Thổi giá kít xét nghiệm ăn tiền lại quả: còn vị, cá nhân nào chưa bị lộ?

20/12/2021 06:40
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc này cần phải lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm, song hành với sự vào cuộc tích cực của cơ quan điều tra để làm rõ tận cùng những góc khuất của sự việc.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) đã khởi tố ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Thiết bị Việt Á cùng một số thuộc cấp bị điều tra về tội ''vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng''.

Cùng tội danh, C03 cũng đã khởi tố ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương - CDC tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Mạnh Cường (nguyên kế toán trưởng CDC Hải Dương).

Theo điều tra, để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kít; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Đến nay, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán Kit xét nghiệm Covid cho CDC Hải Dương thông qua 05 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.

Hành vi của Phạm Duy Tuyến, Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan tại CDC Hải Dương, Công ty Việt Á là vi phạm nguyên tắc công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, vi phạm các điều cấm quy định tại Luật Đấu thầu, có dấu hiệu của tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 [1].

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: quochoi.vn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: quochoi.vn

Vụ việc này cùng với một số vụ nâng khống giá thiết bị vật tư y tế đã được cơ quan điều tra đưa ra ánh sáng trước đó một lần nữa cho thấy, quyết tâm xử lý đến cùng, không có vùng cấm trong công tác phòng chống tham nhũng và các tội phạm kinh tế.

Đặc biệt, con số "lại quả" của Công ty Việt Á cho Giám đốc CDC Hải Dương với số tiền 30 tỷ đồng trên tổng số tiền đơn hàng 151 tỷ đồng đã cho thấy mảng tối trong các cú bắt tay phi pháp của doanh nghiệp với người có chức có quyền.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, bà vô cùng bức xúc với hành vi trên của các đối tượng.

“Việc làm của người này cùng các thuộc cấp không những vi phạm pháp luật mà còn là vô đạo đức trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều người dân rơi vào cảnh lao đao túng thiếu vì dịch bệnh, biết bao nhiêu nhà hảo tâm, các mạnh thường quân trong cả nước đang cùng chung tay sẻ chia từng bát cơm, gói thuốc cho những người yếu thế, những người bị mắc Covid - 19 có hoàn cảnh khó khăn.

Trong hoàn cảnh ấy, đáng lý họ phải đứng ra hỗ trợ nhân dân, đấu thầu chọn đơn vị có giá hợp lý nhất để giảm bớt gánh nặng trong phòng, chống dịch. Nhưng các đối tượng lại nâng khống giá để ăn những đồng tiền dựa trên sự khốn khổ của người dân thì quá là vô nhân đạo.

Tất nhiên, đã là kinh doanh thì ai cũng mong muốn có lợi nhuận, nhưng lợi dụng dịch bệnh để làm giàu trong lúc người dân cần, nhà nước cần còn là vô đạo đức trong kinh doanh. Bởi lẽ, giữa lúc dịch bệnh, cũng có rất nhiều doanh nghiệp dù đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng họ luôn sẵn sàng chung sức cùng đất nước, nhân dân bằng việc trích một chút kinh phí nhỏ họ thu được đễ hỗ trợ. Hoặc cũng có những doanh nghiệp chi viện cả ATM miễn phí về thuốc, gạo, ô xy cho người dân khi họ cần.

Đó là chưa kể đến những cá nhân khác như các em học sinh dành toàn bộ tiền tiết kiệm để ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid hoặc các vụ già neo đơn ủng hộ từng quả trứng, mớ rau cho đội ngũ chống dịch..v.v. Những hình ảnh tương phản ấy để chúng ta thấy được đạo đức của một số con người trong vụ việc vừa bị phanh phui này đã bị suy đồi như thế nào khi đứng trước sự cám dỗ của đồng tiền.

Tôi có đọc được thông tin là công ty này trúng thầu nhiều gói thầu về cung cấp vật tư y tế, cung cấp kit xét nghiệm Covid - 19 ở nhiều địa phương trên cả nước. Vậy ngoài CDC Hải Dương, còn CDC nào chưa bị lộ? Tôi tin, chắc chắn các cơ quan điều tra sẽ sớm làm rõ".

Bà Bùi Thị An nhấn mạnh: "Lần này Bộ Công an đã vào cuộc rất kịp thời và đưa ra ánh sáng sự việc. Dư luận rất ủng hộ.

Tôi cũng mong sớm điều tra rõ ở CDC của các tỉnh khác thì như thế nào?

Vì chi phí để thực hiện xét nghiệm Covid - 19 nếu không được huy động từ các nguồn tài trợ thì cũng được lấy từ đóng góp tiền thuế của nhân dân. Hành vi của các đối tượng cần phải được lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm, song hành với sự vào cuộc tích cực của cơ quan điều tra để làm rõ tận cùng những góc khuất của sự việc mà chúng ta chưa biết được”.

Đối tượng Phạm Duy Tuyến. Ảnh: Bộ Công anĐối tượng Phạm Duy Tuyến. Ảnh: Bộ Công an

Nêu nhận định về nguyên nhân khiến cho các vụ việc liên quan đến nâng khống giá vật tư y tế vẫn xảy ra dù trước đó nhiều vụ án đã bị công an khởi tố, Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng: “Tôi cho rằng, một phần nguyên nhân các vụ việc này diễn ra là do vẫn còn kẽ hở quản lý trong các hoạt động đấu thầu và quản lý lĩnh vực này. Thứ hai là do lợi nhuận quá lớn khiến người có chức có quyền mờ mắt.

Tôi cũng đã có đề nghị với Bộ Y tế là phải có trách nhiệm. Bởi vì, Bộ Y tế được nhà nước giao trách nhiệm là chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân thì cần phải hiểu rõ nhất về giá thuốc, giá thiết bị vật tư y tế trong thời điểm đó thì giá cả của nó phải như thế nào.

So sánh với mức sống của nhân dân thì mức giá đó là cao hay thấp, có tỉ lệ với giá bán của các nước khác trong khu vực hay không. Làm tròn trách nhiệm của nhà quản lý y tế là phải nắm được giá cả trên thị trường của ngành y tế có sát thực tế hay đang bị thổi khống lên trước khi cơ quan điều tra, hay báo chí nêu lên thực trạng rồi mới biết.

Thời đại công nghệ 4.0, chỉ cần ngồi một chỗ là có thể tra được giá và chất lượng tương xứng của các thiết bị vật tư y tế ấy như thế nào. Cần nắm rõ và điều chỉnh tốt điều này thì việc an sinh xã hội mới được đảm bảo.

Cơ quan quản lý về y tế cũng nên rút ra từ sự việc lần này để quản lý chặt hơn, không để tái diễn thêm một sự việc nào tương tự. Nếu cứ để lặp lại những sự việc tương tự thì nhà nước ta phải gồng gánh như thế nào trong lúc đang còn khó khăn và tiết kiệm từng đồng để phòng, chống dịch”.

Tư liệu tham khảo:

[1] http://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/khoi-to-07-doi-tuong-trong-vu-an-hinh-su-vi-pham-quy-dinh-ve-dau-thau-gay-hau-qua-nghiem-trong-xay-ra-tai-cong-ty-viet-a-cdc-hai-duong-t30706.html

Trung Dũng