Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc sẽ phải trốn dưới tàu thương mại để ra biển

09/02/2015 09:28
Đông Bình
(GDVN) - Để vươn ra biển, một là đi theo tàu chiến hoặc tàu thương mại, hai là có sự yểm trợ của vũ lực; tàu ngầm Trung Quốc đến Ấn Độ Dương đã đụng tới "ranh giới đỏ".

Tàu ngầm hạt nhân phải trốn dưới tàu thương mại mới ra được biển

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 7 tháng 2 dẫn hãng tin Nga cho hay, tại phiên điều trần của Ủy ban quân sự Hạ viện Mỹ, Cục trưởng Cục tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ Stewart ngày 3 tháng 2 cho biết, cơ quan tình báo Mỹ cho rằng, năm 2015, Trung Quốc sẽ lần đầu tiên điều tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hạt nhân ra khơi, thực hiện nhiệm vụ trực ban chiến đấu biển xa.

Tàu ngầm thông thường Type 039B lớp Nguyên, Hải quân Trung Quốc (ảnh minh họa)
Tàu ngầm thông thường Type 039B lớp Nguyên, Hải quân Trung Quốc (ảnh minh họa)

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CCTV Trung Quốc, chuyên gia quân sự Trung Quốc Tào Vệ Đông cho rằng, thông tin trên báo Nga ám chỉ, năng lực tấn công tầm xa của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc đã được tăng cường rõ rệt, đồng thời phỏng đoán Trung Quốc đã có khả năng điều tàu ngầm hạt nhân chiến lược đến “cửa nhà” nước khác.

Phía Mỹ cho rằng, tàu ngầm hạt nhân chiến lược trước đây của Trung Quốc không dám đi ra biển xa do các nguyên nhân như tính năng, tiếng ồn, hiện nay tiếng ồn của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc đã giảm rõ rệt, tính năng cũng tương đối tin cậy, đã có khả năng tuần tra biển xa, đã tiếp tục tăng độ khó dò tìm cho đối phương.

Nếu tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc thực sự có thể đến cửa nhà nước khác, đã rút ngắn rất lớn thời gian phòng thủ của đối phương, hiệu ứng của mối đe dọa tàu ngầm hạt nhân sẽ tăng mạnh.

Khi nói về việc phải làm thế nào khi các nước như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ phát hiện được tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc đi ra biển xa, Doãn Trác cho rằng, tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc muốn đi ra Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương thực sự có rủi ro nhất định, Mỹ luôn tiến hành dò tìm đối với khu vực tuần tra, phạm vi bắn, đặc điểm tiếng ồn, phương thức sử dụng và tần số của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc.

Theo Doãn Trác, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc muốn vượt ra khỏi chuỗi đảo, một phương thức là bí mật chạy theo hạm đội hoặc tàu thương mại, một phương thức khác là cưỡng ép vươn ra ngoài dưới sự yểm trợ của vũ lực, phương thức này thích hợp với thời chiến.

Còn Tào Vệ Đông cho rằng, việc chia sẻ tình báo ngày càng mật thiết giữa Mỹ-Ấn và Mỹ-Nhật-Hàn thực sự không có lợi cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc bí mật vươn ra biển xa.

Trong khi đó, quy tắc trò chơi của tàu ngầm hạt nhân chiến lược là phải để đối phương biết sự hiện diện của tàu ngầm hạt nhân, nhưng tuyệt đối không thể để đối phương biết vị trí chính xác của tàu ngầm hạt nhân, "cho nên, tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc nếu muốn vươn ra biển xa tuần tra thì phải lặn sâu hơn".

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093, Hải quân Trung Quốc đến Ấn Độ Dương (nguồn mạng sina TQ)
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093, Hải quân Trung Quốc đến Ấn Độ Dương (nguồn mạng sina TQ)

Trung Quốc động đến “ranh giới đỏ” của Ấn Độ

Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc ngày 3 tháng 2 dẫn trang mạng “India Today” Ấn Độ đưa tin, tháng 12 năm 2014, một chiếc máy bay không người lái của Mỹ phát hiện một chiếc tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc ở vùng biển Yemen trên Ấn Độ Dương. Cơ quan an ninh Ấn Độ cho biết, họ cảm thấy lo ngại đối với việc Trung Quốc 3 lần triển khai tàu ngầm ở Ấn Độ Dương trong năm 2014.

Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Lỵ, việc đưa tin của truyền thông Ấn Độ hoàn toàn không chính xác, từ “triển khai” là chỉ tàu ngầm Trung Quốc tiến hành đồn trú lâu dài ở một khu vực nào đó trên Ấn Độ Dương, có nhiệm vụ và tổ chức rõ ràng. Trong khi đó, Trung Quốc không làm như vậy ở Ấn Độ Dương.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tào Vệ Đông cho rằng, tàu ngầm Trung Quốc trong đó có tàu ngầm hạt nhân đến Ấn Độ Dương có mục đích rõ ràng, tấn công cướp biển Somalia, bảo vệ an toàn tuyến đường trên biển. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, tàu ngầm Trung Quốc cũng đã tiến hành thông báo cho các nước xung quanh như Singapore, Ấn Độ, Sri Lanka cùng với Mỹ, khi đó không có bất cứ nước nào tiến hành đưa tin về vấn đề này, hiện nay có một số phương tiện truyền thông lại bắt đầu tuyên truyền vấn đề này, nguyên nhân một mặt là cảm thấy “ngạc nhiên” về thực lực của tàu ngầm Trung Quốc, mặt khác là tuyên truyền “mối đe dọa Trung Quốc”.

Tờ tạp chí “Học giả Ngoại giao” Nhật Bản ngày 31 tháng 1 cho rằng, hoạt động do Trung Quốc triển khai ở Ấn Độ Dương gần đây làm cho rất nhiều quốc gia láng giềng lo ngại. Bài báo dẫn lời quan chức Ấn Độ cho rằng, “hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc đã chạm vào ‘ranh giới đỏ’ của Ấn Độ, hành động này chắc chắn sẽ gây ra chạy đua vũ trang giữa hai nước”.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093, Hải quân Trung Quốc đến Ấn Độ Dương (nguồn mạng sina TQ)
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093, Hải quân Trung Quốc đến Ấn Độ Dương (nguồn mạng sina TQ)

Đối với vấn đề này, theo Lý Lỵ, những năm gần đây, Nhật Bản đã đưa ra một khái niệm mới, gọi là “khu vực châu Á mở rộng”, bao gồm Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, tức là Nhật Bản đưa Ấn Độ Dương vào tầm nhìn chiến lược của mình, coi khu vực này là “địa bàn” mở rộng của mình.

Nhật Bản đã xây mới căn cứ quân sự ở Djibouti – quốc gia bờ tây vịnh Aden, đây là tuyến đường quan trọng từ Biển Đỏ đi vào Ấn Độ Dương. Dựa vào căn cứ này, Nhật Bản cho rằng ít nhất 1/3 phạm vi của Ấn Độ Dương nằm trong tầm kiểm soát của họ. “Nhật Bản cho rằng, tàu ngầm Trung Quốc xâm nhập Ấn Độ Dương đã thách thức biên giới lợi ích của họ, cho nên thái độ và phản ứng hiện nay của họ hoàn toàn là xuất phát từ sự cân nhắc về lợi ích chiến lược của bản thân họ”.

Tào Vệ Đông cho rằng, Trung Quốc hơn 20 năm trước đã sở hữu tàu ngầm hạt nhân, hơn nữa luôn sử dụng, vì sao hiện nay sử dụng tàu ngầm hạt nhân thì đã chạm đến "ranh giới đỏ" của Ấn Độ? Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc hoàn toàn không đi vào lãnh hải của Ấn Độ, chỉ thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển quốc tế ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ không có quyền ngăn cản Trung Quốc sử dụng tàu ngầm hạt nhân.

Ngoài ra, binh lực Hải quân Ấn Độ và Hải quân Trung Quốc hầu như xấp xỉ về biểu hiện, nhưng trên thực tế, sự khác biệt về trình độ vũ khí trang bị to lớn, bất kể là tàu ngầm hay tàu chiến mặt nước, Hải quân Ấn Độ và Hải quân Trung Quốc không cùng một bậc - báo Trung Quốc tự khen mình.

Trên phương diện năng lực nghiên cứu chế tạo trang bị hải quân, Ấn Độ cũng kém rất lớn so với Trung Quốc, nếu phải nói chạy đua vũ trang, cũng chỉ là Ấn Độ coi Trung Quốc là mục tiêu đuổi theo - báo Trung Quốc ra sức chê bai Ấn Độ.

Tại cuộc họp báo ngày 29 tháng 1, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc có tên là Dương Vũ Quân cho biết, căn cứ vào nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc, bắt đầu từ năm 2008, Trung Quốc điều nhiều loại tàu chiến hải quân đến vịnh Aden, vùng biển Somalia để hộ tống cho tàu thuyền qua lại. Trong quá trình này, Trung Quốc đã thông báo tình hình có liên quan bao gồm hoạt động của tàu ngầm cho các quốc gia liên quan.

Trong tương lai, Quân đội Trung Quốc sẽ căn cứ vào sự thay đổi của tình hình hộ tống và nhu cầu nhiệm vụ, điều các loại tàu chiến đến vùng biển liên quan thực hiện nhiệm vụ hộ tống, những điều này đều thuộc hoạt động bình thường, không cần phải giải thích quá mức.

Biên đội hộ tống Hải quân Trung Quốc
Biên đội hộ tống Hải quân Trung Quốc

Tờ "Quan sát" Trung Quốc ngày 2 tháng 2 cũng có bài viết cho rằng, tàu ngầm Trung Quốc xâm nhập Ấn Độ Dương đã dẫn tới sự chú ý rất cao của các nước như Ấn Độ và Mỹ. Dẫn trang mạng "Jane's Defense Weekly" ngày 29 tháng 1 cho rằng, Hải quân Trung Quốc sắp điều biên đội hộ tống tốp thứ 19, trong đó có thể có cả tàu ngầm.

Tại cuộc họp báo thường lệ của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, người phát ngôn Dương Vũ Quân cho biết, Hải quân Trung Quốc sẽ triển khai một loạt tàu chiến hải quân đến Ấn Độ Dương. Từ năm 2008 đến nay, Hải quân Trung Quốc tích cực thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển quốc tế ở Ấn Độ Dương và tham gia triển khai nhiều loại tàu chiến tham gia những nhiệm vụ này - theo tờ "Jane's Defense Weekly", hiện nay đã có thêm tàu ngầm tham gia thực hiện nhiệm vụ này.

"Trong tương lai, Quân đội Trung Quốc sẽ xem nhu cầu nhiệm vụ và tình hình, điều các tàu chiến khác nhau tham gia nhiệm vụ hộ tống". Đối với vấn đề có thể triển khai tàu ngầm ở Ấn Độ Dương, Dương Vũ Quân cho biết: "Đây là hoạt động bình thường, không cần thiết giải thích quá nhiều".

"Năm 2008, Quân đội Trung Quốc đã thực hiện nhiều loại hoạt động hộ tống ở vùng biển vịnh Aden và vùng biển Somalia. Trong quá trình này, chúng tôi đã thông báo hoạt động hộ tống trong đó có hoạt động của tàu ngầm Hải quân Trung Quốc cho các nước có liên quan ở xung quanh". Nhưng Trung Quốc không nói rõ đã thông báo cụ thể cho những nước nào.

Theo tờ "Jane's Defense Weekly", trước thập niên 1990, năng lực hành động biển xa của Hải quân Trung Quốc không mạnh. Mãi đến trước năm 2008, Hải quân Trung Quốc cũng chưa từng tiến hành hoạt động quy mô lớn ở Ấn Độ Dương. Năm 2008, biên đội 3 chiếc tàu chiến của Hải quân Trung Quốc, do tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu Type 052C (NATO gọi là lớp Lữ Dương II) chỉ huy, đến Somalia thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển.

Tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu số hiệu 171 Type 052C, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc.
Tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu số hiệu 171 Type 052C, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc.

Các nhà quan sát cho rằng, đây là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương kể từ thế kỷ 15 trở lại đây. Hiện nay, Hải quân Trung Quốc sắp điều biên đội hộ tống tốp thứ 19, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ hộ tống, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành thăm các nước, trong đó có Kenya, Sri Lanka và Tanzania. Vào tháng 9 năm 2014, tàu ngầm Type 039 (NATO gọi là lớp Tống) từng thăm Thủ đô Colombo của Sri Lanka.

Hải quân Trung Quốc bảo vệ tuyến đường hàng hải rất quan trọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, những tuyến đường này vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc tới thị trường và vận chuyển tài nguyên thiên nhiên về trong nước. Như vậy, Trung Quốc có thể sẽ tăng cường hiện diện của lực lượng trên biển ở Ấn Độ Dương, đồng thời nỗ lực triệt tiêu sức ép ở vùng biển Thái Bình Dương sau khi Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, gây ảnh hưởng tới các nước "có tranh chấp lãnh thổ" như Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.

Đông Bình