Thí nghiệm KHTN 6 được cho là sai sót: GV có trao đổi lại với PGS Cao Cự Giác

29/10/2022 06:30
Cao Nguyên (ghi)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi cảm ơn PGS Cao Cự Giác đã phản hồi. Tôi nêu lên ý kiến là để làm rõ vấn đề, góp ý tích cực nhằm đảm bảo tính chính xác của kiến thức KH.

Ngày 23/10, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Một số thí nghiệm ở sách Khoa học tự nhiên 6, bộ Chân trời sáng tạo được cho là có sai sót", phản ánh ý kiến của thầy Võ Hoàng Bá dạy môn Vật lí ở Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang cho rằng thí nghiệm này có sai sót.

Ngay sau khi bài viết đăng tải, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Cự Giác - Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 6, bộ Chân trời sáng tạo (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã) đã có phản hồi tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Ý kiến đầy đủ cụ thể của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Cự Giác được đăng tải trong bài viết: "Thí nghiệm sách KHTN 6 được cho là có sai sót: PGS Cao Cự Giác lên tiếng".

Thí nghiệm Xác định thành phần phần trăm thể tích oxygen trong không khí. (Ảnh: VHB)Thí nghiệm Xác định thành phần phần trăm thể tích oxygen trong không khí. (Ảnh: VHB)

Đọc toàn bộ ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Cự Giác, thầy Võ Hoàng Bá (Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) có đôi điều trao đổi như sau.

"Ý kiến của tôi về thí nghiệm "Xác định thành phần phần trăm thể tích oxygen trong không khí" đã được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 23/10 nhận được nhiều sự quan tâm của thầy cô trên cả nước.

Tôi xin cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Cự Giác đã có phản hồi về bài viết. Tôi nêu lên ý kiến của mình là để làm rõ vấn đề, góp ý tích cực nhằm đảm bảo tính chính xác của kiến thức khoa học.

Tôi đã thực hiện thí nghiệm của mình và nhận thấy ý kiến của tôi trong bài viết (Một số thí nghiệm ở sách Khoa học tự nhiên 6, bộ Chân trời sáng tạo được cho là có sai sót) là hoàn toàn có cơ sở (xem clip đính kèm).

1. Chủ biên (Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Cự Giác): "Oxygen không phải là chất cháy, mà là chất đốt cháy (duy trì sự cháy)".

Vậy tức là oxygen không phải "bị đốt cháy" như sách giáo viên nói. Oxygen tham gia phản ứng cháy nên dùng từ "tiêu thụ" thay vì "bị đốt cháy".

2. Chủ biên: "Khi úp ống thuỷ tinh vào chậu nước, thì nước đóng vai trò là một “cái nút” sẽ bịt kín ống và không cho không khí ra ngoài, nên lí giải đẩy bớt không khí ra khỏi ống là không hợp lí."

Trong thí nghiệm của tôi có phân tích rõ: Úp ống thủy tinh vào chậu nước khi nến chưa cháy thì không có bóng khí nổi lên, còn khi nến cháy thì có nhiều bóng khí nổi lên. Đó là do không khí bên trong bị đốt nóng giãn nở đẩy bớt không khí bên trong ra ngoài. Nếu úp chậm chậm từ từ thì khí bị đẩy ra trước khi miệng ống tới mặt nước, khi đó không có bóng khí nổi lên.

Khi nến cháy yếu và tắt đi thì ngay lập tức mức nước bên trong dâng lên, đó là do không khí bên trong nguội co lại như ban đầu, nhưng do một phần khí đã bị đẩy ra nên hụt thể tích, áp suất giảm thấp hơn áp suất khí quyển, nước bị áp suất khí quyển đẩy dâng lên trong ống.

3. Chủ biên: "Trong thí nghiệm này khí carbon dioxide và hơi nước sinh ra sẽ được hấp thụ vào nước màu có pha dung dịch kiềm, nên có thể coi áp suất trong ống giảm là do lượng oxygen đã mất đi (lưu ý với những chất dễ cháy như nến, lượng oxygen có thể phản ứng đến mức tối đa)."

Kiềm hấp thụ carbon dioxide và hơi thì mất thời gian bao lâu, trong khi ở thí nghiệm tôi làm là xảy ra ngay lập tức. Hơn nữa có chắc kiềm hấp thụ hoàn toàn hơi nước và carbon dioxide sinh ra hay không.

Trong thí nghiệm tôi thực hiện, tôi sử dụng nước suối, nước ngọt hiện tượng vẫn xảy ra tương tự. Tức là không cần phải là kiềm. Điều này càng khẳng định cách lí giải của tôi là có cơ sở.

4. Chủ biên: "Đối với học sinh phổ thông và cả chúng ta trong cuộc sống, có thể xem đây là trạng thái hơi của nước. Một điều chúng ta cần lưu ý trong dạy học, đó là kiến thức sẽ được hình thành theo từng cấp độ nhận thức."

Tôi đồng ý kiến thức được hình thành theo từng cấp học, nhưng cấp nào cũng phải chính xác, đúng bản chất của vấn đề, đúng khoa học.

5. Thí nghiệm về 2 cây nến to và nhỏ: Rõ ràng trường hợp nến to mực nước dâng cao hơn."

Cùng quan điểm với thầy giáo Võ Hoàng Bá, thầy Đoàn Trọng Duy dạy môn Hóa học ở Bình Dương nêu 5 băn khoăn, thắc mắc về thí nghiệm "Xác định thành phần phần trăm thể tích oxygen trong không khí" như sau:

"1. Lượng Oxy trong cốc cháy nhiều hay cháy ít còn phụ thuộc chính chất cháy và ngay cả cùng là nến, lượng Oxy cháy cũng phụ thuộc số cây nến được đốt.

2. Đối với nến cháy, nồng độ Oxy chỉ cần hạ xuống một mức nhất định, sự cháy sẽ dừng lại.

3. Không khí nóng ở phía trên, ngăn cản hiện tượng đối lưu đem khí lạnh giàu Oxy đến chỗ nến cháy. Do vậy còn một lượng khí lạnh giàu Oxy ở phía dưới.

4. Khí CO2 sinh ra nóng và ở trên cao, dự đoán là khó xuống để nước có kiềm hấp thụ. Mặt khác, phản ứng CO2 với kiềm xảy ra như thế nào và có xảy ra hoàn toàn không cũng là một thông tin chưa rõ ràng.

5. Lúc cây nến cháy, không khí lân cận đã nóng và ngay sau khi ta úp chiếc cốc lại, áp suất khí trong bình và ngoài bình bằng nhau. Khi nến tắt, nhiệt độ khí trong bình hạ xuống làm áp suất hạ xuống và kéo khối nước lên là đáng kể."

Trong khi đó, Thạc sĩ Kiều Trí Hùng (giáo viên trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ:

"1. Thí nghiệm này (Xác định thành phần phần trăm thể tích oxygen trong không khí) là "tương đối" (không sai về học thuật), nếu đặt mục tiêu để học sinh lớp 6 hiểu được trong không khí có chứa O2, và đo lường một cách không quá chính xác thì thí nghiệm này vẫn chấp nhận được.

2. Chúng ta cần tìm hiểu mục tiêu của bài học là gì. Nếu là để tập cho học sinh quan sát và rút ra kết luận, sau đó giải quyết vấn đề, đặt bước đầu cho việc nghiên cứu khoa học thì thí nghiệm như thế là ổn."

"Tôi nghĩ các thí nghiệm trong hoá cũng không chính xác tuyệt đối, kể cả trong phòng thí nghiệm của các trường đại học, càng xuống lớp nhỏ thì càng thiếu chính xác. Nên các thí nghiệm kiểu này đa số tôi sẽ hướng đến tư duy, kỹ năng nhiều hơn là đặt mục tiêu đo lường chính xác.

Với học sinh lớp 6, tác giả sách giáo khoa dùng thí nghiệm này là được rồi. Nước ngoài họ cũng dùng kiểu như vậy để học sinh tiếp cận. Khi dạy chương trình mới, tôi nghĩ thầy cô phải nghĩ thoáng lắm, chỉ cần đạt yêu cầu của Bộ Giáo dục là tốt lắm rồi, chứ đừng bám sách giáo khoa", giáo viên này nêu ý kiến.

Bàn về về bài viết của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Cự Giác trên Tạp chí liên quan đến thí nghiệm "Xác định thành phần phần trăm thể tích oxygen trong không khí", thầy Mai Văn Túc - giáo viên Vật lí, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm:

"Có những tranh luận công khai như thế này là dấu hiệu rất tốt để các băn khoăn của giáo viên về các nội dung trong sách giáo khoa thêm rõ ràng", thầy Túc chia sẻ.

Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các nhà khoa học viết bài phân tích làm rõ vấn đề, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.


Cao Nguyên (ghi)