi lệnh trừng phạt, giới chuyên gia đã đưa ra cảnh báo rằng:

Nếu Triều Tiên vẫn giữ được tốc độ phát triển này, thì nhiều khả năng trong năm 2018 Bình Nhưỡng sẽ phóng thử được tên lửa đạn đạo có gắn đầu đạn hạt nhân trên biển Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Triều Tiên còn cho thấy thái độ cứng rắn của nước này, khi gọi lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc là “hành động chiến tranh” và coi chiến lược an ninh quốc gia mới của Hoa Kỳ là “tài liệu tội ác”.

Đồng thời, tờ nhật báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, hôm 19/12, tiếp tục khẳng định lập trường của nước này sẽ “không bao giờ chấp nhận đối thoại về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân” chừng nào Hoa Kỳ chưa từ bỏ chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng.

Tóm lại, cuộc khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên trong năm qua là một trong những điểm nóng nhất trên thế giới.

Bất chấp mọi lệnh trừng phạt và sự răn đe, Bình Nhưỡng đã khẳng định được sự phát triển vượt bậc của chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân, đồng thời cũng cho thấy lập trường cứng rắn của họ, nếu Hoa Kỳ không thay đổi cách tiếp cận để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://edition.cnn.com/2017/09/14/asia/north-korea-missile-launch/index.html

[2] https://www.theguardian.com/world/2017/nov/28/north-korea-has-fired-ballistic-missile-say-reports-in-south-korea

[3] http://www.bbc.com/news/world-asia-37314927

[4] http://edition.cnn.com/2017/09/03/asia/north-korea-nuclear-test/index.html

[5] https://www.maritime-executive.com/article/north-korea-has-excellent-oil-and-gas-potential

[6] https://www.reuters.com/article/uk-northkorea-economy-gdp/north-korea-2016-economic-growth-at-17-year-high-despite-sanctions-south-korea-idUKKBN1A6083

[7] http://edition.cnn.com/2017/10/22/africa/north-korea-africa/index.html

[8] https://qz.com/1076850/north-koreas-military-ties-to-11-african-countries-are-being-probed-by-the-un

[9] http://edition.cnn.com/2017/12/22/politics/un-us-north-korea-resolution/ index.html

PHẠM DOÃN TÌNH