Thiếu giáo viên, địa phương kiến nghị Bộ trưởng Nhạ cho phép hợp đồng lao động

05/12/2020 06:15
MINH THẢO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ trưởng yêu cầu các địa phương cũng cần tránh việc chạy theo thành tích nông thôn mới dẫn đến “nợ” trường đạt chuẩn quốc gia.

Ngày 4/12, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai.

Bộ trưởng yêu cầu các địa phương cũng cần tránh việc chạy theo nông thôn mới dẫn đến “nợ” trường đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: MT

Bộ trưởng yêu cầu các địa phương cũng cần tránh việc chạy theo nông thôn mới dẫn đến “nợ” trường đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: MT

Tại buổi làm việc, ông Lê Duy Định - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã nêu một số khó khăn, vướng mắc mà địa phương đang gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mới.

Đó là hệ thống trường, lớp còn nhiều điểm lẻ, khoảng cách giữa các điểm trường xa, giao thông đi lại khó khăn. Nhiều trường tiểu học xây dựng đã lâu năm nên phòng học đã xuống cấp nhưng vẫn chưa được đầu tư sửa chữa.

Hiện toàn tỉnh còn thiếu 1.255 phòng học, chỉ mới đạt tỷ lệ 0,93 phòng/lớp, nhiều trường chưa đủ 1 phòng/1 lớp để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và thiếu phòng học chức năng.

Biên chế giáo viên đang thiếu trầm trọng do thực hiện việc cắt giảm 10% theo lộ trình trong khi quy mô trường lớp ngày càng phát triển.

Điều này dẫn đến các trường học phải dồn ghép lớp, nhiều trường có lớp học vượt quá định mức cho phép theo quy định nên việc triển khai các hoạt động giáo dục, nhất là chương trình giáo dục phổ thông mới gặp không ít khó khăn.

Ngoài ra, do biên chế ưu tiên cho giáo viên đứng lớp nên hiện nhiều trường không có hoặc có ít nhân viên, không đảm bảo tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia – ông Định cho hay.

Do đó, ngành giáo dục Gia Lai đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có kiến nghị với Chính phủ ưu tiên bổ sung đủ biên chế giáo viên, nhân viên cho tỉnh đảm bảo định mức.

Trước mắt cho phép hợp đồng lao động đối với giáo viên còn thiếu, tăng biên chế giáo viên cho các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Đồng thời, có phương án hỗ trợ kinh phí để xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp, tháo gỡ những vướng mắc cho ngành giáo dục Gia Lai. Hỗ trợ địa phương này triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc tinh gọn bộ máy và xã hội hóa giáo dục là cần thiết nhưng phải hiệu quả, tránh thực hiện cứng nhắc, thiếu trách nhiệm.

Sở Giáo dục cần phối hợp với các sở, ngành liên quan khảo sát, xây dựng mô hình để phát triển Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Đồng thời, gắn liền các đề án về phát triển đội ngũ với công tác đào tạo sư phạm tại địa phương.

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch về trang bị cơ sở vật chất để phục vụ nhiệm vụ đổi mới giáo dục, trước mắt là ưu tiên đối với lớp 1 trong năm học 2020-2021 và lớp 2, lớp 6 trong năm 2021-2022.

Các địa phương cũng cần tránh việc chạy theo nông thôn mới dẫn đến “nợ” trường đạt chuẩn quốc gia – Bộ trưởng yêu cầu.

Đến chiều cùng ngày, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà cho Trường trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Tại đây, Bộ trưởng Nhạ cho biết, trong năm học 2020-2021 ngành giáo dục vẫn tinh giản chương trình so với chương trình hiện hành.

Trong học kì 2 dựa vào tình hình thực tế, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể để thầy cô và học sinh chủ động trong việc dạy và học.

Bộ trưởng cũng đề nghị các thầy cô không tạo áp lực cho học sinh, để các em bám sát chương trình trong sách giáo khoa. Các thầy cô giáo cần chuẩn bị dần tâm thế đối với việc thay sách giáo khoa trong những năm học tới.

Bên cạnh đó, tập trung hướng nghiệp, giáo dục nghề địa phương cho các em học sinh cũng rất quan trọng.

Đồng thời, yêu cầu cán bộ, giáo viên tập trung tìm hiểu công nghệ số. Qua đó, xây dựng các bài giảng điện tử hiệu quả, chất lượng.

MINH THẢO