Thầy cô càng nghiêm khắc giáo dục học trò cá biệt, càng đơn độc và rủi ro

29/04/2022 08:56
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau mỗi vụ việc bạo hành được báo chí nêu lên, giáo viên phải đến nhà phụ huynh để xin lỗi học sinh, xin lỗi phụ huynh và nhận hình thức bị kỷ luật từ ngành.

Những ngày gần cuối tháng 4, liên tục xuất hiện một số video có hình ảnh giáo viên dùng bạo lực đối với học sinh.

Cụ thể, vào ngày 13/4 một video dài 12 giây do học sinh quay lại, được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một thầy giáo liên tục tát, đánh vào đầu, mặt của học sinh và gằn giọng "tháo nè, tháo nè, phá nè!".

Hình ảnh giáo viên tát tai học sinh vì phá bàn phím trong giờ học (Ảnh trên giaoduc.net.vn)

Hình ảnh giáo viên tát tai học sinh vì phá bàn phím trong giờ học (Ảnh trên giaoduc.net.vn)

Trong bản tường trình, thầy giáo cho rằng, trong giờ Tin học, một số em "cố tình cạy phá" các nút bấm trên bàn phím. "Khi tôi xuống thì thấy bàn phím máy tính đã bị cạy, hở mạch điện". Thầy cho biết chỉ đánh vào tay chứ không đánh vào đầu. Các hình ảnh trong video cho thấy, học sinh đưa tay lên đầu, lên mặt để đỡ đòn.

Ngày 23/4, trên các diễn đàn và mạng xã hội lan truyền đi rất nhanh video clip có cảnh thầy giáo tát học sinh trong giờ học. Trong tường trình của mình, thầy P.Q.H. cho biết, trước ngày xảy ra vụ việc này, thì tại lớp nói trên hầu hết các em học sinh trong lớp đều không học và làm bài.

Thầy H. có đề nghị học sinh về chuẩn bị bài để tiết học sau thầy giáo tiếp tục kiểm tra. Thế nhưng, đến ngày 20/4 thì ở lớp này chỉ có một ít bạn có học và ghi bài, còn lại là không chịu học, ghi bài như cũ.

Đối với nam sinh bị thầy H. tát trong video clip, em này có trình bày là vở đã ghi hết, thay vở mới, nhưng chỉ ghi đúng 2 bài trọng tâm. Lúc đó, thầy P.Q.H. vẫn hòa nhã, không đánh hay la mắng gì học sinh này.

Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao mà em nam sinh này lại vỗ ngực 3, 4 cái rất thô thiển, vô lễ, cười chế nhạo trước mặt thầy H. nên thầy có gọi lên và dằn mặt.

“Lúc đó, tôi có giơ tay lên, tát đúng hai cái, nhưng hai cái tát này tôi chỉ có dụng ý hù em thôi, chứ không phải tát đè mặt hay cơ thể em đó đâu” – thầy H. trần tình.

Thầy P.Q.H nói rằng, thầy giơ tay lên tát học sinh rất chậm, còn học sinh thì cũng có giơ tay ra đỡ.

Một đồng nghiệp kể cho người viết nghe rằng, sẵn có điện thoại trong người, có em còn cố tình trêu tức thầy cô để quay video tung lên mạng nói rằng cho bõ ghét.

Có lần, thầy đã nghe một học sinh dặn mình, bạn H. bạn K. có nói gì thì thầy cũng đừng nổi nóng nhé. Các bạn đang canh để quay lại cho thầy bị kỷ luật chơi.

Cần sự cảm thông nhiều hơn lên án

Cứ sau mỗi sự việc xảy ra, dư luận lại lên án một cách gay gắt. Trên các trang mạng xã hội, người ta đua nhau chia sẻ các bài viết phản ánh sự việc. Hàng trăm lượt bình luận chửi bới, nhục mạ giáo viên.

Người ta ồ ạt kết luận giáo viên độc ác, là nhẫn tâm là vô cảm, là không xứng đáng làm thầy và thi nhau đưa ra hình thức kỷ luật như cảnh cáo, đuổi việc thậm chí là truy tố trước pháp luật…

Giữa hàng trăm lượt bình luận lên án, kết tội cũng may vẫn có những bình luận đồng cảm, chia sẻ với giáo viên.

“Các vị ở nhà dạy một, hai đứa con đôi khi còn tức giận còn chửi bới, phạt roi hoặc bắt quỳ. Nay, giáo viên quản lý mỗi lớp mấy chục học sinh với nhiều tính cách khác nhau. Có em, đến cha mẹ còn bất lực thì bảo sao thầy cô không nổi nóng cho được?”

Giáo viên đương nhiên im lặng trước bão dư luận. Bởi về lý, dù có biện minh thế nào, dù học sinh có phạm lỗi ra sao, người thầy đụng chân đụng tay dù có nhẹ cũng là sai, là vi phạm quy định.

Có ai tự hỏi: Vì sao thầy cô lại nổi nóng đến mất bình tĩnh như thế? Vì sao vẫn biết là đụng chân tay với các em sẽ gặp rắc rối cho bản thân nhưng vẫn không thể kìm nén được?

Có trong nghề mới hiểu rõ, có đôi lúc giáo viên khó kìm được cơn nóng giận vì bị một số học sinh “trêu cho tức chết”.

Quay lại 2 sự việc được nêu trên, học sinh đã không học bài, không ghi bài, khi thầy nói còn có hành động “vỗ ngực 3, 4 cái rất thô thiển, vô lễ, cười chế nhạo trước mặt thầy”.

Còn trường hợp thứ hai là trong giờ học mà một số em "cố tình cạy phá" các nút bấm trên bàn phím. "Khi tôi xuống thì thấy bàn phím máy tính đã bị cạy, hở mạch điện". Chắc chắn trước đó, thầy giáo đã phải ngưng bài dạy nhiều lần để nhắc nhở học sinh nghiêm túc trong giờ học nhưng những học sinh này vẫn phớt lờ, cố tình chọc phá nên giáo viên mới bức xúc đến như vậy.

Chuyện học sinh không chịu học bài còn có hành động vô lễ với giáo viên hay không chịu nghe giảng ngồi phá phách trong giờ học vẫn thường xuyên xảy ra mỗi ngày ở các lớp học.

Thầy cô nhẫn nại thì nhắc nhở vài lần không được sẽ làm ngơ để cố gắng dạy cho hết giờ. Giáo viên nóng tính sẽ khó mà kiềm chế được cơn bực tức.

Trong thực tế, có những học sinh vừa bị nhắc nhở đã có ngay thái độ thách thức, có em đấm tay vào tường cùng tiếng chửi thề mà "dân anh chị" hay dùng. Em vò nát cuốn vở ném về phía bảng lớp và trừng đôi mắt giận dữ nhìn thầy cô.

Có những em không chịu học nhưng cũng không muốn cho ai ngồi học, hết vuốt má bạn này, nhéo tay bạn kia, thậm chí còn đưa tay vào cả vùng nhạy cảm của bạn.

Đã có cô giáo bất lực đứng ngay trên bảng khóc nấc và không thể nào dạy tiếp. Có thầy giáo nổi giận bạt tai vài em và chua xót thốt lên:

“Sau hôm nay, tôi có bị đuổi khỏi bục giảng cũng phải dạy cho em một bài học là cần nghiêm túc trong giờ học hoặc không muốn học thì ra khỏi lớp để các bạn khác tiếp tục học. Không thể ngồi trong lớp mà phá phách không cho ai học”.

Quả thật, sau cái bạt tai như thế thì lớp học trật tự hẳn, những học sinh quậy phá, vô lễ cũng thấy dè chừng hẳn.

Hệ lụy của tâm lý “mặc kệ” và buông xuôi

La mắng không được, đánh cảnh cáo vài roi cũng không xong, giáo viên chỉ được phép động viên, nhắc nhở riêng nhưng quả thật phương pháp này thực sự không hiệu quả.

Trong thực tế, những giáo viên có trách nhiệm, luôn chăm lo cho học sinh lại thường khá nghiêm khắc. Thầy cô không cho phép các em lơ là việc học nên thường hay nhắc nhở, uốn nắn. Thế nhưng, vì sợ nghiêm khắc quá lại gặp “tai bay vạ gió bất kỳ” nên phần nhiều giáo viên hiện nay khá e dè trong việc rèn học sinh vào nền nếp.

Người viết đã từng được một số đồng nghiệp đi trước dặn dò kiểu: Mình cứ dạy hết sức nhưng dạy cho ai cần học, ai không muốn học thì thôi, đừng ép, đừng la, đừng nhắc nhở, tuyệt đối đừng nổi nóng để mang vạ vào thân.

Có người lại tiêu cực hơn khi cho rằng, đứa nào không muốn học thì kệ, dạy đủ giờ thì ra khỏi lớp. Ai không học muốn chơi thì cho chơi, to tiếng làm gì? Mình có bị cắt lương đâu mà sợ?

Cứ sau mỗi vụ việc được báo chí nêu lên, giáo viên phải đến nhà phụ huynh để xin lỗi học sinh, xin lỗi phụ huynh và nhận hình thức bị kỷ luật từ ngành, nhẹ thì bị khiển trách, cảnh cáo, nặng thì bị đuổi việc.

Còn học sinh thì sao? Các em có vô can trong chuyện này? Chẳng có thầy cô giáo nào tự nhiên lại phạt học trò nếu không vì những em này có hành động vô cùng quá đáng.

Người ta chỉ tập trung vào kỷ luật giáo viên còn học sinh trở thành nạn nhân trong sự việc ấy. Việc không nghe lời và có vô lễ với giáo viên của mình lại được bỏ qua. Việc làm này, đã làm không ít học sinh có lỗi trước đó cảm thấy sung sướng, hả hê và xem như là một chiến tích.

Biết điểm yếu của thầy cô và biết rõ lợi thế của mình nên cũng từ đó, những học sinh này càng ít nghe lời hơn vì luôn đắc chí chẳng thầy cô giáo nào còn dám đụng vào mình nữa. Đây cũng chính là nguyên nhân giải thích cho những thắc mắc của không ít người rằng tại sao, học sinh bây giờ ít ngoan hơn học sinh thời trước?

Đừng để giáo viên phải đơn độc trong việc giảng dạy và giáo dục học sinh, đừng lên án, đổ trách nhiệm lên đầu thầy cô mỗi khi thấy trò chưa ngoan, đừng chỉ biết dùng hình thức kỷ luật một cách lạnh lùng khi một sự việc nào đó xảy ra mà thiếu đi lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu cảm thông.

Mỗi gia đình cần làm tốt hơn việc quan tâm, giáo dục con cái ở nhà, chịu khó lắng nghe những trao đổi từ phía thầy cô trước những biểu hiện khác thường của con em mình trên lớp. Và, chắc chắn khi đó chuyện giáo viên dùng bạo lực với học sinh cũng sẽ không bao giờ còn nữa.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết