Thầy giáo mách chiến thuật giành điểm cao môn Vật lý

07/06/2020 07:11
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Môn Vật lí là một trong những môn thi bắt buộc của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, và được cho là “khó nhằn” đối với nhiều học sinh.

Chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, thầy Đỗ Ngọc Hà, giáo viên môn Vật lí tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, đã đưa ra những tư vấn thiết thực trong giai đoạn nước rút này tới các em học sinh.

Theo thầy Hà, dựa vào đề tham khảo môn Vật lí mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có thể phân tích cụ thể.

Đề gồm 40 câu, trong đó có 36 câu nằm ở chương trình lớp 12 và 4 câu nằm ở chương trình lớp 11. Những kiến thức các em cần tập trung ôn luyện bao gồm:

7 chương của lớp 12 (Dao động cơ, Sóng cơ, Sóng điện từ, Điện xoay chiều, Sóng ánh sáng, Lượng từ ánh sáng, Vật lí hạt nhân) và 3 chương của lớp 11 (Điện học, Từ học, Quang học).

Kiến thức học kì 1 của lớp 12 có 23 câu, chiếm tới 57,5% đề thi, học kì 2 có 13 câu, chiếm 32,5% đề thi.

Thầy Đỗ Ngọc Hà (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thầy Đỗ Ngọc Hà (Ảnh nhân vật cung cấp)

Câu hỏi mức nhận biết và thông hiểu có 28 câu (chiếm 70%), để lấy điểm vùng này các em ôn thật chắc chắn lí thuyết và các dạng bài cơ bản, có thể tham khảo và làm nhuyễn các câu hỏi dạng này trong đề thi các năm trước.

Câu hỏi vận dụng cao có 4 câu (chiếm 10%), để lấy điểm vùng này các em tập trung ôn luyện kĩ ở 3 chương đầu của lớp 12, gồm:

Dao động cơ (các vấn đề như con lắc lò xo treo thẳng đứng, biến cố dao động,...), Sóng cơ (các vấn đề như hình ảnh sợi dây trong truyền sóng và sóng dừng, giao thoa sóng, ...), Điện xoay chiều (các vấn đề như mạch điện xoay chiều có sự thay đổi, đồ thị điện,...).

Lên kế hoạch ôn luyện và chiến thuật phòng thi

Để lập kế hoạch ôn luyện tốt nhất, theo thầy Hà, các em nên hệ thống lại toàn bộ kiến thức nằm trong 11 chương sẽ có trong đề thi.

Việc hệ thống lại theo các chương lớn sẽ giúp các em dễ dàng nắm bắt và theo dõi, từ đó biết được mình đang bị hổng phần kiến thức nào để bù đắp kịp thời.

Các em có thể ghi lại những kiến thức cần lưu ý vào một quyển sổ riêng theo cách dễ hiểu nhất đối với bản thân, như vẽ sơ đồ tư duy hoặc lập bảng hệ thống.

Song song đó, các em cần tập giải các đề thi mẫu, mỗi ngày 1 - 2 đề trong 2 tuần cuối cùng trước khi thi. Các em cần tự đặt mình trong điều kiện phòng thi để làm quen với áp lực về thời gian, nắm được kiểu ra đề.

Khi vào phòng thi, ngay sau khi phát đề, các em có khoảng thời gian ngắn để kiểm tra đề rồi mới bắt đầu tính thời gian làm bài. Hãy tận dụng ngay khoảng thời gian này để đọc đề một lượt.

Các em chỉ có 50 phút để hoàn thành 40 câu trắc nghiệm, bởi vậy, nếu các em không phân bổ thời gian hợp lí thì sẽ rất dễ bị sa đà vào những câu khó và bỏ qua câu dễ. Tuy nhiên, không vì làm nhanh mà dẫn tới làm ẩu, cần làm câu nào chắc ăn câu đó.

Các em làm lần lượt, gặp những câu khó thì đánh dấu lại để không bị bỏ sót và giải quyết lần lượt những câu dễ trước.

Sau cùng, khi còn thời gian, các em hãy bình tĩnh để nhớ lại kiến thức của những phần khó. Trong trường hợp không trả lời được, các em có thể chọn đáp án ngẫu nhiên, tuyệt đối không bỏ trống bất cứ câu nào.

Cuối cùng, hãy dành 5 phút để dò lại đáp án một lần nữa, tránh việc bỏ sót hay tô sai ở những câu dễ mà mất điểm oan.

2 tháng sẽ trôi qua rất nhanh, các em cần kết hợp học tập và nghỉ ngơi một cách hợp lí. Dù lo lắng các em cũng không nên ôn tập quá sức. Ngoài ôn luyện thì việc cần làm của các em là chuẩn bị tinh thần và sức khỏe thật tốt cho kì thi quan trọng sắp tới.

Thùy Linh