"Tâm thư" gửi chủ tịch tập đoàn TH: Đâu là sự thật?

29/04/2014 17:31
Hùng Anh
(GDVN) - Những ngày vừa qua, cư dân mạng xã hội xôn xao về “Bức tâm thư gửi chủ tịch tập đoàn TH MILK” của một giáo viên trên trang facebook cá nhân “Hoàng Trâm”.

Một số trang báo điện tử sau đó đã đăng tải lại bức thư này. Sau khi đăng tải, có nhiều ý kiến “đồng cảm” với tác giả bài viết, một số thể hiện sự bức xúc và chỉ trích phía công ty TH ra mặt. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến mang tính góp ý vì những “tiểu tiết” của vấn đề so với những gì mà công ty này đạt được. Trước các luồng dư luận, phóng viên đã có cuộc điều tra tìm hiểu thực hư vấn đề này.

Bức tâm thư “có tâm”?    

“Bức tâm thư gửi cho chủ tịch tập đoàn TH MILK” được đăng tải trên trang facebook cá nhân “Hoàng Trâm” kí tên bài viết “Hoàng Thị Trâm” vào ngày 21/4 vừa qua được cộng đồng mạng chia sẻ bình luận với nhiều ý kiến trái chiều.  

Trong bức thư, tác giả Hoàng Thị Trâm thể hiện bức xức và kêu gọi cộng đồng mạng xã hội tiếp thêm “sức mạnh” cho mình. Trong bài Hoàng Trâm  có  nói “chị gái hằng đêm phải trốn hai đứa con nhỏ lúc 2 giờ sáng để đi làm kịp ca đặc biệt là những ngày đông giá rét mà lương cơ bản hàng tháng vẫn chỉ 2 triệu đồng”. Và, tình trạng ô nhiễm, hôi thối, đêm đến phải đeo khẩu trang đi ngủ, phải thả màn để ăn cơm vì ruồi nhặng… 

“Bức tâm thư đăng tải trên trang facebook cá nhân nhân Hoàng Trâm.
“Bức tâm thư đăng tải trên trang facebook cá nhân nhân Hoàng Trâm.

Không dừng lại ở đó, tác giả Hoàng Trâm còn tiếp tục sưu tầm và chia sẻ lên trang facebook cá nhân những bài viết  mang tính tiêu cực ở một số trang mạng điện tử viết về công ty TH cho các bạn bè nhằm mục đích kêu gọi sự ủng hộ việc làm của mình. Sau khi đăng tải, bài viết đã nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ, lượt like và comment. Một số ý kiến thể hiện sự bức xúc và chỉ trích ra mặt về những hậu quả công ty TH gây ra như trong bài viết của tác giả Hoàng Trâm.

Tuy nhiên, một số ý kiến trái chiều khác đã tỏ ra đồng cảm với doanh nghiệp và góp ý cần có những biện pháp sớm khắc phục những hậu quả  nếu như có trong  bài viết nêu. Đồng thời, những ý kiến này còn ghi nhận những thành quả mà công ty TH làm được.   

Trước những ý kiến trái chiều, phóng viên đã có cuộc điều tra nhằm làm rõ thực hư. Theo tìm hiểu, hiện chị ruột của tác giả Hoàng Trâm là chị Hoàng Thị Hồng, hiện làm công nhân vắt sữa tại Trang trại số 2 từ ngày 21/07/2011 đến nay.

Theo số liệu bảng lương từ công ty TH cung cấp, chị gái Hoàng Trâm có mức lương cao hơn nhiều trong bài viết mà tác giả nói. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm nay, chị Hồng được công ty TH chi trả trung bình mỗi tháng  khoảng gần 4  triệu đồng. Không chỉ có chị gái, anh rể của Trâm là Huỳnh Trọng Thanh, công nhân lái máy tại Trung tâm Thức ăn của trang trại TH cũng nhận mức lương khác cao. Chỉ tính 3 tháng đầu năm 2014, anh Thanh nhận được khoảng 4,9 triệu đồng/tháng.

Bảng lương của chị gái và anh rể Hoàng Trâm do công ty TH chi trả.
Bảng lương của chị gái và anh rể Hoàng Trâm do công ty TH chi trả.

Được biết, Hoàng Thị Trâm hiện là giáo viên dạy hợp đồng tại trường THPT 1/5 Nghĩa Đàn, con ông bà V - T trú tại ở Xóm Đông Lâm, Xã Nghĩa Lâm, là một trong 7 xóm thuộc diện di dời ra khu tái định cư. Khi đang còn học Đại học, Hoàng Thị Trâm đã được công ty CPTP Sữa TH trao học bổng năm học 2011-2012 với số tiền 6 triệu đồng. Hiện nay công ty đang hoàn thành thủ tục cấp học bổng đợt 2 năm học 2012-2013 cho Hoàng Thị Trâm với số tiền 6 triệu đồng.   

Công ty TH sẽ khởi kiện tác giả bài viết

Ông Lê Khắc Cương - Phó tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm sữa TH chia sẻ: Chúng tôi hoàn toàn đồng cảm, chia sẻ với những sự mất mát của gia đình cô Trâm cũng như bà con trong thôn xóm theo bài viết. Tuy nhiên về các nội dung nêu lên trong bài viết cho thấy cô Trâm đã suy diễn mang tính chủ quan và quy chụp thiếu căn cứ bởi: Xóm Đông Lâm là một trong 7 xóm thuộc diện phải di dời đến khu tái định cư trong thời gian tới; Việc sử dụng xe vận chuyển của trang trại hiện nay được thực hiện theo quy định của công ty về An toàn giao thông tại vùng Dự án như: Chạy đúng tốc độ, có thùng, có bạt che chắn và tẹc chuyên dùng nên không thể xảy ra những sự việc như cô Trâm nêu.  

Về vấn đề treo khẩu trang đi ngủ, ông Cương cho biết: Trong suốt quá trình thực hiện dự án có 3 ngày do tràn sữa tại khu vực Trang trại số 3 đã gây nên mùi hôi khó chịu nhưng không đến mức phải đeo khẩu trang đi ngủ như cô Trâm phản ánh.    

“Ngày 24/4, công ty chúng tôi đã có công văn số 067/2014/CV/THMF gửi cho UBND huyện Nghĩa Đàn và Công an huyện Nghĩa Đàn trình báo về vụ việc và đề nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật của cô giáo Hoàng Thị Trâm vì đã có những cáo buộc không tốt ảnh hưởng đến  uy tín của công ty. Cụ thể, trong bức thư, tác giả đã phản ánh không đúng sự thật, bịa đặt phi lý,  thậm chí có những chi tiết mang tính vu khống . Những nhận định và thông tin đưa ra của chị Trâm hoàn toàn không có căn cứ gây tổn hại đến  thương hiệu của công ty CPTP Sữa TH. Dự án chăn nuôi bò sữa tại Nghĩa Đàn của tập đoàn TH mới chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010 (đến nay gần 4 năm), là dự án nông nghiệp không sử dụng bất cứ hóa chất nào có tính chất độc hại cho nên không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con người” ông Cương cho biết.

Được biết, phía công ty TH cũng đã có buổi làm việc với cô giáo Hoàng Thị Trâm nhưng không nhận được sự hợp tác từ cô này. Thậm chí, sau khi đăng tải bức thư trên, cô Hoàng Thị Trâm còn tiếp tục sưu tầm một số bài viết đăng trên mạng internet nói về công ty TH thiếu tinh thần xây dựng.   

Chúng tôi đã trình báo sự việc lên cơ quan điều tra nhằm có biện pháp ngăn chặn những hành vi của cô Trâm đồng thời chúng tôi sẽ khởi kiện tác giả bài viết trước những vu khống bịa đặt gây ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín của công ty, ông Cương khẳng định.

Qua thị sát của phóng viên tại các trang trại  của Công ty CPTP sữa TH, hầu như các trại chăn nuôi bò đều ở cách xa khu dân cư, số ít ở gần nhưng không thấy dấu hiệu ô nhiễm như cô Hoàng Trâm phản ánh.

Trao đổi với ông Lê Hồng Sơn - Phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn, chúng tôi được biết tỉnh Nghệ An và công ty CPTP sữa TH đang tích cực phối hợp để sớm di dân ra khỏi vùng dự án và ông cho biết thêm  từ khi  Dự án Sữa TH về Nghĩa Đàn đã làm thay da đổi thịt quê hương chúng tôi. Tuy nhiên vài hạn chế nhỏ của một dự án lớn  trong quá trình  triển khai là không thể tránh khỏi, chúng tôi luôn giám sát và phối hợp với TH để khắc phục những tồn tại đó.Tôi khẳng định những phản ánh của cô Hoàng Trâm là không đúng sự thật và không khách quan.

Hùng Anh