Thầy Nguyễn Minh Thuyết nắm chắc Nghị quyết 88, nhưng có hiểu cái khổ của Dân?

18/09/2018 09:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Thầy Nguyễn Minh Thuyết nắm rất rõ Nghị quyết 88/2014/QH13, nhưng dường như chưa thấu hiểu những vấn nạn Đại biểu Quốc hội chỉ ra liên quan đến sách giáo khoa.

Ngày 15/9, tại bàn tròn trực tuyến do Báo VietnamNet tổ chức, nhà báo Phạm Huyền đặt câu hỏi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết:

"Thưa Giáo sư, rõ ràng câu chuyện về một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa đã được thống nhất từ lâu rồi, được thể hiện trong Nghị quyết 88. 

Thế nhưng tại sao trong thời gian cách đây 2 hôm, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và nêu vấn đề này ra thì lại có những ý kiến tỏ ra rất bỡ ngỡ, ngỡ ngàng trước câu chuyện, tại sao lại có chuyện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa như vậy.

Và hoài nghi là tại sao lại có thể thực hiện nhiều bộ sách, đáng lẽ là một chương trình, một bộ sách thôi. Giáo sư có thể giải thích từ góc nhìn cá nhân của Giáo sư về điều này?".

Thầy Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ rằng:

"...Người dân người ta không muốn độc quyền sách giáo khoa nữa, người ta muốn là có nhiều bộ sách giáo khoa để cạnh tranh về chất lượng, để con em người ta được lợi hơn.

Ảnh chụp màn hình clip Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ trên Báo VietnamNet ngày 15/9, nguồn: Phạm Hải / VietnamNet.
Ảnh chụp màn hình clip Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ trên Báo VietnamNet ngày 15/9, nguồn: Phạm Hải / VietnamNet.

Tôi nghĩ rằng các vị Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho cử tri thì chắc chắn các vị phải hiểu tâm tư tình cảm của người dân, phải hiểu được cái xu thế của thế giới.

Và quan trọng nhất là phải hiểu giáo dục, tôi xin nói là muốn phát biểu về giáo dục phải hiểu giáo dục và chú ý đến những vấn đề lớn, không sa đà vào những vụ tranh luận nhỏ, những tiểu tiết lặt vặt.

Tôi nghĩ như thế sẽ đi đến một quyết định đúng đắn." [1]

Đại biểu Quốc hội rất hiểu bức xúc của cử tri

Ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. 

Thảo luận tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn về quy định các cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa (Điều 29 dự thảo luật):

“Nếu học sinh, phụ huynh mua sách đến trường thầy giáo bảo không được, phải mua sách của trường thì thế nào?”

Ông cho rằng, thời ông học sách giáo khoa 10 năm vẫn dùng được và dù là ở Hà Nội hay lên miền núi vẫn học được. Nay nếu mỗi trường tự chọn sách giáo khoa thì sẽ là sự tốn kém rất lớn cho xã hội. 

Từ đó, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo phải quy định thống nhất các trường sử dụng sách giáo khoa theo chương trình chung.

Đồng quan điểm, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho hay, cử tri hết sức bức xúc với sách giáo khoa sử dụng một lần vì mỗi năm các gia đình phải bỏ ra tới 1.000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa nhưng năm sau thì không dùng được nữa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ảnh: quochoi.vn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ảnh: quochoi.vn.

“Phải thống nhất cả nước, chứ không trẻ con đi học giáo viên gợi ý học sinh phải mua sách, không mua giáo viên chấm điểm thấp thì gay” – Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm;

Ông đề nghị không thể quy định sách giáo khoa nhà trường tự chọn hay một môn học có nhiều sách giáo khoa.

Cho ý kiến về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định:

“Cải cách, đổi mới nhưng sau đó phải có tính ổn định, thống nhất, đồng bộ. Không thể có sách giáo khoa tự chọn được.

Không thể trường này nói tôi muốn học cái này, trường khác thì học cái khác, tỉnh nào có sách của tỉnh đó.”.

Liên quan tới quy định về các chương trình thí điểm, thực nghiệm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, gần đây, cử tri rất quan tâm tới chương trình thực nghiệm công nghệ giáo dục.

Theo luật Giáo dục hiện hành, khi chương trình thí điểm được triển khai đại trà thì Chính phủ phải trình Quốc hội để phê chuẩn.

Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành như Hà Tĩnh 100% các trường đều sử dụng sách công nghệ giáo dục, như vậy, lúc này chương trình thực nghiệm đã trở thành đại trà chứ không còn là thực nghiệm nữa.

Bà đề nghị, dự thảo luật cần thể hiện rõ quyền của phụ huynh và học sinh. Phụ huynh cần được biết chương trình dạy con mình như thế nào và người ta có quyền tham gia hay không tham gia.

Thầy Nguyễn Minh Thuyết nắm chắc Nghị quyết 88, nhưng có hiểu cái khổ của Dân? ảnh 3

Thầy Hồ Ngọc Đại bàn về chương trình mới: cơ bản là để chia tiền

“Tôi thấy rất thương trẻ con học sinh bây giờ vì học rất khổ sở. Thế hệ chúng tôi học cách đây 5 - 6 chục năm nhưng kiến thức không quên cái gì, còn nguyên. Trẻ con giờ hỏi gì đều không biết”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói;

Bà rất băn khoăn về chất lượng giáo dục hiện nay bởi học sinh phải học thêm rất nhiều, gần như không có nghỉ hè, không có vui chơi.

Theo Chủ tịch Quốc hội, một người bạn là giáo viên nói rằng, giáo dục bây giờ rất khó, không giống ngày xưa, không làm cho học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng mà đặt ra nhiều cái cao siêu, hàn lâm rồi liên tục đổi mới, thí điểm mà không biết kinh nghiệm ở đâu.

“Thực nghiệm gì mà mấy chục năm vẫn còn thực nghiệm, hết chương trình này thí điểm, chương trình kia thực nghiệm, khổ học sinh lắm” – Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, đồng thời đề nghị bố trí thêm thời gian thảo luận về dự án luật này. [2]

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị cần nghiên cứu giảm tải các môn học trong giáo dục phổ thông, nhất là những môn học mang tính hàn lâm. [3]

Như vậy, có thể thấy rằng các Đại biểu Quốc hội rất hiểu những bức xúc của cử tri về mấy vấn nạn trong lĩnh vực phát hành sách giáo khoa.

Thứ nhất là tiền sách vở đầu năm học cho con em bây giờ quá tốn kém, do ngành giáo dục năm nào cũng in lại sách giáo khoa sử dụng 1 lần và việc bán kèm sách bài tập, sách tham khảo, sách bổ trợ các loại thông qua kênh nhà trường.

Lý do theo chúng tôi, là vì nhập nhằng khái niệm "sách giáo khoa" do Luật Giáo dục chưa quy định rõ ràng.

Thứ hai là ngành giáo dục (nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục từ phòng lên Bộ) đã trở thành nơi tiếp thị các loại sách, học liệu, đồ dùng học tập và cả các dịch vụ có thu phí;

Giáo viên bị đẩy ra thực hiện các công việc này, thuyết phục không xong thì điểm số đã trở thành công cụ gây sức ép khiến cha mẹ học sinh bức xúc.

Thầy Nguyễn Minh Thuyết nắm chắc Nghị quyết 88, nhưng có hiểu cái khổ của Dân? ảnh 4

Vụ Tiểu học có phải sân sau của Giáo sư Đại, ai cứu học sinh thoát thí điểm?

Thứ ba là các chương trình thí điểm giáo dục được triển khai vô nguyên tắc, vô tội vạ, thậm chí thí điểm 40 năm không ra được kết luận;

Quan trọng hơn là cha mẹ học sinh và các em không được hỏi ý kiến về việc có chấp nhận "thí điểm" của ngành giáo dục hay không.

Thí điểm chỉ cần 1000 học sinh là cho ra kết quả chính xác, nhưng "người ta" sẵn sàng lách luật, thí điểm trên hàng trăm ngàn học sinh khắp cả nước để bán sách.

Thứ tư, trẻ em bây giờ học hành rất khổ sở, phải lao vào học thêm tối ngày để đối phó với các kỳ thi, nhưng "hỏi gì cũng không biết".

Chúng tôi cho rằng 4 nhận xét này của các Đại biểu Quốc hội phản ánh rất chính xác thực trạng giáo dục phổ thông.

Trong khi những người có trách nhiệm, những người trong cuộc thì lại không thấy được thực trạng ấy, thậm chí có dấu hiệu đổ thừa cho người khác.

Chúng tôi đã phân tích khía cạnh này trong bài viết Ai đang bòn rút từng đồng từ túi dân nghèo đằng sau những cuốn sách giáo khoa?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và đội ngũ làm chương trình - sách giáo khoa 2000 đã góp phần quan trọng tạo nên bức tranh giáo dục nói trên, trách nhiệm có lẽ chỉ đứng sau các chuyên gia vẽ dự án ở Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, nếu không mổ xẻ phân tích một cách khoa học để tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp phù hợp, hiệu quả, thì chỉ vì 4 vấn đề lớn này mà quay trở lại 1 chương trình 1 bộ sách giáo khoa, căn bệnh của giáo dục phổ thông Việt Nam sẽ càng trầm kha, khó chữa.

Đó là chưa kể đến "quy trình" như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã đề cập, Quốc hội phải ra nghị quyết để bác bỏ Nghị quyết số 88/2014/QH13 được dư luận đánh giá rất cao, một giải pháp chống độc quyền sách giáo khoa.

Sách giáo khoa là thánh điển hay học liệu?

“Tôi thấy rất thương trẻ con học sinh bây giờ vì học rất khổ sở. Thế hệ chúng tôi học cách đây 5 - 6 chục năm nhưng kiến thức không quên cái gì, còn nguyên. Trẻ con giờ hỏi gì đều không biết”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rất đúng thực trạng.

Vì đâu nên nỗi ấy? Vì trước cuộc cải cách giáo dục năm 1979 và sau đó chuyển thành thay sách giáo khoa cuốn chiếu từ 1981 đến 1993, người học phải học rất ít môn, đánh giá chất lượng sát thực chất, học thật thi thật.

Thầy Nguyễn Minh Thuyết nắm chắc Nghị quyết 88, nhưng có hiểu cái khổ của Dân? ảnh 5

Những quy luật bất thường qua 3 lần thay sách giáo khoa

Nhưng đợt thay sách giáo khoa từ 1981-1993 đã mang về cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam một dòng tiền không nhỏ, dẫn đến chu kỳ thay sách giáo khoa tiếp theo từ tháng 10/1993 kéo dài đến hết năm 2008 với khoảng 2 tỷ USD.

Giáo dục phổ thông đã trở nên rối rắm với rất nhiều môn học mới, trong đó có những môn không phục vụ gì cho cuộc sống, lao động và học tập của trẻ em, không giúp gì cho trẻ em trưởng thành, tự học và tự lập.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng như Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã nhận xét một cách rất xác đáng về gánh nặng hàn lâm các giáo sư đặt lên đôi vai trẻ em.

Các nhà viết sách giáo khoa 2000 đã đưa kho kiến thức hàn lâm đồ sộ mà học sinh có thể tra Google bất cứ lúc nào và ở đâu, vào sách giáo khoa, để một đứa trẻ lớp 4 phải thuộc lòng tri thức thông sử của 26 thế kỷ.

Hệ quả là rất nhiều thanh thiếu niên ngay giữa Thủ đô, không phân biệt được "quan hệ giữa Quang Trung và Nguyễn Huệ". [4]

2 tỷ USD đi vay thì đã tiêu hết, số tiền người dân phải bỏ ra để mua những cuốn sách giáo khoa kiểu này có lẽ cũng không nhỏ hơn.

Cái còn lại là những sản phẩm giáo dục sống sít như thế này và không ai phải chịu trách nhiệm, đúng như nhận xét của thầy Nguyễn Minh Thuyết, rằng ông đương chức còn chả chịu trách nhiệm nữa là ông về hưu!

Còn một thực trạng khác cũng rất nhức nhối, bất cập về nền học nước nhà mà chúng tôi chưa thấy các Đại biểu Quốc hội nhắc đến;

Đó là chúng ta có rất nhiều giáo sư tiến sĩ, rất nhiều huy chương trong các kỳ thi học sinh giỏi khu vực và quốc tế, nhưng không có giải Nobel, không có tượng đồng bia đá trên "vũ đài" phát minh, sáng chế của nhân loại.

Đó chính là vì chính sách giáo dục từ chương.

Trong đó sách giáo khoa được xem như khuôn vàng thước ngọc, chuẩn mực để đánh giá chất lượng giáo viên và kiểm tra học sinh.

Chính điều này đã dẫn đến cách dạy và học theo kiểu tụng đọc và "nhai lại" những gì trong sách được các giáo sư, tiến sĩ viết ra.

37/40 học sinh Hà Nội độ tuổi từ 9-15 không trả lời đúng câu hỏi Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau, và đưa ra nhiều thông tin cười ra nước mắt, ví như Quang Trung chính là Nguyễn Du.
37/40 học sinh Hà Nội độ tuổi từ 9-15 không trả lời đúng câu hỏi Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau, và đưa ra nhiều thông tin cười ra nước mắt, ví như Quang Trung chính là Nguyễn Du.

Nên một cách vô thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo cách đây không lâu từng ra công văn yêu cầu thi kiểm tra "không vượt ra ngoài nội dung sách giáo khoa" dẫn đến những phản ứng của dư luận.

Trong khi các nền giáo dục tiên tiến đã thoát ly sách giáo khoa từ lâu, chỉ còn chương trình và học liệu. 

Chương trình của họ lại được thiết kế một cách khoa học, sử dụng khá ổn định, chỉ có tu chính, bổ sung cập nhật những cái mới chứ không phải đập đi làm lại tiêu tốn cả tỉ USD. 

Học liệu thì vô cùng phong phú, đa dạng, thậm chí có nhiều nguồn không mất tiền.

Giáo viên hoàn toàn có thể khai thác nguồn học liệu mở này, và học sinh sẽ được hướng dẫn tìm đọc, tra cứu và khám phá các kho tàng tri thức ấy. Qua đó các em biết tự học, tự trưởng thành chứ không phải trở thành những thư viện di động.

Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục đã chỉ rất rõ điều này, giải pháp đưa ra là phải phát triển giáo dục từ lối truyền thụ kiến thức một chiều sang phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng đã thấy rõ điều này, nhưng giải pháp ông đề xuất thì không khả dĩ:

"Nhưng nếu chúng ta quan niệm cái sách giáo khoa nó khác đi, không coi nó là một cái gì gọi là có tính pháp lệnh gì đấy, không phải tài liệu bắt buộc giáo viên phải theo, mà chỉ là một tài liệu dạy học mà giáo viên người ta dựa vào đấy người ta tham khảo thôi, thì tôi nghĩ câu chuyện nó sẽ khác." [1]

Vấn đề quan trọng là, nếu không còn "sách giáo khoa là một cái gì đó có tính pháp lệnh", tức sách giáo khoa trở thành nguồn học liệu mở, thì nguồn thu dồi dào của một số người bỗng dưng biến mất, "người ta" liệu có chấp nhận?

"Cá nhân lãnh đạo có thể thay đổi nhưng quản lý nhà nước là liên tục. Mình xây dựng đề án 10 năm chẳng hạn, thì các thế hệ lãnh đạo khác nhau vào gánh vác kế tục thôi. 

Cũng không có cách nào khác, người chịu trách nhiệm là cả người đề xuất đề án lẫn người kế tục. Bởi người kế tục nếu thấy không ổn thì sẽ phải điều chỉnh.

Tuy nhiên, ở nước mình trước nay chả mấy ai phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai cả, ngay cả ông đương nhiệm còn chả chịu trách nhiệm nữa là ông về hưu!"

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết

Và làm sao có thể mọi chuyện sẽ khác chỉ vì "chúng ta quan niệm sách giáo khoa nó khác đi", khi mà Luật Giáo dục hiện hành, Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT đã đóng khung nó thành một văn bản có tính chất pháp quy?

Bởi vậy, Nghị quyết số 88/2014/QH13 có phải sửa không? Theo chúng tôi là có phải sửa, nhưng tinh thần 1 chương trình nhiều sách giáo khoa phải được pháp điển hóa một cách cụ thể trong Luật Giáo dục sửa đổi lần này;

Để làm sao cho ngân sách không phải mất hàng tỉ, hàng trăm triệu USD cho những sản phẩm sống sượng theo những dự án có vòng đời xấp xỉ 1-2 nhiệm kỳ;

Để làm sao cho người dân không phải bỏ nhiều tiền cho sách vở mỗi năm và học sinh không còn phải "nhai lại" những kiến thức hàn lâm của các bậc giáo sư tiến sĩ phòng lạnh nhưng có thể tra ngay bằng một cú nhấp chuột.

Nói tóm lại, chỉ có pháp điển hóa một cách đúng đắn và khoa học tinh thần 1 chương trình nhiều sách giáo khoa sẽ giải quyết được triệt để các bất cập mà cử tri bức xúc, Đại biểu Quốc hội đã phản ánh.

Còn cụ thể sửa như thế nào, làm chương trình và sách giáo khoa ra sao để đạt được các mục tiêu nêu trên, chúng tôi xin đề cập trong các bài viết tới, vì nội dung bài này đã quá dài.

Có người chia sẻ với chúng tôi mối lo, phải chăng những người đang hưởng lợi từ việc độc quyền 1 chương trình 1 bộ sách giáo khoa đang tìm cách vận động hành lang để bảo vệ "bát vàng" của mình?

Chúng tôi không nghĩ như vậy, và nếu có cũng khó thành, bởi Quốc hội đặt lợi ích của Dân lên trên, nếu không các Đại biểu đã chẳng bức xúc như vậy.

Phát biểu xem lại chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa là những phản ứng tức thời trước các sự kiện quá nóng về giáo dục vừa qua, thể hiện hơi thở cuộc sống và tiếng nói của Dân.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng những người có trách nhiệm liên quan thì im lặng, không ai lên tiếng.

Chính cách quán triệt tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW và triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 từ phía ngành giáo dục mấy năm qua chưa đến nơi đến chốn đã tạo ra những bức xúc không đáng có.

Dân không thể nhớ và thuộc hết các Nghị quyết của Quốc hội như Giáo sư Tổng chủ biên;

Nhưng Dân thấy rõ mình đang bị bòn rút từng đồng, phải trả tiền 2 lần cho những cuốn sách giáo khoa sống sượng và sản phẩm ăn theo, con em Dân bị thí điểm mà Dân không hay biết;

Các cháu phải học thêm tối ngày sau khi đã học thêm buổi 2 ở trường, chỉ vì số môn học quá nhiều và kiến thức toàn của giáo sư, tiến sĩ.

Dân không bao giờ xem đó là "tranh luận nhỏ, những tiểu tiết lặt vặt". Đại diện cho Dân, càng không thể xem đó là chuyện nhỏ.

Kết lại nội dung thảo luận sáng 12/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ:

Trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Bộ Giáo dục và đào đạo, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà giáo dục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật này đảm bảo vừa mang tính quy phạm vừa mang tính khả thi.

Nguồn:

[1]http://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin-thang/gs-nguyen-minh-thuyet-toi-khong-vua-da-bong-vua-thoi-coi-476986.html#inner-article

[2]http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Khong-the-co-sach-giao-khoa-tu-chon-duoc-510145/

[3]http://baochinhphu.vn/Giao-duc/Can-co-su-thong-nhat-ve-sach-giao-khoa/346450.vgp

[4]https://www.youtube.com/watch?v=G0yBAzAd1pk

Hồng Thủy