Theo tôi các trường đại học dùng IELTS tuyển sinh là khách quan, hợp lý

13/02/2022 06:52
Nguyễn Hồng Nhung
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đổi mới kiểm tra đánh giá môn ngoại ngữ như thi IELTS sẽ điều chỉnh cách dạy, cách học ngoại ngữ, chú trọng kĩ năng nghe, nói, đọc viết, đó mới là kế lâu dài.

Vừa qua, vấn đề chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nói chung, chứng chỉ IELTS nói riêng đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Vấn đề dư luận quan tâm nhất, chính là sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nói chung, chứng chỉ IELTS nói riêng, trong xét tuyển đại học, cao đẳng có gây mất công bằng không?

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: đa phần các trường sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển.

Một số cơ sở giáo dục đại học thuộc top đầu – các trường có những chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến học hoàn toàn bằng tiếng Anh - thì việc các trường sử dụng thêm các tiêu chí như chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL trong xét tuyển cũng là điều bình thường, hợp lý, có tính hội nhập quốc tế.[1]

Vấn đề thứ hai, được dư luận quan tâm, chính là do tập trung vào IELTS, học sinh bỏ bê các môn học khác. Vấn đề thứ ba, đó là để có điểm IELTS cao, học sinh tốn rất nhiều tiền.

Người viết cho rằng, đánh giá "do tập trung vào IELTS, học sinh bỏ bê các môn học khác", nó mang tính cá biệt của mỗi học sinh, chứ không phải là “mẫu số chung”, tại sao vậy?

Thực tế ở địa phương người viết (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), từ năm 2013 đến nay, những em nhận học bổng do có điểm thi IELTS từ 5.0 trở lên, đều nhận phần thưởng học sinh giỏi, khá của nhà trường, hạn hữu lắm mới có 1 trường hợp không đạt học sinh khá, giỏi.

Như vậy, có thể nói, lo ngại học sinh tập trung vào IELTS, bỏ bê các môn học khác là không có cơ sở thực tế.

Vấn đề thứ ba, để có điểm IELTS cao, học sinh tốn rất nhiều tiền để học, vậy để có điểm thi tốt nghiệp các môn học khác cao, học sinh có tốn tiền không?

Lấy ví dụ, môn Toán, thực tế con người viết, học thêm môn Toán nhóm 5 em, mỗi em 2.500.000 đồng/tháng, học từ lớp 10 đến lớp 12, học 10 tháng/năm, như vậy tính ra 3 năm trung học phổ thông, học phí hết 75 triệu đồng.

Như vậy, việc học để có điểm IELTS cao, tốn vài chục triệu đồng là điều bình thường so với chi phí học tập nói chung.

Nhờ cố gắng đạt điểm IELTS mà con tôi đạt ước mơ

Việc học môn Toán tốn không ít tiền, thỉnh thoảng bố con tôi lại bàn luận về việc đầu tư môn Toán trước đây, các con tôi cười: “Cũng còn tùy, với nhiều người, cho rằng môn Toán để phát triển tư duy, nhưng với cách dạy, cách học môn Toán của ta, chúng con thấy không phải vậy.

Phần lớn khi đó chúng con học Toán để giải bài tập, thầy dạy để vận dụng giải bài tập, chứ không phải phát triển tư duy cho học sinh.

Đầu tư cho môn Toán chỉ giúp có điểm đẹp khi thi cử, kiểm tra, lấy điểm xét tuyển vào đại học… nay quên hết rồi”.

Học lớp 12 đã có IELTS 7.5 dù không dùng để xét tuyển đại học (Ảnh tác giả cung cấp)

Học lớp 12 đã có IELTS 7.5 dù không dùng để xét tuyển đại học (Ảnh tác giả cung cấp)

Sau khi có học sinh cũ sang định cư ở Hoa Kỳ theo diện HO phản ánh, dù tổng kết môn Anh gần điểm tuyệt đối khi học lớp 11 ở Việt Nam, nhưng khi quá cảnh tại Hàn Quốc, không nghe được thông báo của sân bay bằng tiếng Anh, suýt lỡ chuyến bay, sang tới nơi hỏi đường, nhưng cảnh sát không nghe được.

Các bạn ấy tư vấn cho người viết: “Cô nên cho các em nhà mình học để thi IELTS, nếu học như ở trường, khó mà nghe, nói, đọc, viết được.

Nghe, nói, đọc, viết tốt tiếng Anh, sẽ có ưu thế khi đi làm, vì nước ta đang hội nhập, nhiều tập đoàn kinh tế lớn sẽ vào đầu tư”.

Từ thực tế của học sinh, các con tôi tự học qua mạng, ra công viên giao tiếp với người nước ngoài, dạy tiếng Việt cho họ miễn phí để học tiếng Anh.

Chính khả năng nghe, nói, đọc, viết tốt, việc viết bài luận trở nên dễ hơn, các cháu đều có điểm IELTS trên 7.5 ngay từ lớp 12, dù khi đó không hề có phương thức tuyển sinh đại học dùng chứng chỉ IELTS.

Các con tôi học IELTS chỉ mơ ước duy nhất, sau này có cơ hội được làm việc trong các tập đoàn kinh tế nước ngoài và … đi du lịch nước ngoài.

Nhờ cố gắng đạt điểm IELTS mà con tôi đạt ước mơ, 2 cháu đang làm việc cho tập đoàn kinh tế nước ngoài, chuyện đi nước ngoài với các cháu là … rất bình thường.

Với cách thi, kiểm tra đánh giá môn Ngoại ngữ như hiện nay ở nước ta, đã định hướng cách dạy, cách học môn ngoại ngữ hết sức lạc hậu ở trường phổ thông công lập.

Cách dạy ngoại ngữ hiện nay, làm cho học sinh ngán, ngại học ngoại ngữ, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Điều này phản ánh rất rõ nét phổ điểm môn Anh trong các kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học vừa qua, ở các địa phương, môn ngoại ngữ vẫn là môn có điểm trung bình thấp thứ 3.[2]

Để học sinh không phải tập trung vào học và thi IELTS, bỏ phương thức tuyển sinh đại học dùng chứng chỉ IELTS, chỉ là giải quyết phần ngọn, kế sách lâu dài, ngành giáo dục phải nhanh chóng thay đổi phương pháp dạy, cách thức, nội dung kiểm tra, thi cử, môn ngoại ngữ.

Đổi mới kiểm tra đánh giá môn ngoại ngữ như thi IELTS, sẽ điều chỉnh cách dạy, cách học ngoại ngữ, chú trọng kĩ năng nghe, nói, đọc viết, đó mới là kế lâu dài.

Có như thế, ngoại ngữ mới áp dụng vào cuộc sống, thực tế cuộc sống, môn ngoại ngữ sẽ không làm học sinh ngán, ngại trong học tập.

Nhờ cố gắng đạt điểm IELTS mà con tôi đạt ước mơ, quý phụ huynh chớ lo khi cho con học ngoại ngữ đảm bảo bốn kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết, để thi IELTS, đó là điều cuộc sống cần thật sự.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vu-truong-vu-gd-dai-hoc-noi-gi-truoc-lo-ngai-uu-tien-ielts-gay-bat-cong-bang-post223794.gd

[2]https://tuoitre.vn/pho-diem-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2021-lich-su-tieng-anh-co-diem-trung-binh-thap-nhat-20210726031619629.htm

*Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Nguyễn Hồng Nhung