Thật bất hạnh khi tốt nghiệp đại học rồi đi làm… công nhân

24/05/2016 07:24
Ngọc Quang
(GDVN) - TS.Nguyễn Tiến Luận chia sẻ: "Điều tôi quan tâm nhiều nhất không phải là thời gian đào tạo, mà là dạy cái gì trong thời gian ấy".

Cần phải chấm dứt tình trạng học chay

Bao đời nay, hiếu học luôn là một truyền thống rất đáng quý của người Việt Nam. Dù ở đâu, làm gì, dù giàu hay nghèo, người Việt đều luôn cố gắng không để con bị thất học. Truyền thống này giúp công tác “xã hội hóa giáo dục” đạt nhiều kết qủa đáng kể. 

Tuy nhiên, do phương pháp giáo dục lạc hậu (dạy chay quá nhiều) đã khiến cho đầu ra ở rất nhiều trường đại học không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp.

Theo thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, số lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 năm 2014, lên gần 178.000 người năm 2015. Như vậy chỉ sau một năm, trung bình hơn 16.000 cử nhân đại học, sau đại học thất nghiệp sau khi ra trường.

Và chưa dừng lại ở đó, con số thống kê của cơ quan này vào tháng 1/2016 còn cho biết một kết quả đáng lo ngại hơn, đó là có tới 225.000 cử nhân thất nghiệp.

Đó còn chưa kể đến số lượng lớn nhóm sinh viên tốt nghiệp phải chọn việc làm trái ngành nghề đã được đào tạo, hoặc phải “giấu bằng” để đi làm các nghề lao động phổ thông.

Có tới 90% sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn thiếu kỹ năng mềm, điều đó gây ảnh hưởng trực tiếp tới cơ hội tìm kiếm việc làm và lgây ra các rào cản khác trong công việc.
Có tới 90% sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn thiếu kỹ năng mềm, điều đó gây ảnh hưởng trực tiếp tới cơ hội tìm kiếm việc làm và lgây ra các rào cản khác trong công việc.

Nhiều chuyên gia ngành giáo dục đã nhận định rằng, nếu không thay đổi phương thức đào tạo, đặc biệt ở cấp đại học, trong tương lai tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm thanh niên và lao động có trình độ chuyên môn tiếp tục tăng dễ hiệu.

Bởi đây chính là sự phản ánh khả năng "hấp thụ" thấp của thị trường lao động. Muốn thay đổi, cần phân luồng rõ ràng trong đào tạo.

Khi mang nhận định này soi vào thực tế, nhiều người tán đồng bởi việc đào tạo nặng về lý thuyết, chưa có sự phân tách và định hướng ngành nghề cho học sinh, sinh viên đã khiến tình trạng “thầy nhiều hơn thợ” ở nước ta ngày càng gia tăng.

Thật bất hạnh khi tốt nghiệp đại học rồi đi làm… công nhân ảnh 2

TS.Nguyễn Văn Khải: "Tiến sĩ dởm vào hùa với nhau là thảm họa cho dân tộc"

Trước những nhược điểm của nền giáo dục nước nhà, Bộ Giáo dục và đào tạo nói chung và một số trường đại học đã điều chỉnh phương pháp đào tạo, vận dụng nhiều phương thức giảng dạy mới trong đó có xu hướng “đại học nghề nghiệp ứng dụng” hay còn gọi là “đại học ứng dụng” – mô hình đào tạo gắn với thực tiễn cao được nhiều nước phát triển trên thế giới ưa chuộng.

Việc áp dụng mô hình “đại học ứng dụng” giúp các bạn sinh viên không cảm thấy nhàm chán khi thời gian học lý thuyết chỉ còn 30% và thời gian học thực hành lên tới 70%. Đây là vấn đề đang được nhiều trường đại học chú ý như Đại học FPT, Đại học Nguyễn Trãi…

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho biết, nghị quyết số 14/2005 của Chính phủ hay Luật Giáo dục đại học cũng đã nói rõ trong đào tạo đại học có hai hướng là đào tạo hàn lâm và đào tạo ứng dụng.

“Con số thống kê hơn 200 nghìn cử nhân thất nghiệp cho thấy các trường cần phải xem lại quy trình đào tạo. Cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt tình trạng học chay, chỉ học lý thuyết mà không có thực hành, dẫn tới sinh viên yếu kỹ năng và không tìm được việc làm khi tốt nghiệp”, TS Khuyến chia sẻ.

Vì vậy, theo TS.Lê Viết Khuyến, việc áp dụng mô hình đào tạo “đại học ứng dụng” trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết cho xã hội.

Vấn đề nằm ở chất lượng đào tạo

Hiện nay, tại Việt Nam mô hình "đại học ứng dụng" mới chỉ được một số ít trường đại học vận hành bởi nhiều lý do. Tuy nhiên, hầu hết sinh viên được đào theo phương thức này đều có việc làm chất lượng, đúng chuyên ngành được học và đảm bảo cơ hội thăng tiến, phát triển bản thân của sinh viên.

Thật bất hạnh khi tốt nghiệp đại học rồi đi làm… công nhân ảnh 3

Đại học ứng dụng – chỉ 30% thời gian trên lớp, còn lại là thực hành, thực tế

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Nguyễn Trãi nói rằng, cha mẹ luôn luôn mong con cái thành đạt, nhưng thật bất hạnh khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng rồi đi làm… công nhân.

"Điều tôi quan tâm nhiều nhất không phải là thời gian đào tạo, mà là dạy cái gì trong thời gian ấy. Dạy, học lớt phớt thì có học 6 năm cũng không tìm nổi việc làm chứ nói gì 3 năm.

Với việc gia nhập ngôi nhà chung ASEAN, thị trường lao động đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi. Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều là cơ hội tạo ra nhiều việc làm nhưng đòi hỏi phải có trình độ cao.

Nếu không nắm được thời cơ thì cơ hội việc làm sẽ rơi vào tay người lao động nước ngoài khi mà chúng ta cứ đào tạo một mình một kiểu", TS.Luận trăn trở.

TS.Nguyễn Tiến Luận chia sẻ, ông rất buồn khi ngày càng nhiều cử nhân thất nghiệp. ảnh: Ngọc Quang.
TS.Nguyễn Tiến Luận chia sẻ, ông rất buồn khi ngày càng nhiều cử nhân thất nghiệp. ảnh: Ngọc Quang.

Theo quan điểm của TS.Nguyễn Tiến Luận, cái khó là nhất là phải đào tạo ra được những cử nhân sau này trở thành công dân toàn cầu. Muốn vậy thì đào tạo phải tiệm cận với các nước đi đầu thế giới.

"Chúng ta không thể nào làm ngược với người ta, rồi lại đem so với thời xửa thời xưa để tự huyễn hoặc mình là đã tốt hơn rồi. Đó là lý do mà chúng tôi đang nỗ lực thay đổi mạnh mẽ để đảm bảo đầu ra phải thật chất lượng, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Ở trường Nguyễn Trãi, thậm chí từ rất lâu rồi chúng tôi cho phép sinh viên đề nghị đổi giảng viên nếu tập thể lớp nhận xét trình độ của giảng viên không phù hợp. Đây là vấn đề khá nhạy cảm, tôi biết là nhiều giáo viên không muốn, nhưng vì chất lượng đào tạo chúng tôi buộc phải làm như vậy”, TS Luận chia sẻ.

Cũng theo TS.Luận, giáo dục chính là chiếc chìa khóa vàng đem lại thịnh vượng, hùng cường cho dân tộc và đặt vấn đề: “Một dân tộc anh hùng trong chiến tranh, tại sao lại không thể tạo ra những đột phá mạnh mẽ trong giáo dục, trong khi chúng ta biết rõ rằng giáo dục chính là đầu ra cho đất nước này?”.

Ngọc Quang