Thêm bất ngờ về đề thi học sinh giỏi Ngữ văn cấp tỉnh giống đề Olympic như đúc

18/12/2019 06:25
Bài và ảnh: Cao Nguyên
(GDVN) - Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không những trùng đề Olympic mà còn trùng với đề thi đề xuất của trường Lê Hồng Phong năm 2013.

Ngày 13/12/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có bài phản ánh Kì lạ, đề thi học sinh giỏi Ngữ văn cấp tỉnh giống đề Olympic như đúc”.

Theo đó, ngày 11/12/2019, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh, trong đó có môn Ngữ văn.

Đáng chú ý, Câu 1 (8 điểm) của đề thi trùng với câu Nghị luận xã hội lớp 10 của kì thi Olympic 30 tháng 4, lần thứ XIX năm 2013.

Cụ thể, Câu 1 đề thi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nội dung:

“Suy nghĩ của anh/chị về hai ý kiến sau:

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…” (Trích lời bài hát Cát bụi của Trịnh Công Sơn).

“Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu trên mặt đất, in dấu trong trái tim người khác.” (Xukhômlinxki)

Còn câu Nghị luận xã hội (8 điểm) của kì thi Olympic 30 tháng 4, lần thứ XIX năm 2013 có nội dung:

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…” (Trích lời bài hát Cát bụi của Trịnh Công Sơn).

“Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu trên mặt đất, in dấu trong trái tim người khác.” (Xukhômlinxki)

Trình bày suy nghĩ của anh/chị về hai ý kiến trên.”

Có thể nhận thấy, đề thi của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2019 hoàn toàn trùng với đề thi Olympic 30 tháng 4, lần thứ XIX năm 2013 từ hình thức đến nội dung.

Bất ngờ hơn, đề thi học sinh giỏi Ngữ văn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn trùng với đề thi đề nghị của Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh năm 2013.

Đề thi Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong năm 2013:

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…” (Trích lời bài hát Cát bụi của Trịnh Công Sơn).

“Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu trên mặt đất, in dấu trong trái tim người khác.” (Xukhômlinxki)

Trình bày suy nghĩ của anh/chị về hai ý kiến trên.”

Đáp án đề thi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thế nào?

Ngày 13/12/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành chấm bài thi môn Ngữ văn của kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2019-2020.

Đáp án cho đề Ngữ văn:

1. Yêu cầu về kĩ năng

Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội; kết cấu rõ ràng; lập luận chặt chẽ; diễn đạt chính xác, lưu loát; không mắc lỗi về từ ngữ và ngữ pháp; biết vận dụng những hiểu biết về đời sống xã hội, có khả năng bày tỏ thái độ, ý kiến cá nhân khi làm bài.

2. Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách, nhưng phải có lí lẽ và dẫn chứng xác đáng, được tự do trình bày ý kiến cá nhân nhưng thái độ phải chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Sau đây là một số định hướng:

a. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)

b. Giải thích:

- Ý kiến thứ nhất: quan niệm đời người nhỏ bé, mong manh, ngắn ngủi, hư vô.

- Ý kiến thứ hai: Con người không thể sống vô danh, mờ nhạt mà phải sống có ý nghĩa. Đề cao khẳng định giá trị của con người bằng những đóng góp “in dấu” của họ cho đời.

Hai ý kiến tuy đối lập nhưng cũng có quan hệ bổ sung cho nhau.

c. Bàn luận, đánh giá

Ra đề thi vất vả lắm!
Ra đề thi vất vả lắm!

- Ý kiến thứ nhất:

+ Cái nhìn chưa tích cực về con người; kiếp người nhỏ bé, mong manh, hư vô được hóa kiếp từ cát bụi, mờ nhạt trong cuộc đời.

+ Xuất phát từ suy nghĩ con người đến từ cát bụi và cũng trở về với cát bụi, con người sống phải tuân theo quy luật: sinh – lão – bệnh – tử, đời người là hữu hạn.

Vì vậy ý kiến cũng mang ý nghĩa tích cực: hướng con người sống thiện; không tranh giành, bon chen, thủ đoạn, hơn thua…; sống an nhiên trước cuộc đời.

 - Ý kiến thứ hai:

+ Được đến và sống trong cuộc đời là điều hạnh phúc của mỗi người nhưng sống không đồng nghĩa với sự tồn tại mà phải là sự tồn tại có ý nghĩa. Mỗi người là một nhân cách cách riêng, cá tính riêng luôn được đề cao và tôn trọng.

Vì vậy, con người không thể sống vô danh, mờ nhạt, vô vị, mà phải sống có ý nghĩa và có giá trị trong cuộc đời.

+ Sống có giá trị, có ý nghĩa được biểu hiện ở lối sống tích cực, có hoài bão, có trách nhiệm; ở việc không ngừng vươn lên, khẳng định giá trị của bản thân bằng chính năng lực và bằng chính sự đóng góp có giá trị cho cuộc đời; đôi khi còn ở những việc làm giản dị, chân thành từ tình yêu thương…

Đó cũng là cách mà chúng ta “in dấu” trên mặt đất và “in dấu” trong trái tim mọi người – được mọi người yêu mến và nhớ mãi.

- Hai ý kiến đối lập nhau (Ý kiến thứ nhất chưa có cái nhìn tích cực về con người, hướng con người sống an phận. Ý kiến thứ hai thể hiện cái nhìn tích cực và đầy niềm tin về con người, hướng con người không ngừng vươn lên để “in dấu” trong đời.)

Thế nhưng, về ý nghĩa sâu xa, hai ý kiến cũng có mối quan hệ với nhau, bổ sung cho nhau cùng định hướng cho con người, sống tốt, biết cân bằng cuộc sống của mình.

Chính vì đời người là ngắn ngủi, mong manh, nên càng phải sống thân thiện, sống tích cực, để biến từng khoảnh khắc trong cuộc đời trở nên đẹp nhất và giàu ý nghĩa nhất.

- Phê phán những người có suy nghĩ bi quan, tiêu cưc về cuộc sống; sống vô nghĩa, sống thừa,…

d. Bài học nhận thức và hành động

e. Khái quát lại vấn đề nghị luận.

Bài và ảnh: Cao Nguyên