Thành ủy Hạ Long làm việc với ngành GD Thành phố: GV kiến nghị gì với Bí thư?

30/05/2023 06:32
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Muốn xây dựng Hạ Long trở thành thành phố học tập, thành phố kiểu mẫu phải bắt đầu từ sự bứt phá của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành giáo dục.

Thành phố hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển giáo dục

Tại tỉnh Quảng Ninh, việc quan tâm đến đời sống nhân dân, an sinh xã hội, đặc biệt là quan tâm đến giáo dục và đào tạo luôn là chủ trương trọng tâm của tỉnh.

Trong đó, thành phố Hạ Long là một trong những thành phố trọng điểm hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi như có quy mô dân số, điều kiện xã hội, điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất và yếu tố con người tốt hơn rất nhiều so với các địa phương khác.

Cụ thể, sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ, thành phố Hạ Long trở thành thành phố trực thuộc tỉnh có quy mô lớn nhất cả nước với diện tích 1.119,2 Km2, dân số của thành phố chiếm khoảng 1/3 dân số toàn tỉnh.

Ngành giáo dục và đào tạo của thành phố từ trước đến nay cũng luôn nhận được sự quan tâm rất lớn, không riêng nội tại của thành phố mà lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh dành nguồn lực lớn cho thành phố Hạ Long.

Điều này thể hiện qua con số cụ thể, tổng vốn đầu tư công của toàn tỉnh Quảng Ninh trong một năm khoảng 16.000 tỷ đồng/năm. Riêng vốn đầu tư công của thành phố từ đầu nhiệm kỳ gần 10.000 tỷ đồng.

Thành phố Hạ Long hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển giáo dục (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Thành phố Hạ Long hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển giáo dục (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Hiện nay, số học sinh, sinh viên chiếm 33% dân số toàn thành phố Hạ Long tương đương với hơn 100.000 em đang đi học. Theo đó, việc quan tâm và chăm sóc tốt cho học sinh, sinh viên thì đây sẽ là nguồn lực vô cùng to lớn cho sự phát triển của thành phố Hạ Long trong tương lai.

Năm học 2022 - 2023, thành phố Hạ Long có 120 trường từ mầm non đến trung học phổ thông (gồm 90 trường công lập, 30 trường ngoài công lập - tỷ lệ 25% ), có 1 Trung tâm HN&GDTX tỉnh, 1 Trung tâm GDNN&GDTX Hạ Long, 159 cơ sở mầm non tư thục độc lập.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 61 trung tâm ngoại ngữ (tăng 9 trung tâm so với năm 2021), 20 trung tâm giáo dục kỹ năng sống.

Thành uỷ Hạ Long gỡ khó cùng toàn ngành giáo dục

Thực hiện chủ trương của tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian tới, ngành giáo dục thành phố Hạ Long sẽ tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển giáo dục và đào tạo.

Để lắng nghe tâm tư, trăn trở của các cơ sở giáo dục, ngày 29/5, Thành uỷ Hạ Long tổ chức Hội nghị Thường trực Thành uỷ làm việc với ngành giáo dục và đào tạo với sự góp mặt của Ban thường vụ Thành uỷ, lãnh đạo thành phố; lãnh đạo các xã, phường; đại diện các phòng, ban, ngành cùng các cơ sở giáo dục từ cấp mầm non cho đến trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.

Thành uỷ Hạ Long tổ chức Hội nghị Thường trực Thành uỷ làm việc với ngành giáo dục và đào tạo (Ảnh: Phạm Linh)

Thành uỷ Hạ Long tổ chức Hội nghị Thường trực Thành uỷ làm việc với ngành giáo dục và đào tạo (Ảnh: Phạm Linh)

Tại hội nghị, thành phố đã nhận được 207 ý kiến gửi về ban tổ chức và 13 ý kiến trực tiếp tại hội nghị tập trung vào một số vấn đề lớn như: cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, chính sách cho giáo viên, quy chế luân chuyển, tuyển dụng giáo viên,…hướng tới mục tiêu chung là phát triển ngành giáo dục tốt hơn trong giai đoạn tới.

Thầy Phạm Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trới đề xuất, từ năm tháng 5/2019 trở về trước, giáo viên công tác tại các trường thuộc địa bàn các xã Bằng Cả, Vũ Oai, Hòa Bình được tính là vùng nghĩa vụ.

Đây cũng là các trường cách xa trung tâm thành phố và trước đây thuộc vùng khó khăn theo quy định của Chính phủ. Điều kiện về kinh tế, xã hội, giao thông đi lại, điều kiện làm việc của giáo viên ở đây gặp rất nhiều khó khăn.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trới đề nghị thành phố xem xét, bổ sung vào quy chế luân chuyển giáo viên các trường học công lập của thành phố (Ảnh: Phạm Linh)

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trới đề nghị thành phố xem xét, bổ sung vào quy chế luân chuyển giáo viên các trường học công lập của thành phố (Ảnh: Phạm Linh)

Theo đó, thầy Phạm Anh Tuấn đề nghị thành phố xem xét, bổ sung vào quy chế luân chuyển giáo viên các trường học công lập của thành phố, công nhận thời gian giáo viên công tác tại các trường thuộc địa bàn các xã Bằng Cả, Vũ Oai, Hòa Bình từ tháng 5/2019 trở về trước được tính là thời gian đã công tác nghĩa vụ để đảm bảo tính kế thừa và quyền lợi cho giáo viên.

Còn theo đề xuất của cô Giáo Thị Phương Thảo – Hiệu trưởng Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Tuần Châu, thành phố thực hiện thường xuyên, định kỳ việc thi hoặc xét thăng hạng cho giáo viên kịp thời, tránh để quá lâu không tổ chức thi hoặc xét sẽ rất thiệt thòi cho giáo viên.

Cô Phương Thảo cũng đề xuất việc thực hiện lộ trình chuyển ngạch lương cho giáo viên trung học cơ sở Hạng II mã V.07.04.11 lên giáo viên trung học cơ sở Hạng I mã V.07.04.10 (Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) vì đã 5 năm chưa thực hiện nội dung này.

Ngoài ra, hiệu trưởng một số trường trên địa bàn thành phố Hạ Long cũng đề xuất về chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho giáo viên có mức lương mới ra trường.

Đề xuất một số chính sách phát triển giáo dục vùng cao như: chế độ chính sách hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên đi thực hiện nghĩa vụ tại vùng cao; hỗ trợ chế độ ăn trưa, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ học phí; hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ: hỗ trợ kinh phí thuê người nấu ăn cho trẻ.

Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục cũng “hiến kế” cho công tác giáo dục mũi nhọn, lộ trình tự chủ trong trường học, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật trong học sinh,…

Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục cũng “hiến kế” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của thành phố Hạ Long (Ảnh: Phạm Linh)

Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục cũng “hiến kế” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của thành phố Hạ Long (Ảnh: Phạm Linh)

Tồn tại và giải pháp phát triển giáo dục trong giai đoạn tới

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Vũ Quyết Tiến – Bí thư Thành uỷ Hạ Long chỉ rõ, song song với những thuận lợi, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Hạ Long vẫn còn tồn tại nhiều thách thức như tình trạng nhiều trường ở khu vực trung tâm có lượng lớp ít, không đáp ứng được số lượng học sinh ngày càng tăng; thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là các phường, xã trung tâm và các xã vùng cao.

Hiện nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố cũng vẫn còn thấp (đạt 68%). Ngành giáo dục thành phố hiện chưa thực hiện quyết liệt việc đổi mới giáo dục cũng chưa huy động được nguồn lực xã hội hoá vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách cho giáo dục chưa thực sự đột phá, hỗ trợ cho giáo dục ngoài công lập và các vấn đề liên quan đến biên chế. Chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn của tỉnh cũng như của thành phố Hạ Long vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Ông Vũ Quyết Tiến - Bí thư Thành uỷ Hạ Long phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Vũ Quyết Tiến - Bí thư Thành uỷ Hạ Long phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Phạm Linh)

Bí thư Thành uỷ Hạ Long nhấn mạnh: “Ban thường vụ Thành uỷ cam kết sẽ tiếp thu những đề xuất của ngành giáo dục thành phố cũng như của các thầy, cô giáo và giải quyết một cách sớm nhất. Ban Thường vụ Thành uỷ sẽ tham mưu với tỉnh tiếp tục xây dựng các chính sách đối với giáo dục.

Sau hội nghị, Ban thường vụ Thành uỷ sẽ kết luận và có lộ trình cụ thể đối với ngành giáo dục và ngành nào, lĩnh vực nào, cá nhân đồng chí cấp uỷ nào phụ trách phải thực hiện theo đúng cam kết đó và chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và trước quy chế của chúng ta.

Trong đó, cần phải rà soát lại các quy chế, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành giáo dục về quỹ đất, về nguồn lực, đội ngũ và về an ninh trật tự trên địa bàn.

Đặc biệt, việc đảm bảo an ninh trật tự cho các cơ sở giáo dục để đảm bảo yên tâm trong công tác dạy và học rất quan trọng.

Tôi đề nghị các xã, phường phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện tối đa cho trường học. Phải rà soát quỹ đất, cơ sở vật chất và có đề xuất quyết liệt hơn, thể hiện sự chăm lo đầy đủ bằng hành động đối với nhân dân.

Các địa phương cũng hết sức quan tâm đến các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia và phổ cập giáo dục. Rà soát và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng gắn với xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các cơ sở giáo dục trên địa bàn, nhất là các cơ sở giáo dục tư thục.

Đối với ngành giáo dục, phải quản lý thật tốt cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên hiện có, cũng như rà soát đồng bộ lại đề xuất ngay những gì còn thiếu, chưa đạt chuẩn để có phương án giải quyết.

Đặc biệt, ngành giáo dục phải nghiên cứu một giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục của chúng ta. Không thể hài lòng với kết quả hiện nay bởi tiềm năng, lợi thế của thành phố Hạ Long là vô cùng lớn”.

Muốn xây dựng Hạ Long trở thành thành phố học tập, thành phố kiểu mẫu phải bắt đầu từ sự quyết tâm, bứt phá của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành giáo dục, đẩy mạnh việc xây dựng trường học kiểu mẫu, lớp học kiểu mẫu.

Trên cơ sở đó, ngành giáo dục mới có được những kết quả tốt hơn, xứng đáng với vị thế của thành phố, sự kỳ vọng của nhân dân đối với sự nghiệp “trồng người”.

Phạm Linh