Thầy Văn Như Cương ứng xử thế nào với phong bì?

22/01/2015 06:58
Phương Thảo
(GDVN) - Người nhận và người trao phong bì trong một hoàn cảnh nào đó đều thấy mình ngại ngùng, ngại không phải mình làm điều gì xấu mà ngại ở ngay “món quà” giấy này.

Sau khi đăng bài viết "Tôn sư trọng đạo” và chiếc phong bì ngày lễ", tòa soạn nhận được nhiều ý kiến của độc giả bàn luận xung quanh chủ đề này. Có nhiều quan điểm về chuyện đi quà cho thầy khác nhau, nhưng phần lớn bày tỏ không đồng tình với cách thể hiện lòng tri ân bằng những chiếc phong bì khô khan.

Viết tiếp bài “Tôn sư trọng đạo” và chiếc phong bì ngày lễ", Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với thầy Văn Như Cương về chủ đề trên. Thầy Cương bày tỏ rõ quan điểm, chuyện tặng phong bì đó là tấm lòng, là điều bình thường, nhưng quan trọng hơn là cách thể hiện như thế nào.

Thầy Văn Như Cương ứng xử thế nào với phong bì? ảnh 1

Phong bì không thể thay lòng tri ân. Ảnh minh họa

Bày tỏ quan điểm của mình, thầy Văn Như Cương vẫn tin rằng mặc dù xã hội có những đổi thay khác trước, mối quan hệ xã hội cũng khác trước, nhanh hơn, hiện đại hơn nhưng tình thầy trò thì mãi không thay đổi. Thầy Cương cho hay, dù thế nào thì truyền thống “Tôn sư trọng đạo” cũng không bị ảnh hưởng, ý thức tôn trọng thầy cô của các em, của cha mẹ các em không bị mai một.

Thầy Văn Như Cương nhớ lại, ngày xưa học trò, phụ huynh nhớ tới thầy cô chỉ là những bó hoa, những quả cam, quả quýt bày tỏ tấm lòng. Nhưng thực tế nhìn nhận, với tâm lý đám đông và theo trào lưu không biết mua gì tặng thầy, cô, và phong bì đã “vô tình” trở thành món quà trao tay. 

Thầy Văn Như Cương ứng xử thế nào với phong bì? ảnh 2Công nghệ khiến học sinh, sinh viên hư thêm?

(GDVN) - Đây là vấn đề được nhấn mạnh tại Hội thảo “Công tác tổ chức hoạt động văn hóa và tư vấn tâm lý trong nhà trường” được tổ chức tại Hà Nội ngày 20/01.

“Tôi ốm phụ huynh cũng đóng góp để tới thăm, nhưng mang tính chất cho cả lớp, cũng không biết mua gì thì lại có cái phong bì, tôi cho đó cũng bình thường vì đây là đại diện cho cả tập thể. Còn chuyện ở trường, ở lớp mà có món quà lớn đưa thầy cô để con được lên lớp hay như thế nào đó, cái đó cũng có và đó là tiêu cực” thầy Văn Như Cương bày tỏ.

Câu chuyện chiếc phong bì và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” được nhà giáo Văn Như Cương nhìn nhận, có một phần yếu tố thương mại trong đó. Cũng chỉ vì do cơ chế thị trường và không chỉ ở lĩnh vực giáo dục mà ở các cơ quan đều có. 

Thầy Cương chia sẻ quan điểm ở khía cạnh chung trong xã hội, thực tế những dịp lễ tết, những dịp kỷ niệm mà cấp dưới thiếu “món quà” đó thì cũng không ổn. Với một xã hội như vậy thì chuyện phong bì là điều hết sức bình thường. “Khi phụ huynh đến thăm thầy, cô họ cũng suy tính đấy chứ, cũng là một lần đến vừa mất  thì giờ mà lại không có gì thì cũng ngại. Đây là một phong trào và chúng ta chưa uốn nắn được.

Ngay bản thân tôi đi chữa bệnh, các bác sỹ tận tình với mình, mình cũng có chút quà gọi là cảm ơn các vị đó, đó là tấm lòng của mình và tôi nghĩ đó là bình thường” thầy Cương cho biết.

Cũng mượn câu chuyện này thầy Văn Như Cương chia sẻ, trong thời gian ông điều trị bệnh đã có rất nhiều phụ huynh và học sinh đến thăm, và them theo đó là không thể thiếu chiếc phong bì. Tuy nhiên, quan điểm của nhà giáo Văn Như Cương thì cách thức ứng xử với những chiếc phong bì đó như thế nào mới là quan trọng.

“Có những đợt nhiều phong bì, tôi gộp những phong bì đó lại để thành lập một quỹ gọi là Quỹ tình thương, sau đợt gộp đó được khoảng 100 triệu, số tiền này giúp cho những trẻ em nghèo hiếu học. Sau đợt đó vẫn có nhiều phụ huynh đến thăm bằng phong bì, nhưng không phải đi cá nhân và thường là đại diện cho ban phụ huynh lớp. Lần đó tôi đã dùng số tiền đó mua cho mỗi thầy cô, mỗi học sinh 1 chiếc áo phông cờ đỏ sao vàng để mặc trong lúc chào cờ. Tấm lòng của phụ huynh tôi không thể từ chối được và quan trọng mình sử dụng tấm lòng đó như thế nào mà thôi” thầy Như Cương chia sẻ.

Cũng theo thầy Văn Như Cương, món quà của phụ huynh dù ở hình thức nào cũng chứa chan những tình cảm, quan trọng người nhận hành động như thế nào để phụ huynh thấy được những điều ý nghĩa nhất. Bởi điều quý nhất đối với một người thầy là học trò còn nhớ tới mình, nhiều người nhớ tới mình, du học trò có làm gì, đi đâu cũng nhớ tới mình, tới trường, đó là điều quý giá nhất.

Bài sau: Xin đừng lấy phong bì là thước đo của lòng tri ân

Phương Thảo