TGĐ Cửu Long Jewelry: Nếu không cởi bỏ bộ áo quần cũ, VNPT sẽ biến mất

18/07/2013 07:16
Hoàng Lực
(GDVN) -  Nguyên nhân dẫn đến sự tụt lùi của VNPT theo ông Lê Đình Hùng - TGĐ Công ty trang sức Cửu Long Jewelry chính là cách điều hành, quản lý theo lối mòn của doanh nghiệp nhà nước. “Sự im lặng theo lối mòn và thói quen sống trong quá khứ vinh quang khiến VNPT không chịu cởi bỏ áo quần cũ thì sẽ biến mất trên thị trường...” – ông Hùng nói.
“Tôi tin rằng, cái chết là phát minh tuyệt vời nhất của cuộc đời. Nó loại bỏ những mô hình cũ đã trở nên lỗi thời”, hẳn nhiều người còn nhớ câu nói nổi tiếng này của Steve Jobs đăng trên Tạp chí PlayBoy năm 1985. Và dường như nó đang đúng với VNPT, một ông lớn của thị trường viễn thông trong nước. Sau khi mở cửa thị trường viễn thông cũng là lúc VNPT thể hiện bước thụt lùi đáng nói về mọi mặt. Năm 2007 tổng kết doanh thu khi đó của VNPT đạt 43.300 tỉ đồng gấp 2,78 lần với “người em” sinh sau Viettel trên thị trường viễn thông. Kéo theo đó lợi nhuận đạt 13.300 tỉ đồng gấp 1,55 lần Viettel. Nhưng chỉ 5 năm sau con số và vị thế của VNPT và Viettel đã thay đổi.
Khoảng cách về doanh thu và lợi nhuận giữa Viettel và VNPT ngày càng lớn
Khoảng cách về doanh thu và lợi nhuận giữa Viettel và VNPT ngày càng lớn
Kết thúc năm 2012, doanh thu của Viettel vươn lên 140.000 tỉ đồng, lợi nhuận 27.000 tỉ đồng. Trong khi đó doanh thu của VNPT là 130.390 tỉ, lợi nhuận 8.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Viettel chiếm 60% thị phần thị trường viễn thông Việt Nam.
Công bố doanh thu 6 tháng đầu năm 2013 của Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho thấy khoảng cách giữa hai "ông lớn" này trên thị trường viễn thông Việt Nam... ngày càng lớn. Ông Tống Viết Trung - Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013 doanh thu của Viettel đã đạt 72.638 tỷ đồng. Ông Tô Cường - Phó tổng giám đốc VNPT cũng công bố: Doanh thu của VNPT đạt 54.255 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu 6 tháng của Viettel vượt VNPT 18.383 tỷ đồng. Nhìn vào con số doanh thu, lợi nhuận tụt lùi của VNPT trong suốt những năm qua và qua 6 tháng đầu năm 2013 - ông Lê Đình Hùng - TGĐ Công ty trang sức Cửu Long Jewelry cho rằng: “Đó là quy luật khắc nghiệt của thương trường. Nếu Viettel hay đơn vị viễn thông khác là đại diện cho cái mới còn VNPT là cái cũ thì quy luật vốn dĩ cái mới sẽ thay thế cá cũ khi mà cái cũ không có sự thay đổi… sáng tạo hay khác biệt so với cái mới”. Nguyên nhân dẫn đến sự tụt lùi của VNPT theo ông Lê Đình Hùng chính là cách điều hành, quản lý theo lối mòn của doanh nghiệp nhà nước. “Sự im lặng theo lối mòn và thói quen sống trong quá khứ vinh quang khiến VNPT không chịu cởi bỏ áo quần rách nát thì sẽ chết” – ông Hùng nói.
Ông Lê Đình Hùng - TGĐ Công ty trang sức Cửu Long Jewelry
Ông Lê Đình Hùng - TGĐ Công ty trang sức Cửu Long Jewelry 
Sự điều hành, quản lý theo lối mòn của doanh nghiệp nhà nước theo ông Hùng chính là bộ máy quản lý cồng kềnh. Với con số cán bộ nhân viên lên đến trên 100.000 người hiện nay của VNPT so với 25.000 nhân viên của Viettel là minh chứng cho điều đó. Ông Lê Đình Hùng cho rằng, nếu so sánh thương trường như trên đường đua công thức 1, nơi mà muốn dành chiến thắng các đội đua phải tìm cách thiết kế cho chiếc xe của mình càng đơn giản gọn nhẹ để giảm trọng lực chiếc xe làm sao đạt tốc độ nhanh nhất. “Tương tự với doanh nghiệp hiện đại muốn dành phần thắng trong kinh doanh thì việc tối giản con người, bộ máy gọn nhẹ là điều thiết yếu. Tiếc rằng VNPT lại chưa thể làm được điều này, với bộ máy cồng kềnh như vậy chắc chắn VNPT không thể chạy đua trên thương trường” – ông Hùng phân tích. Từng ra cuốn sách nói về sự thất bại của chính mình ông Hùng nhận định: “Nếu VNPT không tỉnh táo sẽ vấp phải vết xe đổ của Vinashin trong quá khứ, để thay đổi VNPT phải dám từ bỏ cái danh mình đang có”.  CEO Cửu Long Jewery cho rằng, VNPT phải dám từ bỏ cái danh là doanh nghiệp số 1, số 2 về viễn thông thêm vào đó dám cắt bỏ những bộ phận làm ăn kém hiệu quả, năng suất lao động thấp.
Ông Lê Đình Hùng - CEO Cửu Long Jewelry bắt đầu sự nghiệp từ hai bàn tay trắng với nghề đào đá sapphire ở Di Linh (Thanh Hóa), đi học nghề rồi làm thợ bạc gia công hàng chợ ở Vĩnh Long. Sau này ông Hùng quyết định đến Sài Gòn lập nghiệp với nghề kim hoàn.

“Thời gian đầu, mỗi đêm tôi chỉ ngủ 2 tiếng. Nghĩ đến việc mình không có tiền, gia đình nghèo, bản thân không còn sự lựa chọn nào khác ngoài chăm chỉ học nghề, làm việc nếu muốn thay đổi cuộc đời, vì tôi vẫn mơ một ngày sẽ được đổi đời. Ngày đó, tiết kiệm chi tiêu cũng là cách duy nhất để tôi tích lũy được những đồng vốn đầu tiên” - ông Hùng chia sẻ.


Gom hết số tiền làm ngày làm đêm có được, năm 2000, ông Lê Đình Hùng bắt đầu thuê mặt bằng và mở chiếc tủ kinh doanh nữ trang bên hông tòa nhà ITC. Đến năm 2002, anh đã có tham vọng mở chuỗi cửa hàng trang sức cao cấp lớn nhất Việt Nam. 8 năm sau đó, 30 cửa hàng trang sức mang thương hiệu Cửu Long Jewelry ra đời.

Tưởng như chạm tới thành công, tuy nhiên ông Hùng ại phải đối mặt với thất bại lớn, và cuốn sách "MR Thất Bại" với những thất bại rút ra từ chính mình cũng ra đời từ đây.
Hoàng Lực