“Thấy con của ta học không được thì kêu lên bảng làm gì?”

26/11/2019 06:41
Phan Tuyết
(GDVN) - Nó nghỉ học là tại cô. Nếu cô cứ bắt con ta đứng dậy trả lời câu hỏi một lần nữa thì ta sẽ bắt con ta nghỉ học, cô không có tiền lương sẽ chết đói”.

Câu chuyện vận động học sinh ra lớp của cô giáo Phan Thị Duyên, giáo viên trường Mường Típ 1 huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã làm không ít người nghe bật cười nhưng cũng có phần xót xa trước ý thức về việc học của một số người dân nơi thâm sơn cùng cốc.

Kỉ niệm một lần đi vận động học sinh ra lớp của cô giáo Phan Thị Duyên huyện Kỳ Sơn (Ảnh nhân vật cung cấp).
Kỉ niệm một lần đi vận động học sinh ra lớp của cô giáo Phan Thị Duyên huyện Kỳ Sơn (Ảnh nhân vật cung cấp).

“Nếu cô cứ bắt con ta đứng dậy trả lời một lần nữa, ta sẽ bắt con ta nghỉ học cho cô không có tiền lương ăn sẽ chết đói”

Cô Duyên nói rằng, năm 2012 khi cô đang dạy tại Trường Tiểu học Mường Lống 2, trong lớp học của mình có em Lầu Thị Chùa (học sinh lớp 3) học khá yếu.

Cô chưa bao giờ to tiếng với em, dù có cáu giận cũng phải tươi cười, nhẹ nhàng vì sợ em nghỉ học.

Thế nhưng cứ hôm nào gọi em đứng lên đọc bài thì lập tức hôm sau em sẽ nghỉ học vài ba ngày.

Thời điểm đó, cô Duyên đang mang bầu nhưng vẫn phải thường xuyên đi gần hai chục cây số đến nhà vận động em tới lớp.

Khi thấy cô giáo, em Chùa cứ ôm chặt cây cột nhà khóc và nhất định không chịu đi học.

“Thấy con của ta học không được thì kêu lên bảng làm gì?” ảnh 2
Hình ảnh xúc động giáo viên vượt lũ vào với học sinh người Rục

Mẹ em tỏ ra giận dữ nhìn cô và nói bằng tiếng H.Mông (có lẽ mẹ em nghĩ cô giáo chưa hiểu tiếng của mình nên mới thế):

“Cô thì ngu lắm ấy, con của ta đi học không được gọi lên bảng đọc bài, không được bày làm bài mà cứ để như thế.

Nó nghỉ học là tại cô. Nếu cô cứ bắt con ta đứng dậy trả lời câu hỏi một lần nữa thì ta sẽ bắt con ta nghỉ học, cô không có tiền lương sẽ chết đói”.

Cô Duyên nói mình cũng không trách mẹ cô bé vì nhận thức của họ chỉ đến vậy nhưng nếu nói lại vị phụ huynh này cũng sẽ không thể hiểu.

Nhìn thấy ông bố có vẻ hiểu biết hơn, cô Duyên đã phân tích rằng:

“Bố mẹ đã cho con đi học, đã tin tưởng gửi gắm thì thầy cô cũng xem học trò như con cái của mình để dạy dỗ.

Em học yếu, giáo viên cố gắng, nỗ lực kèm để em học tốt hơn. Thế nên gọi lên bảng đọc bài là cô thương chứ không phải cô ghét”.

Nghe thế, ông bố giật mình vì biết cô giáo hiểu rõ tiếng H.Mông. Vị phụ huynh đã nói với chị vợ: “Mẹ thì ngu lắm” rồi quay qua xin lỗi cô giáo và mong cô thông cảm.

Từ hôm đó, ông bố đã chủ động đưa con đi học một thời gian khá dài cho đến khi gia đình chuyển đi một nơi khác.

Cả tuần đi dạy ngày nghỉ phải vào bản vận động phụ huynh cho con đến trường

“Thấy con của ta học không được thì kêu lên bảng làm gì?” ảnh 3
Thương lắm! giáo viên cắm bản vùng rốn lũ

Giáo viên dạy nơi vùng sơn cước ngoài việc phải chịu bao khó khăn vất vả về điều kiện sống, sinh hoạt thì việc đi vận động học sinh trở lại lớp cũng muôn phần gian nan.

Suốt tuần đi dạy, 2 ngày nghỉ cuối tuần phải lặn lội tới tận nhà học sinh.

Nhiều thầy cô kể, phụ huynh thường đi làm rẫy xa vài tuần mới về nên cũng khó gặp.

Điện thoại không có sóng nên chẳng biết liên lạc cách nào ngoài việc phải đi trong may rủi.

Có em phải đi vài ba lần, có em thầy cô phải hỏi đường lên tận rẫy nơi ba, mẹ làm mới có thể gặp được.

Kinh nghiệm nhiều năm đi vận động học sinh ra lớp của giáo viên Kỳ Sơn là đưa ngay các em về trường chứ nghe phụ huynh hứa để vài bữa có thể sẽ chẳng bao giờ các em sẽ trở lại lớp.

Phan Tuyết