Thiếu GV ở môn học mới, Giám đốc Sở GD Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất giải pháp

03/02/2023 09:07
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngành GD Vũng Tàu dự định sẽ xin chủ trương và kết nối với Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh để mở phân hiệu đào tạo giáo viên sư phạm tại địa phương.

Trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, rất nhiều địa phương trên cả nước đang phải loay hoay với bài toán thiếu giáo viên, nhất là giáo viên ở các môn học mới.

Mặc dù quyết định bổ sung biên chế giáo viên của Bộ Chính trị được xem là tín hiệu tích cực nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cả trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, nhiều địa phương dù đã đặt chỉ tiêu tuyển dụng song vẫn còn đau đáu nỗi lo về nguồn tuyển.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, cô Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: "Đối với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có được một số thuận lợi nhất định.

Trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã rất quan tâm và bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ cho giáo dục. Do đó, hàng năm ngành giáo dục luôn luôn được bố trí nguồn chi thường xuyên và đầu tư từ 23 - 25% trong tổng chi ngân sách của tỉnh.

Bên cạnh đó, với những hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục Bà Rịa - Vũng Tàu cũng luôn có kế hoạch nhằm dự báo, có thể "đi tắt đón đầu" với các chủ trương đó.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành cũng gặp phải một số khó khăn. Một trong những điểm khó mà chúng tôi đang phải đối mặt đó là thiếu đội ngũ giáo viên ở một số môn, đặc biệt là với các môn học mới".

Cô Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: mattran.baria-vungtau.gov.vn

Cô Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ảnh: mattran.baria-vungtau.gov.vn

Qua đó, vị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu lý giải, việc thiếu giáo viên có nguyên nhân chủ yếu do một số thay đổi trong Luật Giáo dục và nguồn giáo viên trên địa bàn để thực hiện việc tuyển dụng là rất ít, thậm chí với một số môn không có nguồn để tuyển.

"Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện đang loay hoay vì thiếu nguồn tuyển dụng, trong đó chủ yếu là giáo viên ở bậc tiểu học và giáo viên của một số môn mới. Với nguồn tuyển giáo viên của môn Thể dục, Tiếng Anh chúng tôi cũng đang gặp khó khăn thấy rõ", cô Châu thông tin thêm.

Qua đó, vị này cũng đã nêu ra một số giải pháp để có thể khắc phục khó khăn, trong đó có việc, ngành giáo dục tỉnh này cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, công khai, minh bạch và thông tin tuyển dụng đến mọi cơ sở ở các cấp tại địa phương. Phạm vi có thể từ phường, xã, thậm chí có nơi thông tin tuyển dụng còn đến tận từng khu phố.

Trong các thông báo tuyển dụng, ngành giáo dục tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nêu rõ thông tin số lượng giáo viên đang thiếu ở các lĩnh vực, bộ môn nào để các những người quan tâm nắm rõ và không để xảy ra việc chồng chéo khi các ứng viên tham gia dự tuyển.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc thông tin đến từng cơ sở, ngõ ngách như vậy giúp bám sát đến từng đối tượng, kể cả những người ít có khả năng tiếp cận được với phương tiện truyền thông. Đặc biệt, ngành giáo dục tỉnh này cũng hướng đến các sinh viên sư phạm mới ra trường để đối tượng này nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng thực sự.

Cô Châu cũng thông tin thêm, ngoài việc truyền thông mạnh mẽ để những người quan tâm đến việc tuyển dụng có thể nắm bắt, ngành giáo dục tỉnh này cũng từng bước tăng dần vai trò của cấp ủy địa phương vào cuộc và chung tay cùng ngành giáo dục trong việc giải quyết khó khăn này.

Trước việc thiếu giáo viên, để đảm bảo việc học tập thông suốt của học sinh trên địa bàn, cô Châu cũng chia sẻ một số phương án: "Chúng tôi cũng đã có một số giải pháp sắp xếp các trường, các lớp để làm sao bố trí đủ giáo viên và tổ chức giảng dạy.

Theo ước tính, Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 600 biên chế giáo viên ở các cấp chưa tuyển được. Vì vậy, Sở cũng đã có một số chỉ đạo để các nhà trường có thể bố trí lồng ghép giáo viên để đảm bảo yêu cầu dạy học".

Trước thực trạng này, cô Châu cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian sắp tới, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có được nguồn giáo viên ổn định. Với việc này, hiện ngành giáo dục Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang có những kế hoạch và định hướng lộ trình thực hiện.

Thông tin về việc này, cô Châu cho biết: "Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu hiện đang xin chủ trương và kết nối với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo mở một phân hiệu tại Bà Rịa - Vũng Tàu đào tạo giáo viên trình độ đại học.

Chúng tôi tin tưởng rằng, nếu hiện thực hóa được việc này, trong tương lai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có được đội ngũ giáo viên ổn định để giải quyết những khó khăn như hiện nay".

Theo cô Châu, song hành với đề xuất nói trên, tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn, ngành giáo dục tỉnh này cũng đã cho thông báo mang tính định hướng đến từng học sinh về kế hoạch tuyển dụng, nhu cầu giáo viên bộ môn cần tuyển của địa phương để học sinh nắm bắt và có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp cho bản thân trong tương lai.

Vị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, khi kết hợp được việc định hướng nhu cầu việc làm trong tương lại đến từng học sinh trung học phổ thông với việc tiến tới có cơ sở đào tạo sư phạm trình độ đại học trong địa bàn tỉnh thì vấn đề thu hút số lượng học sinh lựa chọn học sư phạm tại tỉnh này sẽ khả quan hơn.

Thí sinh tham dự xét tuyển viên chức đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Vũng Tàu năm học 2022 – 2023. Ảnh: baobariavungtau.com.vn

Thí sinh tham dự xét tuyển viên chức đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Vũng Tàu năm học 2022 – 2023. Ảnh: baobariavungtau.com.vn

Qua đó, kỳ vọng với điều kiện học tập thuận lợi như vậy sẽ làm tăng tỉ lệ học sinh tham gia học ngành sư phạm ở một số môn đặc thù, dễ bị thiếu giáo viên. Theo cô Châu, đây chính là mấu chốt trong việc tạo nguồn giáo viên ổn định và dồi dào trong tương lai.

"Có thể trước đây, dù yêu thích ngành sư phạm nhưng với việc đi học tại Thành phố Hồ Chí Minh - nhiều trường và nhiều sự lựa chọn ngành học thì các em cũng sẽ phân vân khi chọn trường.

Nếu tại địa phương có trường đại học sư phạm, với điều kiện thuận lợi về đi lại như vậy, các học sinh yêu thích sư phạm sẽ dễ dàng đưa ra sự lựa chọn thay vì quá phân vân với việc học sư phạm ở một nơi xa xôi, xa gia đình.

Chúng tôi muốn thay đổi tư duy chọn học ngành sư phạm ngay từ việc tạo thuận lợi cho các em, rút ngắn khoảng cách đi lại để các em yên tâm với lựa chọn của mình. Chúng tôi tin rằng, trong tương lại khi các đề xuất đi vào thực tiễn, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có lượng giáo viên thật dồi dào, ổn định, không mang nỗi lo năm nào cũng phải đi kiếm giáo viên như hiện nay", cô Châu cho hay.

Trung Dũng