Tăng 5%, 10% phụ cấp giúp GV có thêm chi phí xăng xe đi lại các điểm trường

10/06/2023 06:37
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các nhà quản lý ở các vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn cũng vơi bớt phần trăn trở nếu chính sách cho giáo viên được thông qua.

Đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10% và giáo viên tiểu học thêm 5% là thông tin được đông đảo thầy cô quan tâm những ngày qua.

Giáo viên trực tiếp đứng lớp vui mừng phấn khởi và những người làm quản lý tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cũng vơi đi phần nào trăn trở bởi tăng 10% phụ cấp sẽ hỗ trợ thêm được phần nào đó để giáo viên trang trải cuộc sống.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Thiết Chùy – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho rằng:

“Trước đề xuất có thể được tăng phụ cấp khiến giáo viên mầm non, tiểu học ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn rất vui mừng và phấn khởi.

Dự kiến mức tăng phụ cấp đối với giáo viên mầm non là 10%, tức là nếu được áp dụng, so với mức lương hiện tại, giáo viên mới tuyển dụng tăng thêm hơn 300 nghìn đồng/tháng, giáo viên sắp nghỉ hưu sẽ tăng gần 1 triệu/ tháng. Trung bình mỗi giáo viên mầm non sau khi điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi khoảng 440.000 đồng/tháng.

Và trung bình mỗi giáo viên tiểu học sau khi điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi khoảng 270.000 đồng/tháng".

Theo quan điểm của thầy Chuỳ, sự điều chỉnh này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Nhà nước để quan tâm tới đời sống giáo viên nên rất mong chính sách sớm được thông qua, có hiệu lực.

"Cuộc sống của giáo viên ở những khu vực khó khăn còn vất vả. Ngoài chuyên môn giảng dạy, giáo viên còn phải làm những công việc ngoài giờ như chăm lo vệ sinh cho học sinh, lo bữa ăn theo chế độ nhà nước hỗ trợ (nhiều giáo viên ở điểm lẻ phải kiêm luôn việc nấu bữa ăn trưa cho học sinh), việc đón đưa học sinh khi gia đình chưa kịp đón… cùng rất nhiều việc không tên khác nhưng không hề có phụ cấp”, ông Phạm Thiết Chùy bày tỏ.

Ảnh minh họa: LC

Ảnh minh họa: LC

“Một phần vì khó khăn thiếu thốn trong điều kiện làm việc cộng thêm thu nhập thấp nên ngành giáo dục Mường Nhé cũng đang rất đau đầu trong việc giữ chân giáo viên ở lại với vùng khó.

Dù thiếu nhiều nhưng việc tuyển mới cũng rất khó khăn. Tính đến hết năm học 2022 – 2023, huyện Mường Nhé vẫn còn thiếu 128 giáo viên mầm non.

Dù chỉ tiêu tuyển dụng được giao là 51 nhưng huyện chỉ dự kiến tuyển được tầm 20 – 25 giáo viên vì nguồn tuyển rất hạn chế.

Nhiều bạn trẻ chọn đi làm công ty thay vì đi làm cô giáo mầm non ở vùng sâu, vùng xa".

Bên cạnh đó, giáo viên xin chuyển vùng khỏi huyện Mường Nhé dẫn đến các trường trên địa bàn gặp khó khăn trong bố trí công tác chuyên môn.

Huyện Mường Nhé có 5 xã (gồm Pá Mỳ, Huổi Lếch, Mường Toong, Nậm Vì, Quảng Lâm) khó khăn, đường sá đi lại cách trở nhất huyện thậm chí đường sá đi vào Pá Mỳ, Huổi Lếch vẫn là đường cấp phối nhưng cán bộ, giáo viên lại có thu nhập thấp hơn các xã còn lại. Bởi lẽ tại đây giáo viên không có phụ cấp khu vực biên giới.

Tiền lương của thầy cô công tác tại vùng khó khăn này chênh lệch không đáng mấy so với các khu vực thuận lợi như Thành phố Điện Biên Phủ, các tỉnh miền xuôi. Vì thế nên đây là những xã có số cán bộ, giáo viên nghỉ việc, xin chuyển vùng nhiều nhất huyện.

Đơn cử, từ tháng 8/2022 đến nay có tổng số 28 giáo viên xin chuyển đi vùng khác nhưng nhờ sự vận động của các cán bộ quản lý tại các địa bàn, sự động viên của Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cấp các ngành trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên thầy cô cũng đã cố gắng ở lại.

"Trước đây, cá biệt có đến 40 giáo viên chuyển vùng khỏi Mường Nhé trong một năm”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết.

Chính vì vậy, ông Phạm Thiết Chùy cho rằng: “Nếu được tăng phụ cấp, thầy cô sẽ vơi bớt phần vất vả. Nếu có thể, sau tăng phụ cấp, nên chăng các Bộ ngành nghiên cứu và đưa ra chính sách xếp lương cho giáo viên mầm non sao cho các cô đỡ thấy chạnh lòng, tủi thân".

Cùng bày tỏ quan điểm về đề xuất này, ông Ngô Xuân Chiến – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ (Điện Biên) cho rằng:

“Giáo viên vùng cao, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học được tăng thêm phần phụ cấp nào là bớt đi phần vất vả khó khăn cho thầy cô phần ấy.

Nếu được phê duyệt ở mức 10% với giáo viên mầm non và 5% với giáo viên tiểu học anh chị em giáo viên công tác các vùng khó chí ít cũng có thêm hỗ trợ chi phí xăng xe đi lại các điểm trường".

Theo ông Chiến, công tác chăm lo và đảm bảo đời sống cho cán bộ, giáo viên được ngành Giáo dục và Đào tạo Nậm Pồ xác định là nhiệm vụ quan trọng.

Để đảm bảo chế độ, chính sách, phía huyện cũng đã chi trả kịp thời tiền lương và phụ cấp để giáo viên ổn định, yên tâm công tác.

Cùng với đó, các cơ sở giáo dục, ngành Giáo dục và Đào tạo tham mưu và kêu gọi các tổ chức, cá nhân thiện nguyện tài trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất giáo dục, đặc biệt là hệ thống nhà công vụ, bếp nấu ăn… tại các điểm trường, để giáo viên cắm bản có đời sống sinh hoạt đảm bảo, yên tâm bám trường bám lớp.

"Với những khó khăn hiện hữu, cán bộ, giáo viên vùng cao rất cần thêm những chính sách đặc thù; sự quan tâm nhiều hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp như cơ chế hỗ trợ giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục năm 2019; bổ sung nguồn kinh phí ngoài định mức chi thường xuyên hằng năm để chi trả chế độ tăng giờ, chế độ đi học cho viên chức, chế độ hợp đồng một số loại công việc; quan tâm ưu tiên phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, mở rộng phòng học có diện tích theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện tăng sĩ số học sinh trên lớp, giảm áp lực thiếu giáo viên...

Hi vọng các giải pháp của địa phương cùng những chính sách có tính đồng bộ của Nhà nước sẽ nâng cao đời sống giáo viên vùng khó khăn”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ nêu.

Trần Phương