Thái Nguyên chấm thi kiểu gì mà nhầm 9,5 thành 0,5?

27/08/2020 06:18
Nguyễn Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- So với lần công bố ban đầu thì điểm Toán của em Mai Chiến Thắng đã tăng thêm 9,25 điểm, tính điểm hệ số 2 thì điểm Toán của thí sinh này đã tăng thêm 18,5 điểm.

Thông thường, quy trình chấm thi tuyển sinh 10 hiện nay được các địa phương làm rất bài bản, cẩn thận để hạn chế tối đa những sai sót nhằm không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh dự thi.

Tuy nhiên, trong quá trình chấm, cộng điểm con, điểm tổng thì đôi khi vẫn có những sai sót nhưng cũng chỉ sai sót ở phạm vi rất nhỏ, chênh lệch điểm không nhiều, nhất là đối với môn Toán.

Vậy nhưng, trong kỳ thi tuyển sinh 10 ở Thái Nguyên vừa qua lại có một sai sót khó hiểu.

Bởi khi công bố điểm thi thì có một thí sinh ở trường Trung học cơ sở Tích Lương chỉ được 0,5 điểm Toán nhưng sau khi phúc khảo thì số điểm của thí sinh này đã thành 9,75 điểm- tăng thêm 9,25 điểm nữa so với điểm công bố trước đó.

Một thí sinh ở Thái Nguyên sau khi phúc khảo đã tăng 9,25 điểm Toán (Ảnh minh họa: Luatvietnam.vn)

Một thí sinh ở Thái Nguyên sau khi phúc khảo đã tăng 9,25 điểm Toán

(Ảnh minh họa: Luatvietnam.vn)

Một thí sinh bị rớt nhưng đã đậu lớp 10 sau khi tăng thêm 9,25 điểm môn Toán

Sau khi công bố điểm thi tuyển sinh 10 ngày 2/8, thí sinh Mai Chiến Thắng, trường Trung học cơ sở Tích Lương (thành phố Thái Nguyên) đạt được 0,5 điểm môn Toán, 5 điểm Ngữ văn và 3,5 điểm môn Tiếng Anh.

Trong đó, điểm Toán và Ngữ văn nhân hệ số 2 nên em Thắng được 14,5 điểm. Tuy nhiên, số điểm này đã khiến em bị trượt trường Trung học phổ thông Gang Thép bởi trường này lấy điểm chuẩn là 26,7 điểm.

Thế nhưng, sau khi làm đơn phúc khảo và được Sở Giáo dục chấm phúc khảo thì điểm Toán của em Mai Chiến Thắng đã tăng từ 0,5 lên 9,75 điểm.

Như vậy, so với lần công bố ban đầu thì điểm Toán của em Thắng đã tăng thêm 9,25 điểm, tính điểm hệ số 2 thì điểm Toán của thí sinh này đã tăng thêm 18,5 điểm.

Vì thế, tổng điểm công bố ban đầu là 14,5 điểm, sau phúc khảo đã thành 33,0 điểm. Với kết quả này, điểm của em Thắng đã cao hơn điểm chuẩn của trường tới 6,30 điểm.

Báo VnExpress đã dẫn lời một đại diện phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên) như sau:

“Cán bộ chấm bài thi được 9,5, nhưng viết ẩu khiến phần đuôi số 9 ngược lên như số 0 và dấu phẩy. Hai bộ phận nhập điểm độc lập chỉ nhìn điểm bằng số mà không đọc sang phần điểm viết bằng chữ nên nhập thành 0,5.

Sau khi nhận được đơn phúc khảo, Hội đồng chấm phúc khảo đã rà soát, quyết định chấm lại bài thi môn Toán qua hai vòng độc lập. Kết quả thí sinh Thắng được 9,75 điểm môn Toán, cao hơn 0,25 điểm so với chấm lần đầu.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên cũng đang làm báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời xem xét trách nhiệm của các bên liên quan và rút kinh nghiệm”.

Như vậy, theo chia sẻ của đại diện phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên) thì người chấm thi đã có phần cẩu thả và người nhập điểm thì chưa cẩn thận trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Quy trình chấm thi nghiêm ngặt, sao lại có những sai sót đáng trách như vậy?

Hiện nay, các Sở Giáo dục chủ trì kỳ thi tuyển sinh 10 ở địa phương mình và kỳ thi này luôn được các cấp lãnh đạo, nhà trường đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, tất cả các khâu đều được thực hiện rất bài bản và độc lập với nhau.

Khi tổ chức kỳ thi, phần nhiều các trường phải lựa chọn kĩ giám thị, giám khảo để gửi danh sách tham gia làm nhiệm vụ. Nhất là khâu chấm bài phải qua rất nhiều công đoạn độc lập để không xảy ra sự nhầm lẫn, tránh mọi tiêu cực (nếu có).

Đầu tiên, các bài thi được một bộ phận rọc phách, đánh số phách độc lập. Sau đó, bài thi sẽ được chuyển đến bộ phận chấm thi. Phần chấm thi cũng được chấm 2 lần độc lập ở 2 phòng khác nhau.

Giám khảo 1 chấm trên một tờ phiếu riêng, không để lại dấu vết trên bài thi của thí sinh. Giám khảo 2 chấm trực tiếp trên bài thi của thí sinh. Sau mỗi tệp bài thi (24 bài) thì 2 giám khảo ngồi lại thống nhất điểm chấm, cộng điểm thành phần.

Điểm bài thi của thí sinh sẽ được ghi cả bằng số và bằng chữ, sau đó chuyển lên phòng Hội đồng. Tiếp theo, Hội đồng chấm thi còn chọn ra một số xấp bài để chấm kiểm tra (khoảng 10% số bài thi).

Sau khi việc chấm thi hoàn tất thì lại có một bộ phận riêng thực hiện khâu ráp phách, nhập điểm thi và dò lại bài thi của học trò.

Thông thường, khi nhập điểm thì sẽ có 3 người ngồi đọc điểm 3 môn thi cho 1 giáo viên tin học nhập điểm. Khi nhập điểm xong từng phòng thì người nhập điểm sẽ in thành 3 bản cho 3 giáo viên khác dò lại một lần nữa.

Chính vì thế, mọi sai sót rất ít khi xảy ra đối với bộ phận nhập điểm thi vì quy trình chặt chẽ, cẩn thận.

Thế nhưng, sai sót có phần nghiêm trọng lại xảy ra trong kỳ thi tuyển sinh 10 ở Thái Nguyên, khi mà: “Cán bộ chấm bài thi được 9,5 nhưng viết ẩu khiến phần đuôi số 9 ngược lên như số 0 và dấu phẩy.

Hai bộ phận nhập điểm độc lập chỉ nhìn điểm bằng số mà không đọc sang phần điểm viết bằng chữ nên nhập thành 0,5”.

Chúng tôi thấy có phần băn khoăn vì khi học sinh được 9,5 điểm thì số sau số 9 là dấu phẩy mới đến số 5 mà bao giờ đuôi số 9 cũng phải hất về bên trái, rất khó để kéo kèm dấu phẩy chung một nét bút.

Hơn nữa, khi một bài thi làm được 9,5 điểm thì bài thi đó đã làm đúng gần hết. Hơn nữa, những bài toán sai thường là ở cuối bài thi vì đó là phần vận dụng cao.

Phần đầu là phần đọc hiểu nên những học sinh mà đạt trên 9 điểm thi thì không bao giờ các em để sai ở phần đầu bởi đó là phần dễ nhất.

Vì vậy, khi nhập điểm, dù không đọc các trang sau nhưng chỉ cần lướt qua trang đầu thấy một số câu đúng nhưng bài thi chỉ đạt có 0,5 điểm thì lẽ nào người đọc điểm lại không băn khoăn lướt xuống phía làm bài của học sinh?

Phải nói thật là thang điểm 10 mà sau khi chấm phúc khảo tăng lên đến 9,25 điểm là rất bất thường hy hữu bởi đây là bài thi môn Toán- điểm được nhân hệ số 2.

Nhưng, bất thường ấy lại xảy ra trong kỳ thi tuyển sinh 10 ở Thái Nguyên! Trong khi, nhiều thí sinh chỉ cần lệch nhau 0,25 điểm thì đã có em đậu, em rớt.

Tài liệu tham khảo:

https://vnexpress.net/tang-9-25-diem-thi-mon-toan-sau-phuc-khao-4152709.html

Nguyễn Nguyên