Theo tôi nên phân quyền cho hiệu trưởng chủ động tuyển dụng/sa thải giáo viên

20/02/2022 06:26
MINH KHÔI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu giao cho hiệu trưởng các trường tự chủ tuyển dụng/sa thải giáo viên thì các trường sẽ linh động tuyển dụng giáo viên hàng tháng, bổ sung biên chế kịp thời.

Thực trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên diễn ra trong thời gian gần đây có phần do việc tuyển dụng không đồng nhất, hợp lý ở các địa phương.

Các địa phương thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng viên chức theo các quy định của Luật Viên chức. Thẩm quyền tuyển dụng, quản lý viên chức ngành giáo dục (giáo viên, nhân viên trong và ngoài biên chế) thuộc ủy ban nhân dân các cấp và ngành nội vụ.

Tuy nhiên, một số địa phương đã ký hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao không đúng với quy định hiện hành dẫn đến nhiều nơi cắt hợp đồng giáo viên vô tội vạ, nhiều nơi lại không tuyển được ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên.

Ảnh minh hoạ: Nhandan.vn

Ảnh minh hoạ: Nhandan.vn

Thẩm quyền tuyển dụng giáo viên công lập thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh

Quy định về thẩm quyền tuyển dụng viên chức, Điều 7 Nghị định số: 115/2020/NĐ-CP nêu rõ:

“1. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức.

2. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện.”

Về quy định đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP có một số nội dung quy định mới như sau:

“Việc phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập:

Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau: có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100%; có mức tự bảo đảm chi đầu tư bằng hoặc lớn hơn mức trích khấu hao và hao mòn tài sản cố định của đơn vị.

Mức tự bảo đảm chi đầu tư được xác định bao gồm các nguồn sau: số dự kiến trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong năm kế hoạch hoặc của bình quân 05 năm trước liền kê; số thu phí được để lại để chi thường xuyên không giao tự chủ theo quy định.

Đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giá dịch vụ sự nghiệp công xác định theo cơ chế thị trường, có tính đủ khấu hao tài sản cố định và có tích lũy dành chi đầu tư.

Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau: đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100% và chưa tự bảo đảm chi đầu tư từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thu phí được để lại chi theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí (không bao gồm khấu hao tài sản cố định).

Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này từ 10% đến dưới 100%, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí và được phân loại như sau: đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên.

Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên gồm: đơn vị sự nghiệp công có mức tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này dưới 10%; đơn vị sự nghiệp công không có nguồn thu sự nghiệp.”

Theo quy định trên nhiều trường mầm non, phổ thông công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập (ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh) thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập (hiệu trưởng) thực hiện.

Nên thí điểm trao quyền tự chủ cho hiệu trưởng các trường trong việc tuyển dụng/sa thải giáo viên

Ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh trên cơ sở đề xuất của ngành nội vụ tuyển dụng giáo viên có ưu điểm là hạn chế sai sót trong quá trình tuyển dụng nhưng mỗi năm chỉ tuyển dụng chỉ 1, 2 đợt nên nhiều trường thiếu giáo viên lại không tuyển dụng kịp thời.

Giáo viên không đạt trường này cũng không được tuyển dụng vào trường khác nên rơi vào tình trạng thất nghiệp trong khi đơn vị khác lại thiếu giáo viên.

Nếu giao cho hiệu trưởng các trường tự chủ tuyển dụng, hợp đồng giáo viên thì các trường sẽ linh động tuyển dụng giáo viên hàng tháng, bổ sung nhân lực kịp thời cho các trường, các sinh viên sư phạm ra trường cũng linh động nộp hồ sơ xin việc dễ dàng hơn, tránh trường hợp sinh viên sư phạm thất nghiệp, nhảy việc.

Nếu giao quyền tuyển dụng/sa thải giáo viên cho các hiệu trưởng thì sẽ tuyển dụng được giáo viên giỏi, tâm huyết và gắn bó với nghề và tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường, nếu hiệu trưởng tuyển dụng sai thì thì phải chịu trách nhiệm trước cấp quản lý.

Tuy nhiên, để kiểm soát tiêu cực khi tuyển dụng thì kế hoạch, phương án tuyển dụng phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và sẽ xử lý nghiêm minh các trường hợp tuyển dụng, ký hợp đồng giáo viên sai quy định.

Hiệu trưởng được tuyển dụng giáo viên là xu thế hợp lý nên được áp dụng và nhân rộng để giao tự chủ cho các trường để các trường bổ sung kịp thời biên chế trong trường hợp thiếu giáo viên để hoạt động của trường diễn ra linh hoạt, kịp thời.

Theo người viết, việc thực hiện mạnh mẽ việc giao quyền tự chủ tuyển dụng giáo viên vừa hạn chế tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên vừa tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các hiệu trưởng.

Tài liệu tham khảo:

[1] Nghị định 115/2020/NĐ-CP

[2] Nghị định 60/2021/NĐ-CP

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

MINH KHÔI