Thấy trẻ mê games, cụ ông 90 tuổi gây dựng thư viện để các cháu đến đọc

21/07/2022 06:38
Kim Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ít ai có thể hình dung được, ở tuổi 90, một thầy giáo về hưu lại gây dựng nên được thư viện với số lượng sách đồ sộ.

Những ngày nghỉ hè, thay vì cắm cúi vào màn hình điện thoại như nhiều bè bạn đồng trang lứa, Nhật Linh – học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Khắc Nhu (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), lại đắm chìm với những trang sách tại thư viện cộng đồng xã Song Khê. Đã 2 năm qua, em đã coi nơi đây như mái trường thứ hai của mình.

“Em rất thích đọc thể loại truyện tranh, văn học và lịch sử nhưng ở bố mẹ em hay bận công tác nên không thể lúc nào cũng đưa em đi mua. Được các thầy cô giới thiệu, em đã đến thư viện này tìm được những cuốn mình thích. Với nhiều đầu sách đa dạng, em có thể thỏa thích đọc suốt đợt nghỉ hè”, Nhật Linh chia sẻ.

Hiện nay, thư viện cộng đồng xã Song Khê sở hữu khoảng 12.500 đầu sách với đầy đủ các thể loại. Ảnh: Bùi Quốc Hưng

Hiện nay, thư viện cộng đồng xã Song Khê sở hữu khoảng 12.500 đầu sách với đầy đủ các thể loại. Ảnh: Bùi Quốc Hưng

Đau đáu nỗi lo học sinh mê games, lười đọc sách

Được coi là thư viện của xã nhưng nơi đây chỉ là dãy nhà cấp 4 cùng diện tích khiêm tốn. Và ít ai mới lần đầu ghé thăm lại có thể tin được người thủ thư là ông lão năm nay đã bước sang tuổi 90.

Là giáo viên tiểu học đã nghỉ hưu, cụ Đào Quang Huy ham đọc từ thuở bé, trân quý tri thức.

Vào năm 2012, thôn Song Khê 1 (xã Song Khê, thành phố Bắc Giang) thành lập câu lạc bộ dành cho những người trung và cao tuổi, địa điểm sinh hoạt được đặt tại dãy nhà cấp 4, ngay sát cạnh nhà cụ Huy. Thời điểm đó, cụ Huy được nhận nhiệm vụ trông coi phòng thư viện tại đây.

Cụ Huy giới thiệu các đầu sách tại thư viện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Bùi Quốc Hưng

Cụ Huy giới thiệu các đầu sách tại thư viện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Bùi Quốc Hưng

“Lúc đó, tôi quan sát nhiều học sinh không ham học, chỉ mê games (trò chơi điện tử). Tôi thầm nghĩ tại sao mình không mở một thư viện nhưng lại băn khoăn với số lượng sách báo khiêm tốn, sẽ rất ít người tìm đến đọc. Do đó, tôi bắt tay vào lập một thư viện tử tế mong mời gọi được nhiều người”, cụ Huy tâm sự với phóng viên.

Và thế là với chiếc xe đạp cà tàng, cụ Huy đã rong ruổi khắp nơi để đi tìm mua sách báo cũ. Cụ kể, sách có rất nhiều ở những điểm thu mua phế liệu cũ ở thành phố vì trẻ em nơi có điều kiện, đọc xong chúng có thể bán cho những điểm phế liệu này.

Nhiều người thấy được sự nhiệt huyết của cụ, có nơi bán với giá rẻ theo cân; có nơi biếu không cụ hàng trăm cuốn; có nhiều người biết được việc làm ý nghĩa này cũng gửi về biếu thư viện hàng nghìn đầu sách bổ ích.

Sau khi có cho mình số lượng sách kha khá, cụ Huy cho rằng cần thực hiện một cách chuyên nghiệp nên cụ đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng về quản lý thư viện; đồng thời, cụ đến tận các trường các cấp trên địa bàn đề nghị nhà trường, thầy cô giới thiệu cho các em học sinh đến thư viện tìm sách để đọc.

Ngày nghỉ hè, có rất nhiều các cháu học sinh trong xã tìm đến mượn sách. Ảnh: Bùi Quốc Hưng

Ngày nghỉ hè, có rất nhiều các cháu học sinh trong xã tìm đến mượn sách. Ảnh: Bùi Quốc Hưng

Còn sức, nguyện hết mình vì văn hoá đọc

Cụ Huy, với nỗ lực bền bỉ ròng rã suốt 10 năm qua, hiện nay thư viện cộng đồng xã Song Khê đã là một kho tri thức với khoảng 12.500 đầu sách với nhiều thể loại như chính trị, văn học, lịch sử, tôn giáo khoa học - kỹ thuật.

Lượng độc giả thường xuyên lui tới chủ yếu là các em học sinh trong xã và lân cận, ngoài ra, có rất nhiều người đọc trung thành là nhân dân trong xã, thậm chí có cả những công nhân thuê trọ tại các khu công nghiệp trên địa bàn.

Ngoài số đầu sách đa dạng thể loại, thư viện hiện nay còn có hẳn một gian sách chữ nổi dành riêng cho gần 20 người khiếm thị ở xã Song Khê, Tân Mỹ, Đồng Sơn (Thành phố Bắc Giang) có cơ hội tiếp cận với tri thức. Đặc biệt, cụ đã sưu tầm được cả nhiều đầu sách nói (dạng đĩa) để họ có thể đa dạng hơn trong cách tiếp cận.

Ở tuổi 90, hai vợ chồng cụ Huy vẫn mạnh khỏe, đọc sách không cần đeo kính. Ảnh: Bùi Quốc Hưng

Ở tuổi 90, hai vợ chồng cụ Huy vẫn mạnh khỏe, đọc sách không cần đeo kính. Ảnh: Bùi Quốc Hưng

Hiện, lịch mở cửa thư viện từ 7h30-17h vào ngày thứ Ba, thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần, phục vụ bạn đọc tại chỗ và mượn về.

Nhưng cụ Huy cho hay, vào thời điểm khác, nếu có ai có nhu cầu, chỉ cần gọi cổng hay gọi điện, cụ cũng sẵn sàng phục vụ.

Đối với những dạng sách trong dùng trong nhà trường như sách giáo khoa, sách ôn thi thì cụ thường tặng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ vì văn hóa đọc tại xã nhà, cụ được các cháu học sinh, phụ huynh, bà con yêu quý, ủng hộ.

Cụ Huy cho biết, để hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) vừa qua, cụ làm băng rôn, tấm biển gắn tại khu vực cổng thư viện. Ảnh: Bùi Quốc Hưng

Cụ Huy cho biết, để hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) vừa qua, cụ làm băng rôn, tấm biển gắn tại khu vực cổng thư viện. Ảnh: Bùi Quốc Hưng

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Ngày sách Việt Nam diễn ra tại Hà Nội ngày 18/4/2019, cụ Đào Quang Huy vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tuyên dương và tặng Bằng khen vì có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng thư viện cộng đồng và lan tỏa văn hóa đọc trong nhân dân.

“Mới đây, rất vinh dự được lãnh đạo thành phố tặng một dàn máy tính để bàn, tôi sẽ cố gắng trau dồi thêm về cách quản lý thư viện trên các phần mềm. Nếu tôi còn sức khỏe ngày nào, sẽ nguyện tiếp tục làm thủ thư phục vụ nhân dân. Hiện, thư viện đã xuống cấp, mà số lượng sách ngày càng tăng, tôi dự định đề xuất với thành phố Bắc Giang hỗ trợ thêm trang thiết bị (như giá sách), mở rộng diện tích, sửa sang lại thư viện cho thêm phần khang trang”, cụ Huy tâm sự về dự định sắp tới.

Kim Sơn