Tăng nhiệm kỳ tổ trưởng chuyên môn ở các trường học lên 5 năm là xu thế tất yếu

28/08/2019 06:17
NHẬT KHOA
(GDVN) - Nhiệm kỳ của tổ trưởng chuyên môn quá ngắn, gây khó khăn cho hiệu trưởng các trường học trong vấn đề thủ tục rườm rà để bầu, bổ nhiệm tổ trưởng mỗi năm học.

LTS: Cho rằng, các trường nên tăng nhiệm kỳ tổ trưởng chuyên môn lên 5 năm, khi đó sẽ đánh giá đúng vai trò của tổ trưởng, đồng bộ với nhiệm kỳ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và hội đồng trường, tác giả Nhật Khoa đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Theo quy định tại điều lệ trường học thì tổ trưởng chuyên môn, tổ phó chuyên môn mỗi nhiệm kỳ chỉ có 1 năm thường là bổ nhiệm vào đầu mỗi năm học  (từ khoảng 01/8 - 31/7 của năm học đó).

Việc nhiệm kỳ của tổ trưởng, tổ phó chuyên môn hiện nay quá ngắn, gây nhiều khó khăn cho hiệu trưởng các trường học trong vấn đề thủ tục rườm rà để bầu, bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó mỗi năm học.

Nhiệm kỳ quá ngắn cũng khiến các tổ trưởng, tổ phó không phát huy năng lực cá nhân, chưa có sự cố gắng nhiệt tình…vì dù gì nhiệm kỳ cũng chỉ là 1 năm.

Nhiệm kỳ ngắn cũng không phát huy, khẳng định được vị thế, vai trò khá quan trọng của tổ trưởng chuyên môn trong giai đoạn hiện nay, các thành viên trong tổ cũng chưa đánh giá đúng vai trò của tổ trưởng. 

Tổ trưởng sinh hoạt chuyên môn (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa: thducgiang.longbien.edu.vn).
Tổ trưởng sinh hoạt chuyên môn (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa: thducgiang.longbien.edu.vn).

Một nghịch lý hiện nay, trong các trường phổ thông nhiệm kỳ của Ban chấp hành công đoàn là 5 năm, khi đó Chủ tịch công đoàn sẽ ký quyết định bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó công đoàn cũng là 5 năm.

Thật ra vai trò của tổ trưởng công đoàn hiện nay tại các trường học thì tương đối mờ nhạt, vai trò, chức năng cũng khá hạn chế nhưng nhiệm kỳ lại là 5 năm; còn tổ trưởng, tổ phó chuyên môn chỉ có 1 năm là một bất cập khá lớn, cần phải thay đổi cho phù hợp và đánh giá đúng lại vai trò, vị thế của tổ trưởng chuyên môn trong giai đoạn hiện nay.

Tổ trưởng, tổ phó chuyên môn là cán bộ quản lý tại trường học

Trong trường phổ thông, theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan thì hiện nay tại các trường học thì những người đang công tác và hưởng phụ cấp chức vụ khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao thì được gọi là cán bộ quản lý tại các trường học (nó khác với phụ cấp trách nhiệm cho tổng phụ trách đội, phụ cấp công đoàn cho cán bộ công đoàn…).

Như vậy, hiện nay, tại các trường học từ mầm non đến phổ thông, các thành phần sau đây được hưởng phụ cấp chức vụ gồm tổ trưởng chuyên môn (phụ cấp chức vụ 0.2), tổ phó chuyên môn (phụ cấp chức vụ 0.15), phó hiệu trưởng, hiệu trưởng (phụ cấp chức vụ tùy thuộc hạng trường, cấp học).

Hiện nay, nói đến cán bộ quản lý nhiều người cứ nhầm tưởng chỉ gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hiểu như vậy chưa đúng, cán bộ quản lý tại các trường phổ thông phải bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn.

Nhiệm kỳ tổ trưởng chuyên môn chỉ 1 năm là không phù hợp

Hiện nay, nhiệm vụ của tổ trưởng chuyên môn tại các trường là rất nặng nề, tổ trưởng chuyên môn chính là những người thay mặt tổ giải quyết mọi vấn đề liên quan đến tổ, thay mặt hiệu trưởng truyền đạt tất cả những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, văn bản pháp luật…đến mọi thành viên trong tổ.

Nhiệm vụ nặng nề là thế, nhưng theo quy định hiện nay tại điều lệ trường học thì nhiệm kỳ của tổ trưởng chỉ 1 năm học là quá ngắn ngủi, không phù hợp.

Tổ trưởng chuyên môn phải làm quá nhiều việc vô bổ
Tổ trưởng chuyên môn phải làm quá nhiều việc vô bổ

Việc mỗi năm học phải làm đầy đủ các thủ tục để bầu lại tổ trưởng, tổ phó chuyên môn (tổ giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu tín nhiệm, đề nghị… rồi họp lãnh đạo thông qua…) tốn kém thời gian, thủ tục…cũng như chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của tổ trưởng trong trường phổ thông hiện nay.

Đề xuất nhiệm kỳ tổ trưởng, tổ phó chuyên môn lên 5 năm

Như đã nói hiện nay tại các trường phổ thông, vai trò của tổ trưởng chuyên môn là cực kỳ quan trọng, tổ trưởng không chỉ là người giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức mà còn phải được các thành viên trong tổ tín nhiệm, có thể nói tổ trưởng vận hành tổ như là một trường học thu nhỏ.

Để đánh giá đúng vị trí, vai trò, chức năng của tổ trưởng, tôi xin đề xuất nhiệm kỳ của tổ trưởng lên 5 năm, khi đó sẽ đánh giá đúng vai trò của tổ trưởng, đồng bộ với nhiệm kỳ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và hội đồng trường.

Tăng thời gian giữ nhiệm vụ của tổ trưởng cũng chính là đơn giản những bớt thủ tục hành chính khi bầu, bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn mỗi năm học.

Tất nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu không hoàn thành thì hiệu trưởng với chức năng, quyền hạn của mình có thể miễn nhiệm, bãi nhiệm, kỷ luật cách chức tổ trưởng chuyên môn…

Việc tăng nhiệm kỳ tổ trưởng chuyên môn cũng giúp cho việc sắp xếp, phân bố dự toán mỗi năm học dễ dàng cho việc chi trả chế độ lương theo chế độ làm việc mới kể từ 01/01/2021 khi đó tại các trường học sẽ có 3 bảng lương gồm bảng lương cho cán bộ quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn); bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ (giáo viên, giáo viên kiêm nhiệm); bảng lương nhân viên (kế toán, văn thư…).

NHẬT KHOA