Tăng học phí không phải chỉ để thực hiện tăng lương cho cán bộ, giảng viên

31/08/2022 06:36
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mức tăng học phí phải đi cùng với mức đầu tư cơ sở vật chất để người học thấy xứng đáng và hài lòng. 

Mới đây, Trường Đại học Cần Thơ công bố học phí năm học 2022-2023 tăng ở tất cả các ngành đào tạo của trường.

Cụ thể, mức học phí bình quân cả năm/sinh viên dao động từ 13,2 – 15,2 triệu đồng (theo từng ngành học). Với chương trình đào tạo đại học chính quy, sinh viên đóng học phí theo số tín chỉ. Còn chương trình tiên tiến và chương trình chất lượng cao, học phí là 33 triệu đồng/năm học (tăng 3 triệu đồng so với năm 2021-2022).

Riêng học phí của ngành Hoá dược quy định là 19,5 triệu đồng/năm (tăng 7,8 triệu đồng so với năm học 2021-2022).

Lý giải về mức tăng học phí trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, chiếu theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, thì năm học 2022-2023, học phí của Trường Đại học Cần Thơ tăng thấp so với quy định.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Cần Thơ. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Cần Thơ. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

“Năm học 2022-2023, học phí Trường Đại học Cần Thơ dao động từ 13,2-15,2 triệu đồng/năm học, tuỳ từng ngành, trừ ngành Hoá dược là 19,5 triệu đồng/năm học.

Dù học phí tăng bình quân khoảng 34% so với mức học phí cũ (từ 9,8-11,7 triệu đồng/năm học), nhưng tăng về giá trị chỉ từ 3,4-3,6 triệu đồng/năm học.

So với ngưỡng cho phép theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ, năm học 2022-2023, học phí của Trường Đại học Cần Thơ chỉ tăng 5%", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương chia sẻ.

Mức học phí của ngành Hoá dược cao hơn các ngành khác, nhưng nằm trong tỉ lệ tăng học phí chung của trường. Ngành Hoá dược chỉ là một trong hơn 105 chương trình đào tạo bậc đại học của trường. Do những yêu cầu đào tạo đặc thù, cơ sở vật chất phải đáp ứng ở mức cao hơn, nên học phí ngành này ở năm học trước đã cao hơn những ngành khác. Còn mức thu nhập của giảng viên ngành Hoá dược cũng tương tự như các giảng viên khác trong trường.

Theo Nghị định 81/2021, trường có thể xác định mức học phí tối đa đối với tất cả các ngành là từ 24,96-29 triệu đồng/năm học và ngành Hoá dược là 37 triệu đồng/năm học.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về mức tăng học phí mới đã đủ bù đắp chi phí đào tạo của nhà trường hiện nay chưa, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương cho biết, thực chất mức tăng học phí năm học 2022-2023 chưa tạo nhiều thuận lợi về nguồn tài chính cho các hoạt động giáo dục và đào tạo chung của nhà trường.

“Trước khó khăn này, Trường Đại học Cần Thơ luôn xác định phải tối ưu hoá chi phí đào tạo để đảm bảo chất lượng hoạt động của nhà trường.

Bên cạnh đó, những năm qua, trường cũng có nhiều dự án trong nước và quốc tế để góp phần nâng cấp, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, phục vụ quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học. Do đó, trường đã giảm được rất nhiều chi phí cho đầu tư; phần thu từ học phí của sinh viên chỉ tập trung cho hoạt động giáo dục và đào tạo”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương thông tin thêm.

Đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề tăng học phí phải đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo tương ứng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, chia sẻ: “Thu học phí tăng thì nghiễm nhiên phải “trả lại” cho người học quyền lợi, đặc biệt là cải thiện chất lượng dạy và học đại học. Đây là yêu cầu đối với Trường Đại học Cần Thơ nói riêng và các trường đại học khác nói chung.

Để có chất lượng đào tạo tốt thì phải tập hợp nhiều yếu tố, trong đó, điều kiện tiên quyết là trường có đội ngũ giảng viên đạt chuẩn trình độ, phẩm chất, kỹ năng chuyên môn, cơ sở vật chất đáp ứng đủ điều kiện học tập, nghiên cứu và có nguồn chi phí cho hoạt động giảng dạy".

Về vấn đề này, Trường Đại học Cần Thơ luôn xác định rất rõ ràng, đó là cùng với lộ trình tăng học phí thì phải từng bước nâng cao điều kiện cơ sở vật chất cho người học, tạo hiệu quả trong quá trình đào tạo.

"Thu học phí cao không phải chỉ để thực hiện mục tiêu tăng lương cho cán bộ, giảng viên hay để thỏa mãn mục đích tạo ra “lợi nhuận”. Mà mức tăng học phí sẽ phải đi cùng với mức đầu tư cơ sở vật chất tương ứng để người học nhận thức được rằng, số tiền sinh viên bỏ ra (tiền học phí) là hoàn toàn xứng đáng và thực sự hài lòng”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương nói.

Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, mức lương thu nhập của giảng viên công tác tại Trường Đại học Cần Thơ không phải là yếu tố quyết định việc giảng viên gắn bó với trường hay không.

Thực tế hiện nay, số cán bộ có nguyện vọng về công tác tại trường cao hơn so với số cán bộ chuyển đi, và hầu hết nguyên nhân giảng viên chuyển đi không phải do thu nhập.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương cho rằng: nói đúng về tự chủ đại học thì có nhiều nội dung như công tác đào tạo, nghiên cứu, tổ chức và nhân sự, tài chính (trong đó có học phí). Trong bối cảnh hiện nay, nhiều trường đại học vẫn dựa vào học phí và coi đây là nguồn tài chính quan trọng nhất nên phải thực hiện tăng học phí. Nhưng không nên hiểu tự chủ đại học chỉ là gắn liền với việc phải tăng học phí.

Nhà trường cần căn cứ vào nhiều hoạt động khác như khả năng thu hút dự án hợp tác trong nước và quốc tế về nghiên cứu khoa học và đào tạo, đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất và chuyển giao công nghệ để tạo nhiều nguồn thu hơn là việc tăng học phí quá cao, quá đột ngột, gây áp lực cho sinh viên, phụ huynh.

“Có thể thấy, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bài bản là kỳ vọng và mục đích của sự nghiệp giáo dục nói chung. Cả xã hội được thừa hưởng nguồn nhân lực đào tạo đại học chất lượng cao nên rất cần sự hợp lực từ nhiều phía, chứ không phải chỉ dựa vào nguồn học phí do sinh viên đóng.

Khi thực hiện tự chủ đại học, bằng cách này hay các khác, trường cần sự chung tay của toàn xã hội thì mới phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Ví dụ, sự chung tay đó đến từ việc chi trả học phí của người học, góp sức của nhà nước thông qua đầu tư cơ sở vật chất (theo các dự án, chương trình), và đóng góp từ doanh nghiệp, các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học...

Đồng thời, vấn đề hiện tại là khi thực hiện tự chủ đại học về tài chính, các trường cần có sự chủ động, thông thoáng trong quy định để có thể làm tốt việc huy động nguồn lực và vận hành nhà trường hiệu quả”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương nhận định.

Dự kiến, Trường Đại học Cần Thơ có lộ tăng trình học phí bình quân theo từng năm và sẽ dựa trên cơ sở về khả năng chi trả, tránh tăng học phí quá nhanh, gây khó cho người học.

Ngọc Mai