Thành phố Hồ Chí Minh có thể thu lợi 1,4 tỷ USD nếu…

30/11/2014 07:36
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Nếu đầu tư vào xây dựng và phát triển hệ thống giao thông có khả năng thích ứng tốt hơn với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, TP. HCM có thể thu lợi 1,4 tỷ USD.

Gần đây, tần suất, phạm vi và mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan đang gia tăng trên toàn thế giới, đặt cơ sở hạ tầng về giao thông của các thành phố trước những áp lực nghiêm trọng và những diễn biến bất ngờ hơn.

Theo Ngân hàng Thế giới, hiện có khoảng 26% dân số của thành phố Hồ Chí Minh đang bị ảnh hưởng bởi các cơn bão lớn, tuy nhiên con số này còn có thể lên tới hơn 60% vào năm 2050.

Giao thông công cộng tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm 5% tổng lưu lượng giao thông và như vậy thì theo phân tích của công ty tư vấn Arup, số phút chậm trễ được dự báo sẽ tăng 620% trong vòng 30 năm tới nếu không có các khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông.

Căn cứ trên đánh giá tổng quan về hiện trạng mạng lưới giao thông của thành phố Hồ Chí Minh, các tính toán chỉ ra rằng nếu không áp dụng các giải pháp thông minh thì thiệt hại trực tiếp gây ra bởi tình trạng ùn tắc giao thông cho kinh tế của thành phố ước tính xấp xỉ 97 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2045.

Thiệt hại trực tiếp gây ra bởi tình trạng ùn tắc giao thông cho kinh tế của TP. HCM ước tính xấp xỉ 97 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2045?
Thiệt hại trực tiếp gây ra bởi tình trạng ùn tắc giao thông cho kinh tế của TP. HCM ước tính xấp xỉ 97 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2045?

Khoảng 45% diện tích thành phố sẽ bị thấp hơn 1 mét so với mực nước biển khiến cho thành phố và đặc biệt là hệ thống giao thông của thành phố phải đương đầu với nguy cơ thường xuyên bị ngập lụt, đặc biệt là trong mùa mưa.

Theo kết quả của một nghiên cứu do tập đoàn Siemens và công ty tư vấn Arup công bố mới đây, thành phố Hồ Chí Minh có thể thu lợi 1,4 tỷ USD từ việc đầu tư vào xây dựng và phát triển hệ thống giao thông có khả năng thích ứng tốt hơn với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các hệ thống thông minh có khả năng dự báo và ứng phó với tác động do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra cho hệ thống giao thông, nhờ vậy giúp giảm thiểu khoảng thời gian các hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt bị gián đoạn cũng như không làm suy yếu tính bền vững của nền kinh tế về lâu dài.

Đánh giá về kinh tế cho thấy một hệ thống quản lý tích hợp (trung tâm điều khiển) sẽ đạt điểm hòa vốn giữa chi phí và lợi ích chỉ sau 8 năm. Điều này dẫn tới việc tạo ra một khoản lợi ích ròng khoảng 1,4 tỷ USD trong vòng 30 năm tới.

Ông Michael Stevns, trưởng nhóm nghiên cứu dự án của tập đoàn Siemens cho rằng, cơ sở hạ tầng có tuổi thọ lâu dài. Do đó, đầu tư ngay hôm nay sẽ quyết định sự phát triển của bất kỳ thành phố nào trong tương lai, đặc biệt là khi thành phố đó phải đối mặt đồng thời với sự gia tăng về dân số và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như ngập lụt.

Trong khi đó, ông Stephen Cook, Giám đốc nhóm tư vấn về Năng lượng và Biến đổi khí hậu của công ty Arup nói: "Khi một thành phố chủ yếu dựa vào giao thông cá nhân, đòn bẩy lớn nhất sẽ là giao thông công cộng.

Hệ thống tàu điện ngầm có thể xem là một giải pháp, tuy nhiên sẽ rất tốn kém và mất rất nhiều thời gian để xây dựng. Các hệ thống quản lý giao thông thông minh có thể mang lại một sự khởi đầu theo hướng quản lý vận chuyển một cách toàn diện hơn”.

PHONG NGUYÊN