Thầy Khoa, người biến dự án dạy học tích hợp thành kỷ niệm khó quên với học trò

28/02/2020 01:07
Đỗ Thơm
(GDVN) - Thay vì ngồi trên lớp, thầy giảng trò nghe chép hay đi tham quan địa danh một cách lướt qua, thầy Khoa biến học sinh thành một phần của chính các bài học.

Đến nay, thầy Nguyễn Văn Khoa - Tổ trưởng tổ xã hội Trung học phổ thông, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Ban Mai (quận Hà Đông, Hà Nội) đã cùng tổ chuyên môn, các học sinh trong trường trải qua nhiều dự án dạy học tích hợp liên môn.

Thầy Nguyễn Văn Khoa trên sân khấu của dự án Theo ánh sao Khuê tổ chức tại di tích Côn Sơn. Ảnh: Đỗ Thơm
Thầy Nguyễn Văn Khoa trên sân khấu của dự án Theo ánh sao Khuê tổ chức tại di tích Côn Sơn. Ảnh: Đỗ Thơm

Với các học sinh trong trường, nhắc đến dự án dạy học Chí Phèo; dự án cùng học sinh Ban Mai ôn thi Trung học phổ thông Quốc gia; dự án Về miền Tây Tiến và dự án Theo ánh sao Khuê là các em nhớ ngay đến thầy Khoa.

Tham gia các dự án này, học sinh được hóa thân, làm “sống lại các nhân vật như Thị Nở, Chí Phèo; người lính Tây Tiến; Anh hùng dân tộc-danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi…theo cách cảm nhận của riêng các em.

Đặc biệt hơn nữa, địa điểm để học sinh biến mình thành một phần của tác phẩm lại chính là các địa danh gắn liền với nhân vật như nhà Bá Kiến, Tây Tiến, di tích Côn Sơn…

Thầy Khoa luôn quan niệm, giáo viên hãy tin tưởng và trao cơ hội cho học sinh. Các em sẽ làm được vì tự học sinh tìm tòi, các em sẽ có sự hứng thú, sáng tạo hơn rất nhiều.

Thầy chia sẻ: "Trong quá trình dạy học và tìm hiểu về năng lực thực tế của em, tôi nhận thấy học sinh của mình có rất nhiều năng lực khác nhau.

Em có khả năng tổ chức sự kiện, khả năng dẫn chương trình, diễn kịch, biên kịch, đạo diễn…Những yếu tố đó cũng phù hợp với việc rèn kỹ năng sau này cho học sinh.

Các em cũng tâm sự nếu thầy tổ chức các dự án khơi gợi được khả năng sáng tạo, làm việc nhóm, học tập trải nghiệm các em cảm thấy học văn nhẹ nhàng, thú vị, nhớ lâu hơn.

Từ lúc tìm hiểu nguyện vọng của học sinh muốn học tập theo mô hình “học mà chơi”, cùng với đó ngành giáo dục, nhà trường cũng chủ trương tăng cường dạy học tích hợp liên môn, tôi và các giáo viên trong tổ bộ môn đã triển khai các dự án dạy học đầy thú vị này”.

Anh chàng" Chí Phèo" do một học sinh tham gia dự án dạy học Chí Phèo hóa thân. (Ảnh tư liệu nhà trường cung cấp)
Anh chàng" Chí Phèo"  do một học sinh tham gia dự án dạy học Chí Phèo hóa thân. (Ảnh tư liệu nhà trường cung cấp)

Thầy Khoa tâm sự, mỗi dự án dạy học tích hợp liên môn cũng có những thuận lợi và khó khăn. Nhưng bản thân thầy nhận thấy, khó khăn lớn nhất khi thực hiện dự án đó là cái tâm của người thầy.

“Nếu cái tâm của người thầy không đủ lớn, chỉ làm qua loa, đại khái, hời hợt thì chắc chắn rằng sẽ không mang lại kết quả. Khi cái tâm của thầy đã chạm đến sự chia sẻ của nhà trường phụ huynh và học sinh thì chắc chắn rằng công việc sẽ thuận lợi và thành công.

Sau mỗi dự án, chúng tôi đã nhận được những phản hồi tích cực từ phụ huynh và học sinh. Phụ huynh nhận định rằng, có lẽ đây là những tiết học xúc động nhất và hiệu quả nhất đối với các trò.

Trên thực tế, ở mọi dự án, các thầy cô chỉ đóng vai trò cố vấn, có chăng cũng sửa chữa kịch bản cho các em được trau chuốt hơn.

Và thực tế đã chứng minh, khi học sinh được trao cơ hội, các em sẽ tỏa sáng theo đúng cách của chính các em mà không theo theo một khuôn mẫu nào do thầy cô định hình sẵn. Đó chính là mô hình giáo dục hiện đại mà bất kì nền giáo dục nào cũng cần hướng tới.

Còn đối với học sinh các em rất hào hứng: từ chuẩn bị, tập luyện đến tiến hành báo cáo dự án. Và tôi tin tưởng rằng, có lẽ sau này các con sẽ không bao giờ quên được những dự án, những tiết học mà các con thực sự đóng vai trò làm chủ.

Và chỉ khi các con chủ động chiếm lĩnh các tri thức thì mới có thể biến thành những giá trị cần thiết cho bản thân”, thầy Khoa nhận định.

Đỗ Thơm