Thiết bị trường học bị "thổi giá": Nguyên GĐ Sở GD Hà Tĩnh phải chịu trách nhiệm

24/09/2022 06:32
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong thời kỳ 2017 – 2020, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh là ông Trần Trung Dũng. Hiện ông này đã nghỉ hưu.

Ngày 13/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có Kết luận thanh tra số 320/KL-UBND về việc chấp hành các quy định pháp luật trong thực hiện chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và các gói thầu mua sắm, dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất do Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường trung học phổ thông làm chủ đầu tư thuộc Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.

Theo Kết luận thanh tra, đoàn thanh tra đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp hồ sơ tài liệu, kiểm tra, xác minh thực tế và làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công tỉnh Hà Tĩnh; 38 trường trung học phổ thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Kết luận thanh tra chỉ rõ, để xảy ra sai phạm đấu thầu, nâng giá, đánh tráo hàng trăm thiết bị giáo dục trong quá trình thực hiện Đề án 1436 (Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) do Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư, trách nhiệm trực tiếp thuộc về Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách, Trưởng phòng tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2017 – 2020.

Trong thời kỳ 2017 – 2020, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh là ông Trần Trung Dũng hiện đã nghỉ hưu.

Tại Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công tỉnh Hà Tĩnh (thuộc Sở Tài Chính tỉnh Hà Tĩnh) giai đoạn 2017 – 2020, trách nhiệm thuộc về Giám đốc, Phó giám đốc trong việc thẩm định giá...

Ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh giai đoạn 2017 - 2020 (hiện đã nghỉ hưu).

Ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh giai đoạn 2017 - 2020 (hiện đã nghỉ hưu).

Kết luận thanh tra đã nêu ra biện pháp xử lý đối với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh bao gồm việc đôn đốc thu hồi nộp ngân sách Nhà nước đầy đủ, đúng thời hạn số tiền 1.437.156.000 đồng.

Hàng loạt những nguyên nhân của những sai phạm liên quan đến "thổi giá" trong việc mua sắm thiết bị trường học tại Hà Tĩnh được Kết luận thanh tra chỉ ra bao gồm:

Việc xác định nhu cầu sử dụng chưa sát với tình hình thực tế dẫn đến việc sử dụng Đài cassette phục vụ dạy ngoại ngữ và sử dụng phần mềm Trí việt E-Leanning chưa phát huy hiệu quả, đăng ký mua sắm máy chiếu đa năng chỉ hạn chế trong 02 hãng sản xuất, phân phối độc quyền, hạn chế giao dịch phổ biến và không đồng bộ với thiết bị máy chiếu do các cơ sở giáo dục tự mua sắm; xác định giá để lập dự toán đăng ký mua sắm thiếu thông tin về giá thời điểm; lập dự toán đăng ký mua sắm một số tài sản (máy chiếu đa năng, âm ly đa năng...) cao bất thường; quản lý, giám sát hồ sơ đăng ký nhu cầu mua sắm thiếu chặt chẽ dẫn đến có sự trao đổi phụ lục hồ sơ của 04 tờ trình đăng ký mua sắm, thay đổi về chủng loại, số lượng thiết bị giữa hồ sơ đăng ký ban đầu và thực tế mua sắm, có dấu hiệu tạo lợi thế cho một số nhà thầu mua sắm.

Công tác thẩm định giá tài sản còn thiếu sót, chưa thực hiện đúng quy định tại điểm b, mục 4 tiêu chuẩn thẩm định giá số 8; thẩm định giá một số tài sản để làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư, giá gói thầu có giá cao bất thường so với giá nhập khẩu và giá bán của nhà phân phối, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu tại một số gói thầu chưa đúng mẫu quy định tại Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa, Thông tư số 04/2017/TT BKHĐT ngày 15/11/2017 quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đưa vào hồ sơ mời thầu một số nội dung không phù hợp, không nhất quán làm hạn chế một số nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một số nhà thầu tham gia đấu thầu.

Công tác đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu ở một số gói thầu còn thiếu chặt chẽ; ký kết thỏa thuận khung ở gói thầu TB 15.2019 còn sai sót.

Công tác nghiệm thu, bàn giao thiết bị ở một số gói thầu vẫn còn bất cập, thiếu chặt chẽ dẫn đến sai sót; các thành viên liên danh thực hiện không đúng khối lượng đã phân chia theo thỏa thuận được nêu trong hồ sơ trúng thầu (thực chất là lách luật để tạo năng lực tham gia đấu thầu nhưng khi thực hiện chỉ một thành viên thực hiện khối lượng công việc) là thực hiện không đúng quy định, vi phạm khoản 8 Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu;

Thay đổi model hàng hóa so với thỏa thuận khung và hợp đồng mua sắm nhưng không thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định; thiếu phối hợp với cơ quan thuế để thu thuế giá trị gia tăng vãng lai; thiếu cơ chế tiếp nhận thông tin giữa chủ đầu tư, đơn vị cung cấp thiết bị, đơn vị sử dụng tài sản trong việc bảo hành, bảo trì tài sản mua sắm dẫn đến một số thiết bị đồ chơi ngoài trời ở một số trường mầm non hư hỏng xuống cấp, mất an toàn khi sử dụng, phần mềm học tập chưa được cài đặt, cấp quyền cho giáo viên sử dụng nhưng chưa được phát hiện, khắc phục.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh. (Ảnh: LC)

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh. (Ảnh: LC)

Một số gói thầu có hiện tượng các thành viên liên danh trúng thầu ký hợp đồng mua bán hàng hóa cho nhau qua một đơn vị trung gian nhằm đẩy giá thiết bị, hợp thức hóa giá trúng thầu, giá hợp đồng.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện mua sắm đối với các trường trung học phổ thông còn có mặt hạn chế; việc mua sắm tài sản của các trường trung học phổ thông còn tùy tiện, thiếu các trình tự, thủ tục như: quyết định mua sắm, thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và biên bản thương thảo hợp đồng, hồ sơ yêu cầu, có hiện tượng chia tách dự toán thành các gói thầu nhỏ hơn 100 triệu đồng để chỉ định thầu và phù hợp thẩm quyền, áp dụng chỉ định thầu với các gói mua sắm thường xuyên vượt hạn mức quy định.

Đối với các trường trung học phổ thông, kết luận thanh tra yêu cầu các trường tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đôn đốc các trường thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 208.328.000 đồng, trong đó, các trường như: Trường Trung học phổ thông Lê Hữu Trác Trường Trung học phổ thông Nghèn, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng phải thu hồi tiền từ các đơn vị đã xảy ra sai phạm.

Việc quản lý tài chính tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm từ nhiều năm trước. Hàng loạt các kết luận thanh tra đã được cơ quan chức năng ban hành như: Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh có Kết luận thanh tra số 10/KL-TT ngày 25/11/2017 “Về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý tài chính-ngân sách, mua sắm trang thiết bị và quản lý đầu tư xây dựng tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh";

Ngày 30/7/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 2734/QĐ-BGDĐT về việc thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Qua quá trình kiểm tra xác minh, ngày 7/3/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kết luận Số 169/KL-BGDĐT, kết luận này đã chỉ ra nhiều vấn đề sai phạm trong công tác quản lý giáo dục tại tỉnh Hà Tĩnh.

Trần Phương