Thí sinh nói gì về đề thi "trinh tiết" của Đại học FPT?

12/04/2012 11:55
Kim Ngân
(GDVN)Nhiều thí sinh dự thi vào Trường ĐH FPT cho rằng, đề thi năm nay khó, bất ngờ, thực tế… nhưng hơi nhạy cảm.
Đề thi luận trong kỳ thi sơ loại năm nay của Trường ĐH FPT đã khiến thí sinh khá bất ngờ và hào hứng. Phần luận (60 phút) dẫn thơ của đại thi hào Nguyễn Du về quan niệm của nhân vật Kim Trọng về “trinh tiết” của người con gái để thí sinh bộc lộ quan điểm về “yêu thoáng”, “sống thử”, “quan hệ tình dục trước hôn nhân” của giới trẻ hiện nay.
Đây là một chủ đề “nóng”, có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh đề thi này. Để có cái nhìn khách quan về đề thi được coi là “táo bạo” của Đại học FPT, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với những “người trong cuộc” – thí sinh tham dự kỳ thi này.

Đề thi khó, thực tế nhưng hơi nhạy cảm?

Suy nghĩ về đề thi tự luận 60 phút năm nay, N.T.Mai (HS lớp 12, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông, HN) cho biết: “Đề thi năm nay quá thực tế, mình nghĩ vấn đề nói đến phù hợp với lứa tuổi của học sinh, nhưng không nên quá cụ thể từ “trinh tiết” vì nó hơi nhạy cảm. Lúc đọc xong đề, cả phòng mình nhìn nhau cười”.
Đề thi sơ tuyển ĐH FPT năm nay đề cập đến quan niệm "cái màng trinh" gây xôn xao dư luận
Đề thi sơ tuyển ĐH FPT năm nay đề cập đến quan niệm "cái màng trinh" gây xôn xao dư luận

Mai lý giải mặc dù đã chuẩn bị khá nhiều chủ đề luận ở nhà, nhưng không nghĩ đề thi ra khó và lại bàn luận về vấn đề khá tế nhị này. Bạn thí sinh này cũng so sánh rằng, đề năm 2011 của ĐH FPT cũng khá thực tế, sáng tạo, dễ dàng hơn và gây hứng thú cho thí sinh – đó là chia sẻ, giãi bày những suy nghĩ của bản thân về tình bạn.

Đồng tình với N.T.Mai, thí sinh Sái Nguyên Long (12 A1, Trường THPT Quang Trung, Hà Nội) bày tỏ: “Đề luận hay vì nói được vấn đề nổi cộm trong xã hội, đặc biệt cuộc sống giới trẻ hiện nay. Mình thấy hơi nhạy cảm so với các đề tự luận mình hay làm, nên có phần bất ngờ khi đọc đề. Không phải bạn nào cũng quan tâm cũng như tìm hiểu về vấn đề này, nên có thể gây khó khăn trong quá trình viết luận, lấy dẫn chứng để chứng minh luận điểm của mình. Tuy vậy, mình nghĩ không có gì ngại ngùng khi bàn luận về vấn đề này, vì đây là điều cần thiết và gần gũi với lứa tuổi học trò”.
Đánh giá về đề thi năm nay, Ngô Đức Phương (Trường THPT Phạm Hồng Thái, HN) nói: “Theo mình thì cách ra đề khá ổn, khá sát với kiến thức cơ bản và gắn liền với thực tế, nội dung hay, không có kiến thức gì quá tầm hiểu biết của học sinh THPT nhưng cũng cần phải có kĩ năng làm bài khá tốt, phân bố thời gian phù hợp và chuẩn xác. Nói chung đây cũng có thể nói là một đề thi sơ tuyển đại học phù hợp”

Hỏi về đề thi, bạn Trần Tiến Đạt (Lớp 12, trường THPT Nho Quan, Ninh Bình) lắc đầu tặc lưỡi kêu khó vì không hiểu biết nhiều về vấn đề này. Đạt đánh giá mình chỉ làm được khoảng 50%. “Đề thi mới mẻ, dễ hiểu và đưa ra vấn đề thiết thực nhưng hơi nhạy cảm. Thiết thực ở chỗ là học sinh rút ra nhiều bài học cho mình và có cái nhìn về vấn đề này một cách thẳng thắn nhất”, Đạt cho hay.

Nhiều thí sinh ủng hộ "giữ gìn trinh tiết"

Đạt nói thêm rằng muốn làm bài luận này đòi hỏi đọc thông tin trên mạng, xem ti vi, sách báo để có thể đưa ra những luận cứ, dẫn chứng cho luận điểm của mình. Vì đây là đề mở nên giúp cho học sinh tư duy sáng tạo, không gò bó trong chương trình sách giáo khoa. Ở đây không coi trọng đúng hay sai, ủng hộ hay không đồng tình quan điểm, mà quan trọng là biện luận để bảo vệ quan điểm của cá nhân một cách logic, thuyết phục.

Thí sinh Đức Phương thì bộc lộ quan điểm: “Đòi hỏi phải vận dụng hết kiến thức xã hội, nhận thức xã hội qua sách báo, trên ti vi, để có những đánh giá, dẫn chứng thực tế, thuyết phục nhất. Còn việc đề năm nay nói về luận điểm như vậy thì mình đã nêu chính kiến của mình trong bài thi rằng mình hoàn toàn không đồng ý với ý kiến của vài người ủng hộ về việc “ăn cơm trước kẻng”, nó hoàn toàn trái lại với phong tục truyền thống của người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng.

Theo mình thì trinh tiết của nguời phụ nữ là một phần quan trọng giúp người phụ nữ đó có được sự tôn trọng của người ngoài, đánh giá được nhân phẩm, giá trị con người. Mình hoàn toàn phản đối việc quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống thử hiện nay. Từ trên đài báo, mạng internet, TV đã đưa rất nhiều tin một số bộ phận học sinh THPT chưa đủ tuổi, chưa có kiến thức về giáo dục giới tính chỉ vì bồng bột mà làm điều thiếu suy nghĩ, dẫn đến hậu quả là biết bao ca nạo phá thai xảy ra, để lại nỗi đau quá lớn cho cả người thân.

Còn vấn đề sống thử hiện nay thường xảy ra ở nhóm sinh viên đã tồn tại khá lâu rồi, nó không mang lại lợi ích gì chính đáng, rõ ràng mà chỉ có hậu quả là đau thương, xót xa. Từ việc làm thiếu suy nghĩ, thiếu trách nhiệm mà rất nhiều những đứa trẻ sơ sinh, mồ côi, bị bỏ lại bệnh viện, bỏ lại ngoài đường, có trường hợp còn đáng lên án hơn đó là để một đứa trẻ sơ sinh vào thùng rác, xuống cống rãnh. Đó là những hành động mình thấy đáng lên án vì những người lớn hành động thiếu suy nghĩ, vô trách nhiệm”.


Còn Mai cho rằng: “Tùy theo quan điểm của cá nhân nên khó đánh giá được học sinh. Trong bài thi, em nghĩ gì viết như thế, lồng ghép các ý kiến từ những chương trình trên đài để so sánh. Mình không đồng tình với quan điểm hạnh phúc phụ thuộc vào 'cái màng trinh' của con gái”.

Nguyên Long (THPT Quang Trung) kể lại: “Em làm như một bài luận bình thường, đưa ra luận điểm, luận cứ, dẫn chứng từ kiến thức văn học, từ thực tế. Để làm tốt đề này cần có một chút suy luận và tìm hiểu kiến thức xã hội, đặc biệt không nên quá ngại ngùng khi bày tỏ, trao đổi quan điểm về vấn đề trinh tiết của người con gái hiện nay.

Theo đề bài hỏi rằng người phụ nữ có nhất thiết phải giữ gìn trinh tiết trước khi về nhà chồng? Em nghĩ là nên giữ bởi người Việt Nam có nhiều quan niệm truyền thống, nhất là người có tuổi trong gia đình. Và vấn đề trinh tiết được coi là quý giá nhất của người phụ nữ. Nếu người phụ nữ đó không còn trinh tiết khi về nhà chồng sẽ bị mang tiếng không chỉ cho mình mà cả nhà chồng. Và mình nghĩ hạnh phúc thật sự của một cuộc hôn nhân không phụ thuộc vào việc người vợ có còn trinh hay không. Bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác”.

Hơn thế nữa, Long còn bộc lộ quan điểm “sống thử” hiện nay: “Bản thân mình cũng khó chấp nhận người con gái không còn trinh tiết, đặc biệt là mình nghĩ không nên “thoáng” trong tình yêu, sống thử hay quan hệ tình dục trước hôn nhân như một bộ phận giới trẻ hiện nay”.

Có rất nhiều quan điểm, ý kiến trái chiều xung quanh việc cách ra đề thi tự luận quá “táo bạo”, “mới mẻ” của ĐH FPT. Có ý kiến ủng hộ, cho rằng đấy là xu hướng ra đề mới, xã hội nên “thoáng” hơn trong vấn đề đó. Và cũng có ý kiến hoàn toàn ngược lại: “Không nên thi mặc dù thực tế, sáng tạo và tốt cho học sinh”.

Kim Ngân