Thi Violympic trên mạng, như cái máy luyện "gà nòi"

23/12/2016 08:37
Đỗ Quyên
(GDVN) - Nhiều người giật mình vì lâu nay chính mình đã tạo áp lực cho con trong cuộc chạy đua thành tích ảo nhiều hơn thật này.

LTS: Câu chuyện về cuộc thi Violympic giải toán trên máy tính đang trở thành đề tài bàn tán.

Nhiều người nghi ngờ về chất lượng thật của cuộc thi này khi mà học sinh đi thi phải luyện tập kiểu "gà nòi" như một cái máy.

Với vai trò là một giáo viên, cô giáo Đỗ Quyên đã cho thấy bức tranh thực của "công nghệ luyện gà đi thi" đang phổ biến hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Mới đây, tâm sự của một phụ huynh lớp 1 ở Hà Nội về việc chạy đua thành tích thi Violympic của con đã thu hút được sự quan tâm rất nhiều của các bậc cha mẹ học sinh. 

Nhiều người giật mình vì lâu nay chính mình đã tạo áp lực cho con trong cuộc chạy đua thành tích ảo nhiều hơn thật này.

Nói thi Violympic là cuộc chạy đua thành tích ảo nhiều hơn thật chẳng có gì là quá đáng, đặc biệt khi lời nói ấy lại từ một số giáo viên đã từng có nhiều học sinh đạt giải toán Violympic các cấp.

Học sinh được thầy cô luyện thi kiểu "gà nòi". (Ảnh minh họa, nguồn: infonet.vn)
Học sinh được thầy cô luyện thi kiểu "gà nòi". (Ảnh minh họa, nguồn: infonet.vn)

Bởi chính các thầy cô giáo là người hiểu hơn ai hết những thành tích mà các em đạt được nó không đơn giản chỉ là năng lực, trí tuệ, những khổ luyện của cả thầy và trò mà còn là kết hợp cả sự gian dối của nhà trường, của chính giáo viên.

Violympic Toán, tiếng Anh không còn đơn giản là sân chơi cho những học sinh có đam mê về Toán học, có năng khiếu học Anh văn.

Nó đã trở thành cuộc thi tranh tài giành giải của các học sinh mà thực chất là nơi thể hiện và chứng minh đẳng cấp của các trường học với nhau trên cùng một địa bàn.

Vì thành tích cho bản thân, vì thành tích của nhà trường, học sinh đã trở thành nạn nhân trong cuộc đua tranh ấy.

Khách quan mà nhìn nhận, vẫn còn nhiều học sinh đạt giải trong các cuộc thi Violympic là năng lực và những nỗ lực thật sự của chính các em.

Tuy nhiên, cũng có không ít em phải dùng đến một chút mưu mẹo, một chút thủ đoạn mới có được.

Thi Violympic trên mạng, như cái máy luyện "gà nòi" ảnh 2

Chỉ số PISA và câu chuyện của nền giáo dục Việt Nam

Chính điều này đã làm cho cuộc thi giảm đi giá trị vốn có trong cái nhìn của nhiều người. 

Nhà trường tạo áp lực

Bất kể trường học nào muốn khẳng định tên tuổi phải có được những thành tích nổi trội trong học tập như tỉ lệ học sinh giỏi cao, đạt nhiều giải trong các kì thi học sinh giỏi các cấp.

Thế rồi ngay từ đầu năm học, các chỉ tiêu về học tập đã được phân về từng tổ chuyên môn để đăng kí.

Giáo viên cũng muốn có thành tích để làm đẹp báo cáo, để khẳng định tên tuổi với nhà trường nên cũng phải ráng sức.

Thế rồi, thầy cô bắt đầu chọn đội tuyển, lớp may mắn có những học sinh thông minh, học giỏi thật sự thì giáo viên đỡ vất vả. Nhưng có lớp, các em cứ sàn sàn ngang nhau.

Thế rồi, "so bó đũa, chọn cột cờ" và thầy cô phải nỗ lực gấp nhiều lần hơn thế.

Thầy trò vật vã khổ luyện 

Giáo viên về lập nick cho từng học sinh trong đội tuyển, không chỉ mỗi em một nick mà ít nhất là 3 nick trở lên.

Một nick dành đăng kí dự thi, hai nick còn lại thầy cô giữ một nick để hỗ trợ các em, nick còn lại các em tự luyện cho quen cách làm.

Thế rồi hằng đêm, chính các giáo viên phải đánh vật với những bài tập để tìm ra nhiều dạng mới ngày mai lên lớp hướng dẫn giải cho học sinh, dẫn các em lên phòng máy luyện giải.

Về nhà, các em luyện tiếp trên máy bằng những cái nick dự bị, thầy cô khuyến khích học sinh luyện càng nhiều càng tốt.

Do toán khó, nhiều học sinh thầy cô giảng hoài cũng chẳng thể tiếp thu nên cứ học thuộc lòng các kết quả của đề toán và vào nick làm như một cái máy để qua vòng.

Thi Violympic trên mạng, như cái máy luyện "gà nòi" ảnh 3

Dạy và học trăm đường khổ sở, vẫn phải đi hò reo, cổ vũ hàng chục cuộc thi

Làm hết nick này sang nick khác đến thuộc lòng các bài tập, đôi khi chưa cần đọc đề đã biết ngay kết quả chỉ cần bấm vào là qua vòng…

Một số em chán nản, mệt mỏi không chịu làm, giáo viên gọi điện xin phụ huynh hỗ trợ, có gia đình trả lời:

Toán khó quá chúng tôi cũng chẳng thể dạy được cho cháu, cô thầy cho con tôi khỏi thi cũng được”.

Thầy cô không đành bỏ cuộc, bỏ thế thì lấy học trò nào mà đi thi? Thế rồi giáo viên mở nick của học sinh giải hết vòng này qua vòng khác để các em đủ điều kiện dự thi. 

Gần tới ngày thi, thầy cô tăng tốc tải bài trên mạng về, xin bài của các tỉnh bạn đã thi trước để hướng dẫn cho học sinh. Do bài khó và nhiều nên chủ yếu các em học thuộc theo kiểu ăn may. 

Vào phòng thi, nhiều học sinh cũng nhờ trúng đề mà qua vòng một cách dễ dàng.

Không ít lần khi thấy học trò của mình lên bục nhận giải “Đạt giải nhất cuộc thi Violympic cấp tỉnh", không ít giáo viên thở dài vì năng lực thật sự của các em chưa thể chạm được đến mức ấy.

Hại nhiều hơn lợi

Dành quá nhiều thời gian để các em ôn luyện theo kiểu “gà nòi” nên đôi khi việc học tập của các em cũng bị ảnh hưởng.

Có giáo viên lên lớp dành nhiều thời gian để kèm cặp học sinh trong đội tuyển, gần tới ngày thi nhiều em còn được miễn học một số môn để dành thời gian cày thêm Toán, Anh văn.

Thế rồi khi được giải cấp này cấp kia, nhiều học sinh tỏ ra tự mãn chẳng chịu học hành, nhiều phụ huynh cũng ảo tưởng về lực học của con đi khoe hết nơi này đến nơi khác. 

Bản chất cuộc thi Violympic không hề có lỗi nhưng cách tổ chức ở nhiều trường học hiện nay đang tạo nên áp lực lớn cho giáo viên và học sinh làm cho sân chơi trí tuệ này nhuốm màu ganh đua không lành mạnh. 

Tốt nhất nên để cuộc thi Violympic chỉ đơn thuần là một sân chơi trí tuệ giúp học sinh trải nghiệm, tương tác với môn Toán để tự nâng cao kiến thức cho mình.

Thầy cô có thể khuyến khích các em tham gia nhưng không nên tổ chức thành các cuộc thi để biểu dương thành tích như cách một số địa phương đang làm hiện nay.

Đỗ Quyên