Thầy cô tiên phong, trò sẽ thay đổi, đừng rập khuôn giáo án theo CV 5512

02/11/2022 06:32
Nguyễn Văn Lự
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- 2 tháng học chương trình mới 2018, cả thầy và trò đều thấy khó khăn với khoảng trống kiến thức, kỹ năng khi thực hiện nội dung bài học theo phương pháp mới.

LTS: Là giáo viên trực tiếp giảng dạy, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy Nguyễn Văn Lự - giáo viên Trường trung học phổ thông Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã gửi đến Tạp chí bài viết chia sẻ về việc thực hiện đổi mới môn Ngữ văn lớp 10.

Thầy cô phải tiên phong

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình 2018) tiên tiến và nhẹ nhàng hơn, thiết thực hơn nhưng thầy và trò vẫn còn nhiều lúng túng về phương pháp và thực hành.

Là người trực tiếp dạy Ngữ văn lớp 10 và qua kết quả khảo sát 80 học sinh lớp 10 theo khối xã hội của cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Ngân (Trường Trung học phổ thông Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), chúng tôi thấy học sinh thích thú với sách giáo khoa Cánh Diều in màu đẹp, trình bày ngắn gọn, các câu hỏi cũng dễ hiểu. Nhiều em thích hoạt động nhóm, thích chương trình mới.

Tuy nhiên, phần hướng dẫn thực hành viết, thực hành tiếng Việt và Nói và Nghe học sinh khá lúng túng

Kiến thức mới và khó cùng với việc học sinh chưa chuẩn bị bài, chưa đọc bài đòi hỏi thầy cô chủ động lựa chọn những đơn vị kiến thức vừa phải linh hoạt, phù hợp đối tượng, vừa phải đảm bảo yêu cầu và tiến độ bài học theo chương trình.

Thầy cô cần thay đổi tư duy, nhận thức và hành động để hoàn thành nhiệm vụ trong những thách thức hiện nay ở tất cả các nhà trường.

Từ góc nhìn của người trực tiếp dạy lớp 10, cô giáo M. dạy Ngữ văn ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc đồng tình với người viết rằng trước hết thầy cô sẽ tinh giản nội dung bài học theo đối tượng học sinh của mình, trường mình.

Theo Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03/10/2017 hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018 và Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông, thầy cô được chủ động dạy gì và dạy đến đâu, chỉ dạy những gì cốt lõi, và không bắt buộc phải dạy hết các yêu cầu, nội dung và các văn bản sách giáo khoa.

Thầy cô môn nào cũng chỉ quan tâm đến 2 vấn đề quan trọng: một là hiểu đúng yêu cầu cần đạt về kiến thức và kỹ năng của mỗi bài học, hai là yêu cầu về kiểm tra, đánh giá năng lực.

Thầy cô Ngữ văn tập trung hướng dẫn và trang bị cho học trò cách đọc hiểu văn bản, cách nghe, cách nói và cách viết, cách diễn đạt sao cho đúng, cho chuẩn; gợi mở và giúp học sinh thực hiện cách giải quyết vấn đề đặt ra theo cá nhân.

Mục tiêu của Chương trình 2018 là sau khi học xong bài, học sinh sẽ làm được gì? Nó khác hoàn toàn mục tiêu của chương trình cũ, học sinh biết được gì? Và làm bài được bao nhiêu điểm?

Thầy trò trao đổi, vấn đáp trong giờ Ngữ văn ở lớp 10A2 Trường Trung học phổ thông Vĩnh Yên. Ảnh: Văn Lự

Thầy trò trao đổi, vấn đáp trong giờ Ngữ văn ở lớp 10A2 Trường Trung học phổ thông Vĩnh Yên. Ảnh: Văn Lự

Thầy cô sẽ thay đổi nhận thức về kiểm tra, đánh giá toàn diện năng lực người học. Theo tài liệu bồi dưỡng giáo viên trung học về kiểm tra, đánh giá Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc mới ban hành tháng 10/2022, cấu trúc đề kiểm tra định kỳ Ngữ văn gồm 10 câu trắc nghiệm (6 điểm) và tự luận (4 điểm) về vấn đề xã hội hoặc văn học, trong đó không sử dụng ngữ liệu sách giáo khoa.

Như vậy, phương pháp dạy và học Ngữ văn 2018 không theo cách chỉ dạy phân tích, giảng bình một vài văn bản văn học trong chương trình.

Tiếp theo, thầy cô giáo Ngữ văn thay đổi cách dạy viết, dạy học sinh tập làm văn, hướng học sinh kết nối kiến thức và kỹ năng với cuộc sống qua 4 hoạt động chính Đọc hiểu, Thực hành tiếng Việt, Viết, Nghe và Nói.

Các nhà giáo sẽ giúp học sinh hiểu và vận dụng hiệu quả kỹ năng đọc hiểu văn bản bất kỳ, biết sử dụng rồi sử dụng hay tiếng Việt, biết viết một đoạn văn, một bài nghị luận ngắn, biết nói và nghe người khác nói.

Như thế, cách học vẹt và đọc chép theo bài mẫu đẹp về hình thức, sâu sắc về nội dung phải loại bỏ. Đề thi tự do và sáng tạo sẽ từng bước loại bỏ văn mẫu hoặc viết lại cảm nhận, bình giá của người khác.

Học trò lớp 10 hiện nay nhiều em viết đoạn văn và diễn đạt ý hiểu của mình rất tùy tiện.

Thầy cô hướng dẫn các trò cách tìm chi tiết, hình ảnh, cách hiểu nghĩa tường minh, nghĩa hàm ý, cách diễn giải qua tái hiện và nhận xét về chi tiết, hình ảnh theo những trình tự hợp lý.

Phân tích mẫu, viết mẫu, trả lời câu hỏi mẫu là cách dẫn các em vào việc để ban đầu là bắt chước, sau đó từng bước sẽ biết nói, biết viết. (Làm mẫu khác với văn mẫu của học sinh giỏi).

Những bài dạy chương trình 2018 nói chung thực hiện đúng yêu cầu của bộ môn đòi hỏi mỗi nhà giáo phải chuyên tâm và nỗ lực, kiên trì và linh hoạt.

Thầy cô rõ ràng cần quyết tâm học hỏi, tự bồi dưỡng và tham vấn đồng nghiệp để từng bước làm chủ kiến thức và kỹ năng, làm chủ bài học và phương pháp.

Chỉ khi nào thực sự hiểu bài học, nắm chắc kiến thức, thầy cô mới làm chủ được phương pháp và linh hoạt điều chỉnh.

Sự rập khuôn giáo án 5512, máy móc áp dụng các phương pháp như chia nhóm lớp trên 40, sơ đồ tư duy xanh đỏ cầu kì, giao nhiều bài tập, giao dự án xa vời… theo tôi, chỉ làm rối thêm nỗ lực đổi mới trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn của các nhà trường hiện nay.

Học sinh thay đổi

Học sinh lớp 8, 9 và lớp 10 năm học này đều phải học nhảy từ chương trình, phương pháp cũ sang chương trình và phương pháp mới (nếu học liền mạch Chương trình 2018, học sinh sẽ không bị thiếu hụt nhiều kiến thức, kỹ năng căn bản).

Sự thiếu hụt kiến thức và kỹ năng Ngữ văn tạo thành khoảng trống, làm cho các em lo lắng rất có thể sẽ lại tìm tài liệu, tìm học thêm và quay lại lối mòn học sao chép và đối phó.

Các trò sẽ thay đổi ngay tư duy học tập bằng cách từ bỏ việc học lệ thuộc tài liệu và thầy cô giáo, học bắt chước, làm theo và học thuộc, nhớ dai. Các trò xác định rõ nhiệm vụ từ nay là tự học, tự nghiên cứu và tự làm bài tập là chính, tự viết theo năng lực và điều kiện của mình. Chuẩn bị trước bài là việc làm bắt buộc.

Các em hãy bắt đầu bằng thực hiện giờ giấc sinh hoạt, học tập nghiêm túc ở nhà và ở trường. Tuyệt đối không học quá 24 giờ, đảm bảo ngủ đủ 6-7 giờ để sáng chiều đủ năng lượng, sức khỏe, tỉnh táo tham gia giờ học thoải mái và hiểu bài. Dành nhiều thời giờ tự học, chịu khó trao đổi với bạn và với thầy thay vì trông đợi vào tài liệu và học thêm.

Thay đổi thói quen ghi chép bài, chỉ ghi những gì cần, những gì chưa hiểu chứ không có chép hết tất cả. Chú ý tương tác, hưởng ứng trao đổi suốt giờ học để hiểu bài 50% tại lớp. Hoàn tất bài tập theo năng lực, tránh học bài, làm bài đối phó cho xong.

Giờ thực hành viết, nói và nghe ở Trường Trung học phổ thông Vĩnh Yên. Ảnh: Văn Lự

Giờ thực hành viết, nói và nghe ở Trường Trung học phổ thông Vĩnh Yên. Ảnh: Văn Lự

Học tập theo yêu cầu chương trình mới với các em quả là khó khăn, đặc biệt với vùng nông thôn, miền núi. Các em cần hiểu rằng, chỉ một phần kiến thức và kỹ năng mới, còn vẫn là những gì các em đã được học, được làm và làm tốt ở trung học cơ sở.

Vấn đề quan trọng là mỗi học sinh cần chăm chỉ và kiên trì, tập trung năng lượng và tâm trí chuyên cần để từng bước hiểu bài, vận dụng và thành thục dưới sự trợ giúp của thầy cô và bạn bè.

Bồi lấp thiếu hụt kiến thức và kỹ năng Ngữ văn

Bên cạnh việc đảm bảo tiến độ chương trình, thầy cô Ngữ văn lồng ghép ôn tập và củng cố cho học sinh lớp 10 các trọng tâm:

1. Toàn bộ tri thức về từ vựng, câu, tu từ, phương thức biểu đạt, kiểu văn bản, ngữ pháp văn bản, đoạn văn, và tạo lập văn bản.

2. Hướng dẫn và ôn tập cách đọc, cách nói, cách ghi chép và cách nghe, cách đọc hiểu, đọc nhanh theo tư duy logic để trả lời các câu hỏi của bài học.

3. Hướng dẫn và củng cố cách đặt câu hỏi và trả lời, cách tự trả lời và tự học bài, tự viết bài tự do bày tỏ suy nghĩ và hiểu biết của mình.

4. Ôn tập và làm mẫu cho học sinh cách đọc hiểu văn bản, hướng dẫn học sinh cách đọc và cách hiểu văn bản dựa vào những tiêu chí nào.

5. Hướng dẫn và làm mẫu theo công thức viết đoạn văn theo cách trình bày đoạn văn đã học. Cách viết văn bản và cách viết bài nghị luận ngắn 300-500 chữ.

Cuối cùng thì năng lực và quyết tâm của người thầy vẫn là điều tiên quyết.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Văn Lự