Thế hệ trẻ trước nguy cơ diễn biến hòa bình

23/01/2016 11:42
Trọng Tấn
(GDVN) - Trong bản Di chúc thiêng liêng, Bác Hồ đã căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Trình bày tham luận tại Đại hội Đảng XII sáng nay (23/1), đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhấn mạnh, lịch sử đã khẳng định vai trò, vị trí của thanh niên. Thanh niên là rường cột của nước nhà, là tương lai của đất nước.

Thanh niên Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác, kế thừa truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, luôn phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, khát vọng vươn lên, không quản ngại gian khổ, hy sinh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò và sức mạnh của thanh niên càng được phát huy, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc, bồi đắp thêm những phẩm chất tốt đẹp của thanh niên Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Đức Vinh - Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. ảnh: TTXVN.
Đồng chí Nguyễn Đức Vinh - Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. ảnh: TTXVN.

Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng đã luôn ghi nhận, đề cao vai trò của thanh niên, đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ. Trong bản Di chúc thiêng liêng, Bác Hồ đã căn dặn:“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng luôn coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên thành lớp người vừa “hồng” vừa “chuyên”, kế tục trung thành sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ phụ trách công tác thanh niên. Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn chú trọng xây dựng môi trường lành mạnh để thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

Trong thời kỳ thành lập Đảng, đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai, Bác Hồ cùng các bậc tiền bối cách mạng đã tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, giác ngộ lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước trong thanh niên và nhân dân.

Đảng đã bồi dưỡng lực lượng cốt cán, thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên yêu nước, xây dựng các phong trào cách mạng trong thanh niên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân ta với những người trẻ là lực lượng xung kích đã đứng lên làm cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, thanh niên cả nước đã hưởng ứng phong trào “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”, “3 sẵn sàng”, “5 xung phong”, anh dũng chiến đấu trên những tuyến đầu, xây dựng hậu phương vững chắc. Đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải, thế hệ trẻ tiếp tục tham gia thực hiện sứ mệnh tái thiết đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả hai miền Tổ quốc.

Bước sang thời kỳ đổi mới, Đảng đã chú trọng giáo dục toàn diện thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Đảng thường xuyên nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đề ra đường lối, chủ trương định hướng cho thanh niên, dẫn dắt thanh niên vượt qua khó khăn, thách thức, kiên định đi theo con đường cách mạng của Đảng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thanh niên đã tiếp tục khẳng định là lực lượng xung kích cách mạng, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn thừa nhận, công tác giáo dục thanh thiếu nhi vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ, nhất là trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi.

Thế hệ trẻ trước nguy cơ diễn biến hòa bình ảnh 2

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói về quan hệ với Trung Quốc

Việc tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục thế hệ trẻ chưa kịp thời và hiệu quả; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu.

Trong dự thảo văn kiện trình Đại hội, Đảng đã nhận định, trong những năm tới, tình hình thế giới sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, nhưng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn.

 Trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra tiếp tục tồn tại.

Đặc biệt, nguy cơ "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp rất đáng lo ngại.

Những yếu tố đó tác động mạnh mẽ đến thanh thiếu niên và đặt ra yêu cầu cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ.

Đồng thời, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh đề xuất một số giải pháp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”:

Giai đoạn 2007 - 2012, các lực lượng công an đã điều tra hơn 49.000 vụ phạm pháp hình sự với gần 76.000 đối tượng người chưa thành niên phạm pháp.

Riêng năm 2012, số vụ vi phạm pháp luật ở lứa tuổi này trong cả nước lên tới 8.820 vụ (tăng 231 vụ so với năm 2011) do 13.300 trẻ em và người chưa thành niên gây ra. Đặc biệt, số vụ án do người chưa thành niên phạm tội lần hai trở lên chiếm tỷ lệ cao (44,8%).

Từ năm 2013 đến tháng 6/2014, toàn quốc đã phát hiện 20.805 vụ trên tổng số 30.389 đối tượng thanh thiếu niên phạm tội. Lực lượng công an các cấp đã tiến hành điều tra làm rõ và xử lý hình sự 13.185 vụ với 21.297 đối tượng (chiếm 63% số vụ, chiếm 70% số đối tượng) và xử lý hành chính 7.620 vụ với 9.092 đối tượng.

Trong đó: đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục: 1327 người; giáo dục tại xã, phường: 1.544 người; giao cho gia đình quản lý, giáo dục: 4.130 người, biện pháp khác: 2.091 người

Thứ nhất, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cho thế hệ trẻ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, với sự tham gia, phối hợp có trách nhiệm của ngành giáo dục, gia đình, đoàn thể và toàn xã hội.

Đổi mới nội dung và cách thức học tập 6 bài học lý luận chính trị phù hợp với từng đối tượng đoàn viên. Gắn việc giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa với triển khai sáng tạo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trong đó đề cao sự nêu gương của cán bộ Đoàn, Hội, Đội, định hướng cho thanh niên rèn luyện theo tiêu chí “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”.

Tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền định kỳ gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với thanh thiếu nhi. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong thanh thiếu nhi, nhất là ở các thành phố lớn và địa bàn nhạy cảm.

Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức lệch lạc, biểu hiện sai trái trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi.

Thứ hai, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong tổ chức các phong trào hành động cách mạng, tạo môi trường thực tiễn để thanh thiếu nhi rèn luyện và phấn đấu. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng hội nhập quốc tế cho thanh niên.

Thường xuyên tổng kết và xác định nội dung phong trào phù hợp để thu hút được thanh thiếu nhi tham gia. Phát hiện gương người tốt, việc tốt, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Thứ ba, xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn vững mạnh, làm cơ sở để thực hiện tốt chức năng giáo dục thanh thiếu nhi. Đổi mới nội dung, chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội phù hợp với yêu cầu, tình hình mới.

Không ngừng nâng cao chất lượng rèn luyện đoàn viên, chất lượng sinh hoạt chi đoàn. Thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng.

Thứ tư, phát huy ưu thế của các công cụ, phương tiện truyền thông hiện đại, nâng cao vai trò của hệ thống báo chí, xuất bản của Đoàn trong giáo dục thanh thiếu nhi. Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa của Đoàn, Hội, Đội. Khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội trong công tác giáo dục thanh thiếu nhi.

Trọng Tấn