Thanh Hóa: Nguồn tuyển GV đủ chuẩn không thiếu nhưng chỉ tiêu tuyển dụng quá ít

30/10/2022 06:45
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, tình trạng thiếu giáo viên tại địa phương chủ yếu nằm ở việc chỉ tiêu tuyển dụng thấp. 

Ngày 17/10, trong cuộc làm việc với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030.

Đề nghị này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu giáo viên tại một số địa phương.

Tuy nhiên, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Tạ Hồng Lựu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho rằng: với Thanh Hóa, việc có thể được tuyển thêm đối tượng giáo viên trình độ cao đẳng không nhiều ý nghĩa.

Bởi là một trong những địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước nhưng nguyên nhân chủ yếu lại ở chỗ chỉ tiêu tuyển dụng ít.

Thiếu giáo viên ở Thanh Hóa chủ yếu do nguyên nhân về chỉ tiêu tuyển dụng. Ảnh minh họa: Báo Thanh Hóa

Thiếu giáo viên ở Thanh Hóa chủ yếu do nguyên nhân về chỉ tiêu tuyển dụng. Ảnh minh họa: Báo Thanh Hóa

“Theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP thì việc thực hiện lộ trình nâng chuẩn cho giáo viên bằng ngân sách, chỉ dành cho những người đã được tuyển dụng vào viên chức. Bên cạnh đó, theo Luật Giáo dục năm 2019, tuyển dụng giáo viên phải đảm bảo đúng các yêu cầu về chuẩn trình độ đào tạo mà luật đưa ra", ông Tạ Hồng Lựu nêu.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, tại Thanh Hóa nguồn tuyển giáo viên đủ chuẩn không thiếu.

"Hiện nay, theo quy định về chuẩn trình độ đào tạo, giáo viên mầm non chỉ cần có trình độ cao đẳng thì tại địa phương, phần lớn người ứng tuyển vị trí giáo viên, người học tốt nghiệp sư phạm cũng đã có trình độ đại học. Do vậy, với Thanh Hóa, đề xuất cho tuyển giáo viên trình độ cao đẳng là không nhiều ý nghĩa.

Ngành sư phạm những năm gần đây cũng nhận được sự quan tâm đáng kể của người học, thí sinh trúng tuyển đã tăng lên nhờ chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí được áp dụng.

Trung bình mỗi năm, Thanh Hóa có khoảng 500 sinh viên tốt nghiệp sư phạm tại các cơ sở đào tạo trên cả nước. Theo ước tính thì năm 2025, con số này sẽ tăng đột biến, sẽ có khoảng 1.000 sinh viên sư phạm tốt nghiệp. Nguồn lực này sẽ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng giáo viên trong những năm tiếp theo tại địa phương", ông Tạ Hồng Lựu cho biết.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phân tích thêm về nguồn tuyển: Hiện nay, hệ thống các trường đại học đào tạo về sư phạm rất nhiều, ngay cả với những môn đặc thù như Mỹ thuật, Âm nhạc...

Trên địa bàn tỉnh, có Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đào tạo các khoa: Giáo dục mầm non, Âm nhạc, Mỹ thuật...

Tương tự, địa bàn tỉnh cũng có Trường Đại học Hồng Đức. Đáng nói là, với mục tiêu đào tạo giáo viên trung học phổ thông chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của tỉnh giai đoạn 2022 - 2030, Trường Đại học Hồng Đức đã chủ trì xây dựng đề án đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành sư phạm. Theo đó, mục tiêu là sinh viên ra trường đạt được chuẩn đầu ra, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

"Vì thế, khó khăn trong tuyển dụng giáo viên tại Thanh Hóa không phải do chuẩn trình độ đào tạo của nguồn tuyển. Mà do chỉ tiêu biên chế giao cho Thanh Hóa thấp hơn so với định mức", Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nói.

Ông Tạ Hồng Lựu nêu thực trạng: Cũng như trên cả nước, hiện nay, số lượng học sinh tại Thanh Hóa tăng ở tất cả các cấp học, bậc học.

Trung bình mỗi năm, Thanh Hóa tăng từ 15.000 đến 20.000 học sinh các cấp. Năm học 2022-2023, Thanh Hóa có gần 914.500 học sinh, với 30.229 nhóm, lớp. So với năm học trước, số lượng học sinh tăng đột biến, tăng gần 24.000 học sinh và tăng 795 nhóm, lớp. Đặc biệt, riêng khối tiểu học tăng 421 lớp. Nhiều địa phương trong tỉnh có số lượng học sinh tăng cao qua các năm như thành phố Thanh Hóa, huyện Quảng Xương, huyện Hoằng Hóa..., mỗi năm tăng trung bình từ 1.000 đến 2.000 học sinh.

Trong khi đó, tổng số cán bộ, giáo viên toàn ngành ít thay đổi, vẫn duy trì ở con số hơn 53.000 người.

Chưa kể, từ ngày 1/7/2020 đến nay, cũng có nhà giáo ở cả ba cấp học (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm hoặc chuyển công tác sang lĩnh vực khác.

Vì vậy theo ông Tạ Hồng Lựu, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tại các địa phương thì ngoài vấn đề giao thêm chỉ tiêu tuyển dụng, các cơ quan ban ngành nên tính toán đến việc nâng cao được chế độ cho giáo viên, nhất là giáo viên công tác ở vùng khó khăn.

"Có như vậy, những giáo viên ở vùng thuận lợi có thể sẵn sàng lên vùng núi công tác", ông Tạ Hồng Lựu nói.

Thực hiện Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, năm học 2022 - 2023, tỉnh Thanh Hóa được giao bổ sung 1.681 biên chế. Trong đó, cấp mầm non là 818 biên chế, tiểu học 695 biên chế, Trung học cơ sở 137 biên chế và Trung học phổ thông là 31 biên chế.

Tháng 6/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Đề án "Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030".

Đề án đề ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể, phấn đấu trong giai đoạn 2022-2025, hằng năm tuyển dụng đủ số lượng, đảm bảo về cơ cấu đội ngũ giáo viên từng môn học, cấp học theo chỉ tiêu biên chế được giao; đến năm 2030 đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định, cân đối cơ cấu môn học trong mỗi cấp học; bố trí đủ giáo viên dạy 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo báo cáo từ Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện thiếu 10.276 giáo viên (mầm non thiếu 4.510 giáo viên, tiểu học thiếu 4.011 giáo viên, trung học cơ sở thiếu 1.377, trung học phổ thông thiếu 378 giáo viên).
Trần Phương